Theo báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp, các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm đã được các thành viên của Ban và các cơ quan, đơn vị trong ngành tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản, đúng tiến độ, nhờ vậy đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của ngành Tư pháp.
Cụ thể, Ban tham gia phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong hoàn thiện thể chế về hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN; thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có nội dung liên quan đến vấn đề giới; phối hợp với Cục Kiểm tra VBQPPL trong rà soát VBQPPL hiện hành nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Đặc biệt, thông qua các buổi làm việc và kiểm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ủy ban Quốc gia VSTBPN Việt Nam, hai cơ quan đánh giá cao những kết quả đạt được và những nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp trong công tác bình đẳng giới và VSTBPN của ngành Tư pháp, qua đó có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam nói chung.
Trong năm, Bộ Tư pháp cũng chủ động triển khai Luật Bình đẳng giới và các nghị định hướng dẫn thi hành, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015.
Chẳng hạn, trong công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL, Bộ Tư pháp luôn quan tâm lồng ghép nội dung bình đẳng giới và VSTBPN khi xây dựng các VBQPPL do Bộ chủ trì soạn thảo; chú ý đến vấn đề giới trong dự thảo văn bản khi thẩm định, nhất là những văn bản có nội dung liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em gái, những văn bản quy định về bình đẳng giới, về hôn nhân gia đình, về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.
Trong công tác xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành, Bộ đều chú trọng lồng ghép bình đẳng giới vào các nhiệm vụ chuyên môn từ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi hành án dân sự đến hành chính tư pháp, nuôi con nuôi…
Bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như tỷ lệ công chức, viên chức nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng; chưa trang bị kiến thức về giới và bình đẳng giới một cách đầy đủ…
Bởi thế, bước sang năm 2015, hoạt động VSTBPN ngành Tư pháp dự kiến có rất nhiều nhiệm vụ với những chỉ tiêu hết sức cụ thể. Đáng chú ý là phấn đấu đạt 20% tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương trở lên thuộc Bộ; bảo đảm tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học và ngoại ngữ đạt từ 50% trở lên…
Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” cho 3 nữ cán bộ ngành Tư pháp và xúc động nói lời chia tay với nguyên Phó trưởng Ban VSTBPN ngành Tư pháp Trần Văn Quảng cũng như giới thiệu thành viên mới của Ban VSTBPN, Tổ Thư ký giúp việc.