Trước tình hình toàn dân Hàn "khát" ngủ, ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ bắt đầu nở rộ ở Hàn Quốc.
Ngủ ít, làm nhiều
Người dân Hàn Quốc vẫn luôn nổi tiếng là dành quá nhiều thời gian cho công việc và thiếu ngủ. Càng ngày càng có nhiều người gặp vấn đề với giấc ngủ. Theo nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm nhân thọ AIA, Hàn Quốc là đất nước có số giờ ngủ ít nhất trong các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo cho thấy trung bình mỗi đêm người Hàn Quốc ngủ 6,3 giờ, ít hơn mức trung bình là 6,9 giờ.
Tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cũng gia tăng trong những năm gần đây. Dữ liệu từ Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc cho thấy số người mắc chứng rối loạn giấc ngủ luôn tăng đều trong 5 năm qua với mức tăng trung bình là 8,1% mỗi năm. Trong năm 2018, khoảng 568.070 người tìm đến các phòng khám để tìm cách điều trị chứng bệnh này.
Nửa cuối những năm 1950, Hàn Quốc vẫn còn là một đống tro tàn sau chiến tranh. Bình quân thu nhập đầu người lúc bấy giờ chỉ ngang với các nước nghèo của khu vực châu Phi. Đất nước này là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Thế mà chỉ trong vài thập kỷ, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc có nền kinh tế đứng thứ 10 toàn cầu và là một trong những quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
Các quốc gia có tốc độ phát triển tương tự là Ả-rập Saudi và Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất có tốc độ phát triển nhanh chóng chủ yếu nhờ vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hàn Quốc vốn dĩ không được như thế nên sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước một phần nhờ vào sự cống hiến và nhiệt huyết của cả cộng đồng xã hội.
Chủ nghĩa dân tộc tập thể đã thúc đẩy người dân làm việc chăm chỉ và năng suất hơn. Tốc độ phát triển của đất nước tạo nên một gánh nặng vô hình đè lên vai người dân Hàn Quốc. Môi trường làm việc cạnh tranh với áp lực cơm, áo, gạo, tiền khiến họ luôn phải quay cuồng và dành nhiều thời gian cho công việc.
Điển hình là Ji Eun (29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng), cô chia sẻ bản thân đã bị khó ngủ bởi lịch làm việc gay gắt của công ty. Một ngày làm việc của Ji Eun bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 22h đêm. Cấp trên thường gọi điện thoại lúc nửa đêm để giao việc và yêu cầu phải giải quyết ngay lập tức. Có những ngày công việc nhiều đến mức cô phải tăng ca đến tận 3h sáng. Công việc căng thẳng khiến cô gái trẻ gần như đã quên mất cách để thư giãn.
Để tạo duy trì sự vững mạnh cho nền kinh tế cần chú trọng đến phát triển giáo dục. Bên cạnh nền kinh tế phát triển, Hàn Quốc còn là một quốc gia có trình độ học vấn cao với 70% dân số từ 24-35 tuổi tốt nghiệp đại học. Đất nước này liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia có thành tích tốt nhất trong Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Đối với các gia đình Hàn Quốc, sự nghiệp phát triển, ổn định tài chính và địa vị xã hội là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, các bậc phụ huynh Hàn Quốc càng chú trọng hơn đến việc học của con em. Sau giờ học trên trường, hầu hết học sinh phải tiếp tục tham gia các lớp ngoại khóa hoặc học ở trung tâm dạy thêm.
Các em học sinh phải chịu áp lực không nhỏ từ học tập. Kỳ thi đại học ở Hàn quốc là một trong nhừng kỳ thi khó nhất trên thế giới và được mặc định là tấm vé thông hành đi đến tương lai. Để có thể vượt qua cửa ải này, học sinh buộc phải nỗ lực nhiều hơn. Hầu hết học sinh ở Hàn Quốc phải dành ra 16 giờ mỗi ngày cho việc học. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi phần lớn đối tượng này bị thiếu ngủ. Dần dần, việc “ngủ ít, làm nhiều” trở thành điều hiển nhiên và là tiêu chuẩn đánh giá con người của xã hội Hàn Quốc.
Hệ lụy khôn lường
Seo Jin Won, tác giả quyển sách “Good Sleep, Good Life” (tạm dịch: Ngủ ngon, sống tốt) chỉ ra rằng Hàn Quốc có tư tưởng đánh đồng việc ngủ với sự lười biếng. Người ngủ nhiều là những người lười. Thậm chí, xã hội còn xem việc ngủ là hoạt động cản trở sự thành công. Chỉ những người ngủ ít làm nhiều mới được đánh cao.
Bằng chứng cụ thể nhất là thành ngữ “sadang-olag” được dùng như câu cửa miệng của người Hàn mang hàm ý ngủ 4 giờ thì sẽ thành công còn ngủ 5 giờ thì không tránh khỏi thất bại. Tương tự như vậy, các học sinh khi đối mặt với kỳ thi đại học cũng thường có quan điểm “ngủ quá 4 giờ mỗi ngày sẽ không thể đậu đại học”.
Phần lớn người Hàn bị thiếu ngủ và căng thẳng vì làm việc quá sức. Tình trạng này kéo dài dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Thuốc ngủ là giải pháp duy nhất họ tìm được. Thế nhưng dùng nhiều thuốc ngủ có thể ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn là tự sát.
Tiến sĩ Lee Ji Hyeon là một bác sĩ tâm thần chuyên điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, bà thường tiếp nhận điều trị cho những khách hàng bị mộng du do rối loạn giấc ngủ. Họ đi lại khi vẫn còn chìm trong mộng, mở tủ lạnh, ăn uống trong vô thức và còn ăn cả những thứ chưa nấu chín. Có những trường hợp phải vật lộn với bệnh đau dạ dày mãn tính sau thời gian dài mất ngủ. Thậm chí nhiều người phải uống đến 20 viên thuốc ngủ mỗi đêm.
Người Hàn Quốc thường dùng thuốc để nhanh chóng tiến vào giấc ngủ. Nghiện thuốc ngủ đã trở thành căn bệnh quốc gia. Ước tính gần 100.000 người Hàn Quốc đang lạm dụng thuốc ngủ. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Trước kia, Stilnox và Zolpidem là hai loại thuốc ngủ thường được kê đơn tại Hàn Quốc. Nhưng ngày càng nhiều bệnh nhân bị tác dụng phụ khi dùng thuốc. Nghiêm trọng nhất là mất trí nhớ và gây ảo giác. Điển hình như vụ tai nạn ở Seoul vào năm 2015, một tài xế 30 tuổi điều khiển xe ô tô đâm liên hoàn vào các phương tiện khác đang lưu thông trên đường phố quận Gangnam. Điều tra cho thấy người này bị ảo giác do sử dụng thuốc ngủ có chứa Zolpidem dù không được kê đơn.
Dịch vụ hỗ trợ giấc ngủ lên ngôi
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc tìm kiếm giải pháp cho căn bệnh này bên cạnh dùng thuốc. Nhu cầu đầu tư cho một giấc ngủ ngon thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ ở Hàn Quốc phát triển. Tất cả những vật dụng dành cho giấc ngủ từ chăn, gối, đệm đến các thiết bị công nghệ cao và thực phẩm chức năng ngày càng đa dạng.
Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp giấc ngủ Hàn Quốc, thị trường này đang mở rộng nhanh chóng, tăng từ 500 tỷ won (432 triệu USD) vào năm 2015 lên 3.000 tỷ won (2,3 tỷ USD) vào năm 2019. Các văn phòng ở Seoul có phòng riêng cho nhân viên nghỉ trưa và các quán cà phê cũng có dịch vụ cung cấp chỗ ngủ trưa cho người có nhu cầu.
Bên cạnh đó, hoạt động thiền cũng được sử dụng như một giải pháp để giảm căng thẳng. Ứng dụng thiền Kokkiri ra mắt năm 2019 nhanh chóng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Nhiều ngôi Chùa cũng mở các khóa thiền ngắn hạn để giúp giảm chứng mất ngủ.
Hiện nay, nhiều người Hàn Quốc nhận thấy việc thiếu ngủ gây nên tác động tiêu cực tới sức khỏe, hiệu quả công việc và nhiều khía cạnh khác. Họ bắt đầu thay đổi và tìm giải pháp để bản thân thư giãn nhiều hơn. Dù vậy, tình trạng thiếu ngủ vẫn đang là vấn đề nan giải của xứ sở Kim Chi.