Theo đó, lệnh cấm kéo dài từ ngày 1/5 đến 16/8/2017, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc bộ và bãi cạn Scarborouugh. Tuy nhiên, ngư dân miền Trung vẫn vững vàng bám biển, tấp nập vươn khơi, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, vừa mang về những con tàu ắp đầy cá tôm.
Những ngày tháng 5, tại âu thuyền - cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều chủ phương tiện chuẩn bị nguyên, nhiên liệu để tiếp tục ra khơi đến với ngư trường truyền thống Hoàng Sa đánh bắt thủy sản. Ngư dân Lê Văn Xin (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nói với giọng đầy quả quyết: “Lệnh cấm không có giá trị đối với ngư dân Việt Nam. Chúng tôi vẫn ra khơi đánh bắt hải sản bình thường trong ngư trường truyền thống của mình. Biển của cha ông ta thì ta đánh bắt hải sản và gìn giữ, bảo vệ chủ quyền. Đợt này, đội tàu của các anh em sẽ cùng nhau thẳng tiến ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa đánh bắt thủy sản”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - chủ 4 tàu cá có công suất lớn cho biết: “Gia đình tôi và hàng ngàn ngư dân Việt Nam không sợ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đơn phương cấm biển là vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển quốc tế. Gia đình chúng tôi vẫn thường xuyên cho tàu ra khơi để đánh bắt kết hợp thu mua hải sản tại các ngư trường, trong đó có hai ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và vịnh Bắc bộ. Bao đời nay, ngư dân Đà Nẵng vẫn đánh bắt ngoài đó thì nay không có lí gì phải bỏ biển”.
Vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về, ngư dân Võ Thường (chủ tàu vỏ sắt QB 92626, trú tại xã Bảo Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cùng 10 lao động không giấu được niềm vui sau chuyến đi biển vừa qua. Theo ông Thường, đây là chuyến ra khơi đầu tiên trên con tàu vỏ sắt mới hạ thủy, kinh phí đóng mới 21 tỷ đồng. Cùng với ông, đội tàu vỏ sắt Quảng Bình vừa trở về cho những khoang tàu đầy ắp hải sản. Tuy nhiên, ông Thường cũng mong muốn các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam luôn sát cánh cùng ngư dân để hỗ trợ trước những bất trắc trong khi đánh bắt thủy sản trên biển.
Trước tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, Đại tá Hồ Sĩ Quý - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cho biết: “Không chỉ dịp này mà Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng thường xuyên chỉ đạo các đồn Biên phòng, Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, Hải đội 2 tăng cường công tác bám nắm địa bàn, vận động ngư dân yên tâm và tiếp tục kiên cường bám biển vươn khơi cũng như giữ thông tin liên lạc thường xuyên với ngư dân trên biển để hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp cơ sở pháp lý, củng cố niềm tin về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để Tổ tàu thuyền đoàn kết phát huy vai trò, hiệu quả. Thực tế, tàu chức năng của Trung Quốc thường chèn ép các tàu cá đi một mình, bởi vậy, giờ đây, các ngư dân đánh bắt theo tổ tàu thuyền để cùng chia sẻ ngư trường và hỗ trợ nhau khi có sự cố”.
Thiếu tá Văn Đức Trường - Chính trị viên phó Đồn BP Sơn Trà, đơn vị trực tiếp quản lý địa bàn 4 phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Mân Thái và Phước Mỹ của quận Sơn Trà cũng bày tỏ quan điểm: Quận Sơn Trà là một trong 2 địa phương có số lượng tàu, thuyền đánh bắt xa bờ lớn nhất của thành phố Đà Nẵng. Đến nay, quận Sơn Trà có 261 chiếc tàu công suất từ 90CV trở lên, trong đó, tàu từ 400CV trở lên có 143 chiếc. Năm 2016, tổng sản lượng đánh bắt đạt 24.015 tấn với giá trị khai thác hơn 900,5 tỷ đồng. Để tránh gây hoang mang cho người đi biển trước thông tin Trung Quốc đơn phương cấm biển, đơn vị đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ ngư dân.
Trao đổi với ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng trước thông tin Trung Quốc đơn phương cấm biển, ông Lĩnh cho biết: “Hội Nghề cá Việt Nam đã kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt lệnh cấm trên. Quyết định của Trung Quốc càng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam và tàu thuyền quốc tế đi lại trên Biển Đông. Quan điểm của Hội Nghề cá Đà Nẵng thì việc đơn phương áp đặt lệnh cấm biển của Trung Quốc là vi phạm nhân quyền, ngăn cản ngư dân Việt Nam làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp. Ông Lĩnh cũng đề nghị các lực lượng chấp pháp thường xuyên sát cánh cùng ngư dân để họ yên tâm vươn khơi bám biển”.
Ngư dân miền Trung không đơn độc mà luôn có những điểm tựa vững chắc trong những hải trình mưu sinh giữa biển khơi. Với sự ủng hộ của chính quyền, BĐBP, Cảnh sát Biển, ngư dân miền Trung vẫn vươn khơi bám biển với khí thế hào hùng và kết quả là những con thuyền đầy hải sản cập bến trở về. Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang mỗi ngày một nhộn nhịp hơn bởi các hoạt động của người mua, kẻ bán, ánh điện sáng xuyên đêm không tắt để các thương lái sẵn sàng đón tàu cá về bất cứ lúc nào.