Bạn đồng hành của nhà nông
Sau 6 năm giảng dạy tại Đại học Sư phạm Vinh - Nghệ An, năm 1973, thầy Lân Hùng được phân công về công tác tại khoa Sinh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đây, ông nổi tiếng là một nhà giáo chuyên đào tạo “trò thành thầy” với môn sở trường là Sinh lý thực vật.
Mong mỏi lớn nhất của thầy Lân Hùng là mỗi học trò sau khi ra trường không chỉ đơn thuần làm một nhà giáo mà còn là người bạn đồng hành thực thụ của nông dân. Vì vậy, ông đã đề xuất thành lập môn sinh học ứng dụng.
Sau này, sinh học ứng dụng trở thành bộ môn chính được giảng dạy trong Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tiếng lành đồn xa, nhiều trường đại học trong cả nước đến học tập kinh nghiệm và trao đổi kiến thức.
Đối với nông dân thì ông Nguyễn Lân Hùng là gương mặt quá quen thuộc. Ông là khách mời của nhiều chương trình truyền hình, tác giả của nhiều bài viết “đậm đặc” khuyến nông. Dù trên truyền hình, báo chí hay đi cơ sở, ông Hùng luôn có một phong cách trò chuyện, trao đổi gần gũi với nhà nông. Ông được nhiều người gọi là chuyên gia “lên dây cót” cho nông dân làm giàu.
Có thể nói, đằng sau sự thành công của nhiều tỷ phú “chân đất” ở nước ta, đều có sự giúp sức của ông Lân Hùng. Nhờ những tài liệu, những cuốn sách “bỏ túi”, những bài giảng luôn chật cứng người nghe cùng những lời khuyên trên phát thanh, truyền hình của ông, nông dân nhiều tỉnh thành đã ứng dụng, nuôi thành công một số loài mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: giun đất, ếch, ba ba, lươn, giông cát, dế, nhím...
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng tham quan vườn sản xuất giống mắc ca |
Với ông Lân Hùng, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời đó là giúp nông dân thoát nghèo. Ông từng dẫn nguyên Bộ trưởng Trần Đình Hoan đến thăm gia đình anh Cảnh ở La Khê, Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh này trở nên nổi tiếng và giàu có từ phương pháp dâm cành, tạo cây giống nhờ những kiến thức mà ông Hùng đã viết thành sách.
Rồi lần ông vinh dự đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm gia đình bác Khu ở Hải Dương có tiếng phát đạt nhờ nuôi ba ba, doanh thu mỗi năm từ vài trăm triệu tăng dần đến hơn một tỷ đồng…
Có lần, hai cha con nông dân từ tận Tân Kỳ (Nghệ An) bắt xe ra tận Hà Nội tìm đến nhà ông chỉ để nói lời cảm ơn. Họ nói rằng, nhờ học và làm theo lời khuyên của ông trên truyền hình mà cậu thanh niên đã nuôi được con nhím thành công, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Hay như anh Khánh ở Đăk Min, Đăk Nông mua cuốn sách “Nghề nuôi nhím” của ông và quyết định đầu tư nuôi nhím. Chỉ một năm sau trong chuồng đã có 400 con nhím, thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Liễu ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), một trong những người có vườn nhím quy mô nhất Việt Nam, thu lãi tiền tỷ/năm, cũng bắt đầu khởi nghiệp từ cuốn sách “Nghề nuôi nhím” của ông.
“Gia tài” đáng giá nhất
“Tôi không phải là người biết tuốt”, ông Hùng khiêm tốn nói và cho biết, sách hướng dẫn do ông viết ra đều là vốn kiến thức, trải nghiệm của ông cộng với kinh nghiệm thực tiễn của những người nông dân mà ông sống hàng ngày với họ. Khi viết sách dạy nghề cho nông dân, ông luôn đơn giản hóa lý luận, ngắn gọn hóa quy trình, cụ thể hóa thao tác.
Với những lĩnh vực mà ông không am hiểu, ông may mắn có sự giúp đỡ của nhiều bạn bè trong giới khoa học. Vì thế mỗi khi gặp những thắc mắc của dân, ông đều dựa vào bạn bè là những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực đó để họ giải thích, hướng dẫn cho mình, rồi đem kiến thức đó trao đổi lại với người dân.
Ông Nguyễn Lân Hùng trong một chuyến đi thực địa |
Khi nghiên cứu các loài vật nuôi, cây trồng, thầy Lân Hùng không đặt nặng vấn đề báo cáo khoa học mà chỉ làm sao để giúp ích cho dân. Ông luôn cố gắng làm thế nào để chắt lọc kiến thức của nhân loại, tìm những vấn đề mang tính ứng dụng và phải thật bổ ích, thiết thực với nhà nông. Những vấn đề nào khó của dân, ông đều coi như “bài toán” và tự mình giải.
Là giám đốc lâu năm của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Lân Hùng là chủ đề tài nhiều công trình dự án được áp dụng khắp các tỉnh, thành. Theo ông, nghiên cứu khoa học khác với làm luận án để lấy bằng cấp “dán mác” cho ai hay nhằm thăng chức.
Nghiên cứu phải đích thực, thật tốt và triển khai càng phải thật tốt. Chức danh rởm, bằng cấp rởm, báo cáo, đề tài rởm sẽ không giúp ích gì cho xã hội. Ông coi trọng những giá trị chân chính và tự hào nói, mình là bạn của nhà nông, chơi thân với nông dân cả nước.
Nhà khoa học này cười hóm hỉnh cho biết, nhiều người chẳng hiểu sao cứ ưu ái phong cho ông học hàm giáo sư! Chúng tôi cũng tròn mắt ngạc nhiên, vì xưa nay vẫn nghe bao nhiêu người gọi thế, thậm chí vào Google gõ từ khóa “Nguyễn Lân Hùng” cũng vẫn thấy chi chít chữ “giáo sư” đứng trước tên ông.
So với các anh em trong đại gia đình Nguyễn Lân, ông Lân Hùng tự nhận mình là người “nghèo” nhất về đường khoa bảng. Thế nhưng, sự giàu có với ông Lân Hùng không nằm ở tiền bạc, học hàm học vị, danh vọng. “Gia tài” đáng giá nhất của ông là tấm lòng giàu tình bạn, tình đời. “Mình vừa xấu trai, vừa tiếng khàn, miệng hơi móm, vậy mà bà con nông dân lại yêu, lại mến mình mới chết chứ”, ông hóm hỉnh nói.
Chuyên gia nông nghiệp này nhớ kỷ niệm 20 năm trước, bà con Tủa Chùa (Điện Biên) đi bộ suốt đêm hơn 30km đường rừng chia tay ông, người cho túi thổ cẩm, người đưa củ sắn, nắm gạo… Tấm lòng nhân dân thương quý ông từ đất liền ra đảo Phú Quốc, Phú Quý… Ông bảo, địa vị “không ngai” của mình nhiều người ước muốn mà không có được.
Ông Lân Hùng thăm trang trại |
Còn sức khỏe thì còn “chiến đấu”
Ông Lân Hùng cho hay, hiện nay có nhiều giống cây trồng mới được lai tạo, cho hiệu quả kinh tế cao. Cây sachi là cây lấy dầu, dạng dây leo, có tuổi thọ 30 năm, giá 40 ngàn đồng/kg hạt, năng suất 4 tấn/ha, thu hoạch quanh năm, cho hiệu quả kinh tế lớn.
Hay như cây mãng cầu, dưa hấu không hạt, cam chanh, quýt, bưởi không hạt, táo, mít giống Thái Lan, ổi Đài Loan… cho năng suất cao. Vì không hạt nên giá bán cũng cao hơn giống cùng loại.
Một số loại vật nuôi như gà ri Dabaco đã được lai tạo với giống gà chọi, gà Đông Tảo có giá rất cao. Con chĩ (con phượng), con công cũng được nhiều người nuôi và rất có giá trị. Con lai giữa con ngan (vịt xiêm) và con vịt, cho lá gan lớn, đến 0,8kg, có con có lá gan đến 1,2kg có giá bán cao, dùng làm pa-tê rất được ưa chuộng. Giống bò lai BBB, trọng lượng thân gần 1 tấn/con, các giống dế, tắc kè hoa, giống vịt trời… cũng là những vật nuôi đem lại nhiều lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, ông Lân Hùng khẳng định, mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều phải xác định cho được đối tượng cây, con nào là phù hợp với mình để chọn giống, rồi sau đó tính đến yếu tố kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, chế biến và tiếp thị sản phẩm.
Nghĩa là, khi chọn một đối tượng để đưa vào sản xuất, vấn đề rất quan trọng là phải lượng trước đầu ra của sản phẩm và giá trị sản phẩm đưa ra thị trường, chứ không phải chạy theo “phong trào”, thấy người ta làm mình cũng làm theo, dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Câu chuyện “được mùa, mất giá” trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ cách làm này.
“Nông dân cần một nhà bảo trợ, giúp người nông dân có giống tốt, kỹ thuật chăm, thu mua sản phẩm. Muốn nông dân giàu thì phải cho doanh nghiệp vào đầu tư, họ bỏ tiền ra chắc chắn họ phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ. Hiện nay, Thủ tướng cũng rất mong muốn, kêu gọi, huy động doanh nghiệp vào mặt trận nông nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp vào cuộc thì người nông dân sẽ thắng”, ông Hùng nhấn mạnh.
72 tuổi, ông Lân Hùng chưa hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, hàng ngày vẫn miệt mài viết báo, viết sách, rong ruổi khắp nơi để mang những kiến thức bổ ích đến cho nông dân. “Còn sức khỏe, ông trời còn thương đến ngày nào thì còn “chiến đấu” hết mình đến ngày đó. Mà được sống với đam mê thì làm sao mà buồn được!”, người “bạn của nhà nông” quả quyết.