Trước đó, ngày 10/11, chị Nhình đã đi chợ Trung Quốc ở gần biên giới mua 1 vỉ trứng gà 30 quả và một gói phở khô về cho gia đình ăn. Đến chiều tối cùng ngày, chị luộc 9 quả trứng để 3 mẹ con ăn cùng cơm, rau trước khi đi ngủ.
Khoảng 23 giờ 30 cùng ngày, anh Hứa Văn Thường – chồng chị Nhình về đến nhà thấy vợ cùng hai con đang trong tình trạng đau bụng, váng đầu, nôn nhiều lần. Ngay sau đó, 3 mẹ con chị Nhình được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc cấp cứu. Tuy nhiên, đến sáng 11/11, chị Nhình đã tử vong, còn 2 bé Nga (6 tuổi) và Nhất (8 tuổi) được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu truyền nước, giải độc, đến sáng 12/11 hai cháu đã qua cơn nguy kịch.
Trước thông tin về sự việc trên, nhiều người dân tỏ ra lo lắng cho sức khỏe bản thân và gia đình khi mà mỗi ngày đều phải sử dụng đến nguồn thực phẩm trứng gà trong mỗi bữa ăn. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bọn trẻ nhà mình rất thích ăn trứng gà, gần đây có thông tin về việc nghi ăn trứng gà Trung Quốc bị ngộ độc nên cũng thấy lo. Trước giờ thì vẫn biết là trứng gà mua ngoài chợ khó tránh khỏi hàng Trung Quốc, nhưng không nghĩ là nó lại độc hại như thế. Chắc giờ mình chả dám ăn trứng gà mua ngoài chợ nữa”.
Anh Nguyễn Anh Trung làm nghề xe ôm ở Nhân Chính- Hà Nội cho biết, nhà anh ăn trứng gà hàng ngày. Anh nói: “Giờ đâu cũng có đồ Trung Quốc nên không tránh được. Đấy là người ta còn mua ở chợ Trung Quốc nên biết rõ nguồn gốc, chứ giờ mình ra chợ thì trứng gà ta cũng như trứng gà Trung Quốc nên không phân biệt được”.
Để tránh mua phải trứng gà giả, trứng gà Trung Quốc, người tiêu dùng đã tự học cách phân biệt. Theo kinh nghiệm của mình, chị Hằng, một người bán hàng ở chợ Xanh cho biết: “Trứng gà ta quả nhỏ, màu trắng, hơi hồng, khi đập trứng ra thấy có lòng đào màu đỏ sẫm nhiều lòng đỏ. Còn trứng gà Trung Quốc có màu vỏ sẫm, gần giống với trứng gà công nghiệp, quả to hơn lòng đỏ nhạt và ít hơn lòng trắng khi đập trứng, lòng đỏ thường vỡ chứ không còn nguyên hình khối”.
Nhiều người cho rằng, những quả trứng gà Trung Quốc có thể được nhập khẩu trà trộn vào các chợ, siêu thị lớn nhỏ tại Việt Nam. Điều đáng lo ngại là trong khi người bán vì hám lợi nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về “phù phép” thành hàng Việt Nam, nhất là trứng gà. Với cách làm ăn “lập lờ đánh lận con đen” này, các tiểu thương còn gián tiếp “giết chết” những người sản xuất trứng gà trong nước. Khi người dân e ngại, sức mua giảm đi thì thiệt hại vô cùng lớn đến những người chăn nuôi. Bài học này đã diễn ra với nhiều mặt hàng thực phẩm khác nhau.
Vấn đề “chốt hạ” là các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, an toàn thực phẩm cần khẩn trương vào cuộc, làm rõ trắng, đen để người dân an tâm tiêu dùng, người chăn nuôi không phải điêu đứng vì những cách làm ăn bất nhẫn!./.