Tại Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2012 nhân kỷ niệm 82 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam vừa qua, phụ nữ ngành Tư pháp một lần nữa được vinh danh khi tên của chị được xướng lên.
Là người “tay ngang” (tốt nghiệp Khoa Vật lý, trường Đại học KGU) nhưng chị đã có những đóng góp không mệt mỏi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như soạn thảo Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp và hiện đang là thành viên Ban biên tập của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chị là TS. Dương Thị Thanh Mai – Chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp.
Bà Dương Thanh Mai trong chuyến tháp tùng Bộ trưởng Bộ Tư pháp công tác tại Liên bang Nga tháng 5/2012 |
“Cha đẻ” của nhiều loại sách môn Giáo dục công dân
Sau một thời gian kinh qua nhiều nhiệm vụ, vị trí công tác, năm 1987, chị chính thức được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Mặc dù tiếp đó đảm nhiệm cương vị lãnh đạo các đơn vị khác nhau, song chị vẫn hoàn thành xuất sắc hoạt động chuyên môn được giao trong lĩnh vực PBGDPL và thông tin pháp luật. Chị có công rất lớn trong việc đưa giáo dục pháp luật vào hệ thống các trường phổ thông và các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học không chuyên luật.
21 năm liên tục (từ năm 1987 – 2008), chị là Ủy viên của Hội đồng bộ môn giáo dục chính trị, đạo đức, pháp luật (sau đổi tên thành Bộ môn Giáo dục công dân) do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành lập để chỉ đạo việc đưa môn Giáo dục công dân nói chung, phân môn Pháp luật nói riêng vào trường phổ thông và các trường sư phạm để đào tạo giáo viên dạy bộ môn này.
Đặc biệt, chị còn là chủ biên hoặc đồng tác giả của các tài liệu học tập và tài liệu giảng dạy môn Giáo dục công dân đầu tiên (giai đoạn 1988 - 1992); sách giáo khoa và sách giáo viên môn Giáo dục công dân (giai đoạn 1992 - 2008), sách Tình huống pháp luật (sau đổi thành Bài tập pháp luật) phục vụ việc học và dạy môn Giáo dục công dân ở các trường phổ thông; giáo trình Giáo dục công dân dùng trong các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên dạy Giáo dục công dân; giáo trình Pháp luật đại cương dùng trong các trường đại học không chuyên luật theo chương trình của Bộ GD&ĐT….
Thực hiện sự phân công của Bộ và của Viện Khoa học pháp lý, chị đã cùng các đồng nghiệp xây dựng Đề án “Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn” để Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 triển khai trong toàn quốc. Sau 3 năm thực hiện, các kết quả tích cực của Đề án đã được khẳng định và được đưa vào thành hoạt động thường xuyên trong các Chương trình quốc gia về PBGDPL từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, cùng với lãnh đạo và tập thể Viện Khoa học pháp lý, chị đã tham gia việc xây dựng Dự án tiền khả thi về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Pháp luật (1 trong 6 Cơ sở dữ liệu quốc gia giai đoạn 1995 - 2000), được Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của Chính phủ phê duyệt năm 1998 thành Dự án triển khai.
Tuy nhiên, do có những thay đổi về chính sách và cách thức điều hành, chỉ đạo đối với các Cơ sở dữ liệu quốc gia nên Dự án chính thức chưa được thông qua. Mặc dù vậy, dưới sự “chỉ huy” của chị, Viện vẫn được Bộ giao chủ trì hoàn thiện và duy trì vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, cho phép mọi cá nhân, tổ chức truy cập miễn phí để tìm kiếm, khai thác, sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành; đồng thời kết nối bước đầu với Dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Những đóng góp được ghi nhận nhiều hơn cả của chị là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, bởi chúng không chỉ phục vụ việc xây dựng các chiến lược trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, mà còn góp phần hoàn thiện tổ chức, hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tư pháp.
Chị đã tham gia một số đề tài, đề án cấp bộ, cấp nhà nước với tư cách là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, thư ký khoa học liên quan trực tiếp đến việc hình thành các quan điểm, định hướng dài hạn về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hình thành các luận điểm khoa học về Chiến lược cải cách tư pháp. Qua đó, góp phần trực tiếp vào việc đề xuất, soạn thảo và trình Bộ Chính trị ban hành hai Nghị quyết quan trọng: số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Có lẽ vì thế mà dù đã ở tuổi nghỉ hưu, được vui vầy cùng con cháu, chị vẫn được mời làm cố vấn cao cấp cho lãnh đạo Bộ Tư pháp, đưa ra nhiều ý kiến quý báu đối với nhiều lĩnh vực của ngành.
Nỗ lực hoạt động vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ
Tuy nhiên, chị lại “ghi điểm” bởi những cống hiến cho thực hiện hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) của ngành Tư pháp nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Từ năm 1995 - 2010, chị đã cùng các thành viên trong Ban VSTBPN ngành Tư pháp nỗ lực giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động VSTBPN của Ban VSTBPN ngành Tư pháp.
Trong đó, có việc chủ trì Đề tài nghiên cứu về đặc thù nghề nghiệp tư pháp và sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp; chủ trì Dự án điều tra cơ bản về tình hình kết hôn của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài (Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc); chủ trì Đề tài nghiên cứu về lồng ghép giới trong hoạt động của ngành Tư pháp; Trưởng ban soạn thảo 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới là các Nghị định số 70/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới, số 48/2009/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới...
Đối với hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN Việt Nam, theo phân công của Bộ Tư pháp và Ủy ban quốc gia VSTBPN Việt Nam, chị đã tham gia chuẩn bị báo cáo và là thành viên Đoàn đại diện của Chính phủ đi bảo vệ Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) tại Việt Nam trước Ủy ban CEDAW của Liên Hợp quốc tại New York (lần 1 vào tháng 7/2001, lần 2 vào tháng 1/2007).
Chị còn là cộng tác viên thường xuyên của Ủy ban quốc gia VSTBPN Việt Nam từ năm 2000, tham gia tư vấn và góp ý, phản biện của Ủy ban đối với dự án Luật Bình đẳng giới (2004-2006); tham gia Nhóm chuyên gia về bình đẳng giới của Ủy ban các vấn đề xã hội (Quốc hội khóa XI, XII và XIII) và của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tham gia tư vấn thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra.
Ghi nhận những đóng góp trên, năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng Bằng khen cho chị vì đã có thành tích thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia VSTBPN Việt Nam. Bốn năm sau, chị được nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động VSTBPN giai đoạn 2001-2010.
Với những đóng góp cho ngành Tư pháp, nhiều năm chị được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và các Bằng khen của Bộ trưởng, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai (năm 2010). Và vinh dự nữa là chị trở thành một trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay vì những cống hiến, tài năng, khả năng sáng tạo của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Thục Quyên