Với tư duy đó, dù không được học hành bài bản ở trường song ông vẫn điều hành và kết hợp cùng nhiều lớp thợ đóng hàng nghìn con tàu để ngư dân miền Bắc vươn khơi, bám biển.
Người thợ cả
Ông Nhân cho biết, năm 16 tuổi ông đã biết cầm cưa, cầm đục theo bố mày mò với những khúc gỗ để đóng thuyền. Những năm 60, gia đình ông chỉ đóng thuyền buồm. Theo ông, đóng thuyền buồm khó hơn đóng thuyền máy bởi vì loại thuyền này chạy dựa vào sức gió, người đóng phải tính toán làm sao cho mạn thuyền ngả hợp lý để tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi của thiên nhiên. Đến năm 1978, gia đình ông Nhân bắt đầu chuyển sang đóng thuyền máy.
Để đóng loại thuyền này, ông phải mời những chuyên gia có kinh nghiệm về dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Sau 2 tháng học, ông tự điều chỉnh những điều căn bản học được cho phù hợp với thực tiễn. Kể từ đó, việc đóng tàu thành quy trình và luôn đảm bảo an toàn.
Đến nay ông Đinh Khắc Nhân đã có 55 năm kinh nghiệm đóng tàu. Ông cho biết, Hợp tác xã của ông đã có thể đóng những tàu lớn tới 1000 mã lực và các chủ tàu có thể vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Hợp tác xã của ông Nhân đã đóng được hàng nghìn chiếc tàu. Vừa có kinh nghiệm thực tiễn của người đi biển, vừa trực tiếp tham gia đóng tàu nên ông Nhân đã biết chọn những loại gỗ phù hợp nhất cho việc đóng tàu, tận dụng các mảnh gỗ vụn để làm chi tiết phù hợp, góp phần hạ giá thành sản phẩm.
Mỗi năm Hợp tác xã của ông cung cấp cho thị trường từ 40- 60 tàu. Trong suốt 55 năm điều hành công việc, bài học lớn nhất ông Nhân luôn nhắc nhở những người làm công là giữ chữ tín và làm việc chăm chỉ, 2 yếu tố cốt lõi giúp thành công trong mọi việc.
Giúp vươn khơi, bám biển
Hiện Hợp tác xã Đóng tàu Lập Lễ có 60 công nhân, với mức lương từ 10-25 triệu đồng/tháng. Có những người đã làm việc với ông Nhân trên 30 năm như anh Nhắt, anh Nam, anh Hùng. Các anh đều cho biết, khi làm việc với người thầy giàu kinh nghiệm, điều học được nhiều nhất chính là sự khảng khái của ông chủ, luôn chú ý đến lợi ích của công nhân, khách hàng.
Năm 2008 là thời điểm khó khăn của ngành đóng tàu và vận tải biển. Hợp tác xã của ông Nhân không là ngoại lệ. Ông Nhân nhận hợp đồng đóng tàu thời điểm giá nguyên liệu thấp, sau đó giá tăng vọt. Khủng hoảng cũng khiến khách hàng không thanh toán được tiền, mùa vụ trên biển không may mắn, song ông luôn tìm mọi cách để cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn và đó chính là một trong những lý do giúp khách hàng luôn ở lại cùng ông.
Ông cho biết, do bây giờ đã có tuổi nên khả năng bao quát trong quản lý không thể nhanh nhạy như khi còn trẻ nên ông làm chậm nhưng chắc. Trong thực tế, nếu điều hành tốt, ông có khả năng hoàn thành 1 con tàu nhỏ chỉ trong 1 ngày.
Anh Đinh Khắc Man là một trong những khách hàng quen thuộc của Hợp tác xã Đóng tàu Lập Lễ cho biết, gia đình anh đang đặt Hợp tác xã đóng tàu gỗ công suất lớn 830 mã lực với trị giá 12 tỷ đồng. Trước đó, anh cũng đã từng đặt ông Nhân đóng các loại tàu với mã lực nhỏ hơn. Tàu của Hợp tác xã Đóng tàu Lập Lễ khi đi trên biển không chòng chành, các chi tiết và máy móc trên tàu có chất lượng tốt.
Hiện khách hàng đặt tàu nhà ông Nhân không chỉ có bà con ở Lập Lễ, Đồ Sơn mà còn có ngư dân ở các tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình. Thương hiệu “Tàu ông Nhân” đã thân thuộc suốt bao nhiêu năm đối với nhiều người đi biển.
Bước vào tuổi 70, ông Đinh Khắc Nhân vẫn từng ngày, từng giờ ở xưởng đóng tàu kiểm tra, đôn đốc thợ làm việc. Thời thế thay đổi, các công ty đóng tàu mới mọc lên với những lớp thầy, lớp thợ được đào tạo bài bản hơn. Còn tại Hợp tác xã của ông Đinh Khắc Nhân vẫn là thầy cũ, thợ cũ nhưng phương pháp quản lý và kỹ năng đóng tàu luôn đổi mới để phù hợp với nhu cầu khách hàng./.