Vượt lên số phận bất hạnh
“Vì bị bại liệt từ nhỏ và trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, trường học lại cách nhà xa nên tôi không được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Tôi nhờ chỉ bảo của các anh chị hàng xóm, cộng thêm sự kiên trì của bản thân nên đã tự xóa mù chữ cho mình” – ông Thắng mở đầu câu chuyện với tôi như thế.
Nghe kể, năm 2 tuổi một căn bệnh lạ đã khiến hai chân của ông Thắng bị liệt vĩnh viễn. Dù bản thân tật nguyền nhưng ông Thắng không lấy đó làm tự ti, trái lại ông luôn tìm niềm vui cho mình bằng việc phụ giúp gia đình qua những việc bản thân có thể tự làm được.
Ý thức được bản thân là một người tàn tật không thể lao động được như những người bình thường, nên năm 15 tuổi ông Thắng đã tự đóng cho mình một chiếc xe ba bánh để giúp bản thân di chuyển dễ hơn và thoát khỏi cảnh bò lê dưới đất. Từ thành công này, Vi Văn Thắng bắt đầu tự học nghề mộc và sau này nó đã trở thành nghề chính để ông nuôi cả gia đình suốt một thời gian dài.
Chưa hết, vào cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ 20, khi đất nước còn nghèo, và ngành giáo dục nước nhà còn nhiều khó khăn, ông Thắng đã tự đóng bàn ghế và các trang thiết bị học tập, xin mở lớp học cho con em trong vùng vào lớp 1. Mặc dù chưa từng một ngày được đến trường, nhưng do sự cần cù và ham học hỏi nên những kiến thức ông truyền đạt cho học sinh rất dễ hiểu, dành được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh.
Nhiều thế hệ học sinh nhờ được sự dạy dỗ, chỉ bảo nhiệt tình của ông sau này đã trở thành những học sinh khá và giờ nhiều người cũng đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. Anh Đỗ Văn Hoài, một học trò của ông Thắng chia sẻ: “Thầy Thắng là một người thầy đáng kính, thầy là người dậy mình những nét chữ đầu tiên, nhờ phương pháp dậy dễ hiểu và cũng rất sư phạm đã đặt nền tảng kiến thức vững chắc cho con đường học tập của mình sau này”.
Chẳng thế mà dù thời gian làm ông giáo trường làng không lâu (từ năm 1988 đến năm 1994), những người dân nơi đây vẫn kính trọng gọi ông Thắng là “Thầy Thắng”, “Ông giáo làng”.
Còn nhiều khó khăn
Đến giữa năm 1993, một tại họa khác lại ập đến khi vợ ông Thắng mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời, để lại 3 đứa con thơ đang trong độ tuổi cắp sách đến trường. Ít năm sau, ông đi bước nữa và có với người vợ thứ 2 một người con. Những tưởng rằng, cuộc sống của ông sẽ bớt vất vả hơn vì có người đỡ đần công việc gia đình thì cậu con trai của ông với người vợ thứ hai được 10 tuổi lại mắc phải căn bệnh ung thư vòm họng.
Trong vòng hơn 10 năm, ông Thắng mất đi 2 người thân thiết ruột thịt. Những năm gần đây, bệnh thấp khớp làm cơ thể phù nề khiến ông Thắng phải bỏ nghề mộc và chuyển hẳn sang chạy xe chở hàng thuê. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng các con đều được ông cho ăn học đến nơi đến chốn.
Dù làm bất kể công việc gì ông cũng tận tụy với công việc, sống hòa thuận với xóm làng. Ở trong vùng, ông còn là người chủ động đi đầu trong việc gắn kết những người có hoàn cảnh tật nguyền như mình để cùng chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Chưa hết, theo tìm hiểu của người viết, để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn hiện ông Thắng đang “tầm sư” thêm nghề thuốc nam.
Nhắc chuyện này, ông Thắng chia sẻ: “Bản thân tôi đang bị bệnh và người thân tôi cũng đã bị những căn bệnh hiểm nghèo cướp đi, nên tôi thấu hiểu được nỗi đau của bệnh tật và cũng qua bệnh tật tôi học được một số bài thuốc trong dân gian, tôi muốn làm thuốc nam để chữa bệnh cho mình và giúp làm vơi đi nỗi đau cho những người bệnh khác. Cuộc sống lấy mất của tôi nhiều thứ, nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống”.