Điều khó có thể tin được đã xảy ra. Một bài học trong quyển sách đọc thêm đã ghi: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.
Tạo sự dũng cảm, hay tạo sự ngộ nhận?
Trả lời một tờ báo,chủ biên cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1, ông Phan Quốc Việt nói, bài học này đã được Tâm Việt Group dạy học sinh 10 năm qua và chưa em nào bị chảy máu. Ông Việt đã giải thích về sự an toàn của “trò chơi” này:
Để học sinh trải nghiệm thực tế, ông đã nghiên cứu kỹ. Theo nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3cm2 và độ dày 3cm thì không thể cắt vào chân. Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, thiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên.
Và bao giờ các thầy cũng dùng những băng dính để dính lại những mảnh rất nhỏ.
Điều nguy hiểm là nội dung và cách thực hiện trò chơi này không dạy cho các em lòng dũng cảm hay kỹ năng vượt khó, mà còn tạo ra sự ngộ nhận hết sức nguy hiểm.
Trước hết, vấn đề đặt ra là trẻ em có cần phải “dũng cảm” bằng cách đi trên những mảnh thủy tinh hay không? Với lứa tuổi thiếu nhi, các em có bao nhiêu trạng thái tình huống cần rèn luyện, tập dượt để vượt qua những ngưỡng tâm lý cần thiết.
Ví dụ như: sự cô đơn trước đám đông, những độ cao quá tầm với, những sinh vật hình ảnh quái lạ, bóng đêm…
Nhầm lẫn kỹ năng và ảo tưởng
Hướng dẫn kỹ năng là phải tạo cho các em khả năng thật, khắc phục được tình huống thật, vượt qua những nguy hiểm thật… chứ không phải tạo cho các em hoang tưởng hoặc tự kỷ ám thị về khả năng không có thật của mình. Hơn thế nữa ở đây trò chơi.
Bài học của ông Việt đã cố ý tạo ra ngộ nhận bằng cách tạo ra vật giả, một loại thảm thủy tinh an toàn để cho các em có cảm giác mình dũng cảm, thậm chí kiêu ngạo khi đi thành công trên thảm thủy tinh mà không bị chấn thương.
Trẻ con không thể phân biệt được tấm thảm an toàn do ông làm mẫu và thảm thủy tinh bất kỳ khác. Sẽ là thảm họa khi các em tự mình hay bày cho các bạn khác làm điều này với một thảm thủy tinh thật mà các em tạo ra hoặc tình cờ bắt gặp.
Mảnh thủy tinh hay vật nổ, vật cháy là những vật nguy hiểm; thì phương pháp giáo dục đúng đắn là tư vấn cho các em cách thoát hiểm an toàn, tránh va chạm không cần thiết có thể tự gây tai nạn.
Ông Việt đã tự mâu thuẫn và rối rắm khi phân trần: “Người lớn không cần lo trẻ con sẽ đọc và làm thử điều này ngoài đời thật, bởi vì khi chưa học thì chúng sẽ sợ, mà nếu sợ thì sẽ không bao giờ làm thử”.
Sau đó chính ông lại nói ngược lại: “Thực tế, một người không làm gì thì sẽ không có thất bại, trong khi "thất bại là mẹ của thành công". Trẻ phải thấy chai vỡ thật, phải nghe tiếng "xoảng", phải bước qua nó thì mới vượt qua được sợ hãi. Nếu không đối diện với thực tế thì khi chiến tranh, khó khăn, trẻ không biết đối mặt thế nào”.
Theo lý luận ngược của ông, để tránh bệnh HIV/AIDS thì phải trải nghiệm với bệnh ấy trước hay sao?
Ông Việt còn cho rằng, ngoài việc đi trên thảm thủy tinh, bài học về lòng dũng cảm còn có phần học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra sau đó tự cho thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại. Trẻ nhỏ hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này sẽ giúp trẻ đối diện với sợ hãi:
"Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết”.
Với quan niệm giáo dục về lòng dũng cảm của vị “chuyên gia” này, nhiều người cảm thấy hoang mang. Mục tiêu chúng ta đang đào tạo những con người nào? Những con người có tâm hồn trí tuệ hướng thượng, biết tôn trọng thân thể của mình và người khác, hay là những con người bản năng, “máu lạnh”, từ nhỏ đã tập chai lỳ với đau đớn, không biết sợ hãi?
Vì sao “lọt lưới”?
Còn một vấn đề nữa đặt ra. Đây không chỉ là nhầm lẫn hay sai sót của cá nhân ông Việt. Có cả một thể chế quản lý xã hội, quản lý giáo dục nhiều tầng nấc tưởng như chặt chẽ… nhưng ý tưởng sai trái phản sư phạm ấy đã được in thành sách của chính Nhà xuất bản Giáo Dục và được phát hành ngay trong hệ thống phát hành của ngành này.
Cuốn sách đang bị thu hồi |
Sự cố chỉ được dư luận báo chí phát hiện sau khi sách ra đời gần hai năm. May mắn là cơ quan chức năng đã tiếp thu.
Hai ngày 26/8 ngày 27/8, NXB nêu trên đã có văn bản gửi các đơn vị cấp dưới đề nghị thu hồi cuốn sách . NXB cũng yêu cầu thu hồi toàn bộ các tên sách còn lại trong bộ Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 2, 3, 4, 5 xuất bản năm 2014. Như vậy không chỉ có quyển cho lớp 1, mà bốn quyển còn lại cũng có thể có vấn đề tương tự.
Nhưng như thế không có nghĩa là thoát trách nhiệm. Một người đã có nhận xét hết sức chính xác về sự nguy hiểm của hiện tượng này như sau:“Sự nguy hiểm nằm ở chỗ vì sao một câu chuyện như vậy lại có thể lọt qua các tầng biên tập, các tầng quản lý của NXB, nơi hàng năm in ra hàng triệu triệu quyển sách giáo khoa cho học sinh Việt Nam”.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ vì sao một câu chuyện như vậy lại có thể được các thầy cô giáo – hẳn là phải có đầy kiến thức về sư phạm - ở trung tâm nọ, trường học kia chấp nhận, để rồi được tổ chức thành một buổi tập đi trên miểng chai trong một tiết học ngoại khóa.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ vì sao một câu chuyện như vậy nằm trong sách của con từ hai năm qua, mà các ông bố, bà mẹ không hề có phản ứng gì trong, để đến khi đã trở thành một vụ lùm xùm khắp các mặt báo, thì mới đồng thanh lên tiếng, từ than phiền đến mắng mỏ.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ đó, rằng chúng ta - từ gia đình, nhà trường, đến nhà chức trách – có khi đã mất đi khả năng tư duy, phản biện, và phản ứng một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, và tự do; để ngăn chặn những điều sai trái xảy ra.
Và sự nguy hiểm khủng khiếp nhất là vì mất đi khả năng tư duy, phản biện, phản ứng đó; chúng ta có thể đang mất đi khả năng bảo vệ những đứa trẻ của chúng ta trước những điều rất nhỏ như những con chữ trong trang sách kỳ quái như vậy.