Những ghi chú đổi bằng sóng gió
Buổi trưa, có dịp đi dọc làng chài Gành Cả, chúng tôi gặp những đứa trẻ miệng cười toe toét trên chiếc xe đạp, hăm hở đạp xe từ trường về nhà. Không khó để tìm về nhà ông Tẩn vì với người dân thôn Châu Thuận Biển, họ đã quá quen thuộc với người đàn ông sau những chuyến dài ngày đi biển về nhà lại mang sổ ra ghi ghi chép chép mấy cái tọa độ.
Nước da ngăm đen, gương mặt cháy sạm là cảm nhận đầu tiên về lão ngư dày dạn kinh nghiệm này. Tại một góc nhỏ trong căn nhà nằm sâu ở làng chài ven biển, ông Tẩn bắt đầu kể về hành trình bám biển của mình cho chúng tôi nghe. Cái nghề đã gắn với ông ngót ngét 30 mùa trăng. Từ những tháng ngày lèo lái con tàu không số, công suất nhỏ đánh bắt gần bờ đến những con tàu lớn vươn khơi xa, với công suất lên tới hàng trăm mã lực.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề biển nên khi ở độ tuổi đôi mươi, ông Tẩn cùng cha thường xuyên dong thuyền ra khơi ngang dọc khắp các vùng biển ở Việt Nam.
“Gần 30 năm trước, tôi chỉ là một thuyền viên nhút nhát, chưa có kinh nghiệm đi biển. Trong những lần được điều khiển tàu cá hay trực tiếp thả lưới, tôi chỉ biết làm theo chỉ dẫn của những người đi trước vì họ là những ngư dân lão luyện, giàu kinh nghiệm xác định khu vực đánh bắt. Mỗi ngư dân lại có một kinh nghiệm khác nhau nhưng có lúc, những kinh nghiệm đó cũng mang tính may rủi”, ông Tẩn nhớ lại.
Nói rồi, ông Tẩn tâm sự: “Hồi xưa làm gì có máy móc hiện đại như bây giờ. Ăn nhau ở kinh nghiệm mà thôi. Ai lanh lẹ thì sắm cho mình quyển vở, ra đó chỗ nào có cá, tôm thì tranh thủ lưu ngay lại. Cuốn “bí kíp” mỗi ngày dày đặc những con số, những hành trình tiếp theo cứ thế mà đi thôi, không cần phải tìm kiếm vất vả nữa”.
Khi khoa học công nghệ lên ngôi, máy dò, máy quét ra đời, ngư dân có điều kiện thuận lợi hơn để hành nghề. Ông Tẩn cũng nằm trong số đó. Thế nhưng, ông vẫn duy trì cách làm truyền thống bởi “máy dò, máy quét chỉ cho ta luồng cá di chuyển, nhưng không lưu lại được tọa độ ấy trong máy. Chỉ có ghi chép bằng tay mới làm được điều đó. Cái lâu dài bao giờ cũng hiệu quả hơn cái tức thời”.
Nói xong, ông Tẩn giở cuốn sổ với la liệt những tọa độ “vàng” có nhiều cá mú, cá mó u, hải sâm... Mỗi trang ghi chép được 4 đến 5 điểm. Ông bảo, giờ nói về ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, ông rành rẽ đến tận chân tơ kẽ tóc. Đến nỗi, ông đếm không sót điểm nào. “Tôi nhớ chính xác mình nắm rõ 100 điểm ở Trường Sa, 50 điểm ở Hoàng Sa có nhiều sản vật của biển. Ai tìm được nhiều hơn thì tôi thua”, ông Tẩn nói chắc nịch.
Với kinh nghiệm nhiều năm lênh đênh ở Hoàng Sa, ông Tẩn bảo đảo Phú Lâm là điểm có nhiều tôm cá, nhưng cũng là nơi rất “nhạy cảm”, nếu không tường tận, không hiểu rõ chi tiết thì rất dễ xảy ra sự cố.
“Ngư dân Gành Cả chúng tôi khai thác ở đảo Phú Lâm chủ yếu là lặn đêm. Vì vậy, khi đi vào vùng biển này, tất cả hệ thống đèn tín hiệu trên tàu đều phải tắt. Màn hình máy định vị trên tàu cũng phải che kín lại. Nếu mình không thuộc nằm lòng các điểm cá, không biết đường ra lối vào thì không thể yên tâm khai thác và khai thác không thể hiệu quả được”, ông Tẩn rút kinh nghiệm.
Ngư dân Nguyễn Văn Tính (46 tuổi, ở xóm Gành Cả) cho biết: “Tôi cũng như nhiều ngư dân ở đây đều có sổ ghi nhật trình đi biển, ghi các tọa độ có nhiều tôm cá ở Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng số điểm cá ấy khi muốn trở lại khai thác thì cần phải có tọa độ, định vị chính xác mới đến được, còn bằng cảm quan như anh Tẩn thì chịu. Người có nhiều kinh nghiệm như anh ấy thì phải nói là xưa nay hiếm”.
Theo ông Tẩn, biển cả mang lại cho ngư dân cuộc sống sung túc nhưng biển có khi lại cướp đi tất cả. Đó là những cơn bão tố dữ dằn, khốc liệt với sức tàn phá kinh hoàng, cuốn phăng bất cứ thứ gì trên biển khi chúng đi qua kể cả tàu cá. Từ thực tế đó, ông cũng không quên bổ sung trong cuốn “bí kíp” những vị trí giúp tàu thuyền trú ẩn khi bão tố.
Ông Tẩn cho biết: “Cù Lao Xanh thuộc tỉnh Bình Định ở tọa độ 13, 39 độ vĩ bắc - 109, 21 độ kinh đông là nơi nhiều tàu cá tại Quảng Ngãi thường cho tàu vào tránh trú bão mỗi khi biển động. Hay tại Hoàng Sa, ngư dân thường tránh bão tại các đảo Đá Bắc và Bom Bay”. Tương tự như vậy, nhiều tọa độ các đảo lớn, nhỏ tại Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa cũng được ông Tẩn lưu ý sau mỗi chuyến đi phòng bất trắc.
Nhiều ngư dân sống khá giả nhờ đi bán cho ông Tẩn. |
Truyền cho thế hệ sau
Ông Tẩn hiện chỉ huy 2 tàu cùng đánh bắt song song để sẵn sàng hỗ trợ nhau trên biển. Ông đi tàu nhỏ, người em trai là Bùi Văn Cu (46 tuổi) đi tàu lớn. Tàu của ông Tẩn ra khơi đánh đâu trúng đó, 10 chuyến đi thì đến 9 chuyến cá đầy khoang.
“Anh Tẩn có đưa cho tôi lái chiếc tàu QNg 95861 TS có công suất 710CV, cao gần gấp đôi chiếc tàu có công suất 380CV mà anh đang lái. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt mỗi chuyến của anh luôn thắng lớn, bằng hoặc cao hơn tôi cũng như nhiều người ở đây, vì anh có nhiều kinh nghiệm đánh bắt hơn”, ông Cu chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm ông Tẩn xuất bến độ 7 đến 8 chuyến biển, mỗi chuyến khai thác đạt khoảng 6 đến 7 tấn, đỉnh điểm là 10 tấn. Bán hết số ấy, gia đình ông thu về trên dưới 700 triệu đồng/chuyến, trừ chi phí cũng còn lời phân nửa. Đời sống bạn tàu được cải thiện đáng kể nhờ khoản tiền hậu hĩnh mà chủ chia đều theo tỷ lệ thống nhất trước đó giữa hai bên.
Ngồi trò chuyện, ông Tẩn bảo, từ cái tuổi trai tráng đến trung niên, mọi thứ chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc chủ yếu vào lộc biển. Những chuyến hải trình cứ theo thời gian, cũng song song với tuổi tác mỗi ngày một lớn, nhưng cuốn “bí kíp” thì vẫn còn nguyên giá trị. Bây giờ, ông để lại nó cho các con, cháu trong gia đình, gửi gắm tất cả tâm nguyện vào thế hệ tiếp nối nghề.
“Thấy tụi nó nhanh nhẹn, tiếp tục cùng cha phác họa bản đồ về đáy biển, về những chỗ có nhiều tôm, cá mà lòng mình vui đến lạ. Hy vọng đến đời cháu chắt vẫn còn giữ được điều đó”, ông Tẩn cho hay.
Được biết, hai vợ chồng ông sinh được 4 người con, trong đó có 3 trai nhưng chỉ có 2 người con trai đầu là anh Bùi Di Tân (36 tuổi) và Bùi Văn Tự (29 tuổi) theo nghiệp cha. Khi nói chuyện về cha mình, anh Tân tự hào:
“Nhờ những kinh nghiệm của cha ghi lại mà bây giờ anh em tôi được hưởng. Hai anh em đều sắm riêng cho mình một chiếc tàu để vươn khơi. Những điểm đánh bắt cá trên các ngư trường đã được cha ghi lại, giờ cứ theo đó mà ra khai thác. Nếu không có cuốn “bí kíp” đó, chúng tôi sẽ gặp khó khăn khi mới vào nghề”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Suốt 30 năm đi biển Hoàng Sa và Trường Sa, ông Bùi Văn Tẩn đã cặm cụi ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ tay những tọa độ có nhiều cá tôm, cũng như những nơi giúp tàu thuyền trú ẩn khi bão tố.
Để có được cuốn “bí kíp” này, ông Tẩn bao lần lặng lẽ lặn xuống sờ từng hang hốc dưới đáy biển ở các ngư trường để ghi chép lại. Ghi chép bao nhiêu tọa độ trên cuốn sổ thì cơ thể ông cũng chịu không ít những vết xước, thậm chí đánh cược cả mạng sống”.