Méo mặt vì tàu cá 20 tỷ đồng cứ đi biển lại phải… quay về bờ
Sau khi được duyệt vay vốn theo Nghị định 67, cuối năm 2016, ngư dân Đỗ Ngọc Tín (trú tại thôn Phú Lạc, xã Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á (gọi tắt là Công ty Đông Á) và Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Phà Rừng (gọi tắt là Công ty Phà Rừng) đóng tàu vỏ thép hành nghề lưới chụp.
Tháng 1/2017, con tàu mang số hiệu PY 99993TS có công suất 814 CV, kinh phí đóng mới 19,5 tỷ đồng đi chuyến biển đầu tiên, nhưng vừa ra khơi đã phải quay tàu vào bờ vì tời không đủ lực kéo giàn chì ra đầu cần để mở lưới. Ông Tín phải cho tàu nằm bờ mất gần 1 tháng và bỏ gần 60 triệu đồng sửa chữa sau khi ông gọi điện báo cho công ty đóng tàu “mà họ cứ đủng đỉnh chẳng chịu sửa” - ông Tín cho hay.
Chuyến biển thứ 2, tàu ông Tín ra khơi đúng thời điểm biển động nên gặp được luồng cá lớn. Thả xong mẻ lưới, kéo cá lên, chưa kịp mừng vì “trúng” lớn bù lỗ cho chuyến biển trước, ông Tín bỗng phát hoảng khi thấy tàu bị chìm qua mớn nước đăng kiểm tải trọng. Biển chỉ gió cấp 6 nhưng tàu lắc lư rất mạnh, sóng đánh lên mạn khiến anh em lao động không dám kéo cá.
Theo thiết kế, tàu chở được hơn 120 tấn, nhưng thực tế trọng tải chỉ đạt khoảng hơn 50 tấn. Tức là ngoài trữ nguyên liệu, nhiên liệu cho 1 tháng đi biển, tàu chỉ chịu thêm sức nặng chừng 10 tấn cá. “Đóng tàu thép là để vươn khơi bám biển quanh năm, cả khi biển động cấp 7, cấp 8. Trong đó, trữ lượng cá ít nhất cũng phải 4, 5 chục tấn. Đằng này cứ nhấp nhổm lại phải chạy vào bờ” - ông Tín ngán ngẩm nói.
Từ khi có tàu vỏ thép, mỗi tháng, riêng tiền trả lương cho người lao động, ông Tín đã mất hơn trăm triệu. Cộng các phí tổn dầu, đá, đồ ăn, thức uống cho chuyến biển, chi phí đội hơn 300 triệu. Để có đủ chi phí và trả nợ cho ngân hàng, ông Tín dự toán, mỗi tháng tàu phải thu về trên 500 triệu. Thế nhưng, với kiểu đánh bắt như hiện thời, ông khó tránh khỏi cảnh lún sâu trong nợ nần.
Tình cảnh của ngư dân Phan Thanh Trị (trú tại phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chủ tàu cá vỏ thép PY 99991TS còn khốn đốn hơn. Con tàu thép của ông Trị trị giá đóng mới 18 tỷ nhưng tàu đi mới được 4 chuyến biển thì cả 4 chuyến đều trục trặc, phải quay về bờ. Ông Trị vay mượn để sắm chuyến biển và khắc phục sự cố do tàu bị lỗi đã lên hơn tới 650 triệu. Ông Trị kể, chuyến biển đầu tiên, tàu ra khơi mới được 5 ngày thì bị trục trặc do mô tơ kéo lưới có công suất nhỏ, không đáp ứng được sức nặng của lưới khi kéo.
Tàu phải quay vào bờ để khắc phục nên chuyến biển này bị lỗ toàn bộ chi phí. Ngày 9/1, ông Trị mở biển chuyến thứ hai và đánh bắt được 7 ngày thì máy phát điện bị trục trặc, ánh sáng không đủ sử dụng cho việc khai thác nên phải quay vào bờ để sửa chữa. Đến ngày 17/2, ông Trị mở biển chuyến thứ ba, trong lúc đang hoạt động thì cây sào chụp lưới chữ A phía trước mũi tàu bị gãy, hai cần chụp đánh vào thân tàu làm 71 bóng điện bị vỡ, 20 đuôi bóng điện hư hỏng, tàu lại dừng đánh bắt và vào bờ khắc phục sự cố. Ngày 16/3, ông Trị lại cho tàu xuất bến, đi chuyến biển thứ tư.
Tàu đang hoạt động thì lục lư cần cẩu bị đứt dây, đập mạnh xuống đầu, quất vào mắt phải của ông Trị khiến ông bị thương nặng, tàu một lần nữa phải quay vào bờ, đưa chủ tàu đi bệnh viện cấp cứu.
Ngoài 2 tàu trên của tỉnh Phú Yên, tỉnh Bình Định có đến 17 tàu vỏ thép của ngư dân vừa đóng mới đã bị hư hỏng trầm trọng chỉ sau vài chuyến đi biển. Trong đó, có 12 tàu do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đóng, còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) thi công.
Công ty đóng tàu, bảo hiểm phủi trách nhiệm, đổ lỗi cho ngư dân
Ông Trị cho biết, trong quá trình đóng tàu, Công ty Phà Rừng thường viện cớ chi tiết máy móc không có trên thị trường nên đề nghị thay thế loại khác ngoài thiết kế. Cụ thể, theo thiết kế, 3 máy phát điện trên tàu cá của ông Trị có nguồn gốc Hàn Quốc, trị giá gần 900 triệu đồng mỗi máy. Tuy nhiên, trong lúc lắp thiết bị, Công ty Đông Á báo hết hàng nên thay máy phát điện không rõ nguồn gốc xuất xứ và giá thành.
Hậu quả là máy phát điện chỉ chạy được vài giờ lại ngừng hoạt động, không đủ ánh sáng cho việc khai thác, đồng thời kho lạnh trên tàu cũng không hoạt động tốt. Mặt khác, trong thiết kế, thép tròn dùng làm cây sào chụp phải dày từ 8 - 9mm, nhưng khi xảy ra sự cố, ông Trị kiểm tra lại độ dày đường ống cây sào chỉ có 4,7mm. “Cây sào chụp phải chịu lực nặng của lưới và cá, nhưng hôm đó chỉ kéo lưới không nó đã bị gãy”.
Tàu cá của ông Trị mua bảo hiểm tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, trừ ngư lưới cụ, trị giá 18 tỷ đồng, con tàu đã được mua bảo hiểm ở mức 0,5% trên 18 tỷ với trị giá 90 triệu. Sau khi tàu bị sự cố cây sào chụp lưới chữ A phía trước mũi tàu bị gãy, đánh vào thân tàu làm 71 bóng điện bị vỡ, 20 đuôi bóng điện hư hỏng, ông Trị làm đơn yêu cầu bảo hiểm chi trả bồi thường. Tuy nhiên, Bảo Minh Phú Yên cho rằng, sào chụp lưới trước mũi tàu thuộc mục ngư lưới cụ và mục này khách hàng không mua bảo hiểm nên không chi trả bồi thường. Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên Trần Ngọc Nhạn cho biết, cây sào chụp là thiết bị trên mặt boong, chứ không phải là thiết bị ngư lưới cụ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, sắp tới sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ giữa ngư dân với các bên liên quan để đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt.
Còn tỉnh Bình Định, sáng 26/52017, Chi cục Thủy sản Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi đối thoại giữa các ngư dân và lãnh đạo hai công ty đóng tàu và đại diện hãng máy tàu Doosan (Hàn Quốc). Tuy nhiên, buổi gặp mặt trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa kéo dài và không có kết quả.
Lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận đã sử dụng thép Trung Quốc đóng tàu thay vì phải đóng bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản như hợp đồng. Còn ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu cho rằng, tàu bị hỏng là do ngư dân sử dụng chưa thành thạo, tàu bị gỉ sét là vì nước biển quá mặn. Đại diện hãng cung cấp máy tàu cá thừa nhận máy bị lỗi dẫn đến hư hỏng nhưng không chịu đổi máy mới cho ngư dân.
Trong diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Bình Định đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Công ty Nam Triệu, Công ty Đại Nguyên Dương phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị mình đóng bị hư hỏng theo hợp đồng thỏa thuận với các chủ tàu. Việc sửa chữa tàu vỏ thép phải hoàn thành trong tháng 6/2017.