Hiệu ứng Donimo
Trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, nhờ vào sự bùng nổ của xu thế toàn cầu hóa và du lịch, ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Pháp phát triển cực kỳ mạnh mẽ, tạo nhiều công ăn việc làm. Theo một thống kê, lĩnh vực công nghiệp này thu hút 300.000 nhân công trực tiếp và gián tiếp trên khắp nước Pháp, đóng góp 12% cho xuất khẩu của cả nước. Thặng dư của ngành này trong năm 2019 đạt 31 tỉ euro, cao hơn đáng kể so với mức 27 tỉ euro của ngành sản xuất hàng hiệu.
Tuy nhiên, đến năm 2020, ngành vận chuyển hàng không quốc tế bị tê liệt, khiến các hãng hàng không bị chao đảo đồng thời tạo hiệu ứng Domino. Các công ty chế tạo máy bay, trang thiết bị và các nhà thầu đối tác của các công ty này gặp phải cú sốc chưa từng có.
Điển hình như công ty Airbus. Trước đó, người ta vẫn nói rằng chỉ cần hãng này “ho một tiếng” là cả ngành công nghiệp chế tạo máy bay bị nhấn chìm trong khủng hoảng. Giữa đại dịch Covid-19, với tổng số 49.000 nhân viên, tập đoàn chế tạo máy bay của châu Âu thông báo sẽ cắt giảm 15.000 người làm công ăn lương.
Riêng tại Pháp, số người bị Airbus cho thôi việc là 5.000 người, tập trung chủ yếu tại Toulouse (3.500 người). Thông tin này khiến cả thành phố vốn được coi là kinh đô ngành công nghiệp hàng không của Pháp và châu Âu bàng hoàng. Trong khi đó, hãng hàng không Pháp Air France ngoài việc thông báo cắt giảm hơn 7.580 lao động còn dự kiến từ nay đến tháng 4/2021 sẽ đóng cửa 10 chi nhánh trên toàn quốc, từ Paris đến Nantes, Toulouse, Bordeaux, Lille, Lyon, Marseille và Nice.
Vùng Occitanie được xem là cái nôi của ngành công nghiệp hàng không của Pháp, trong đó nổi bật nhất là thành phố Toulouse. Năm 2019, đây là vùng xuất khẩu nhiều thứ tư của Pháp, chủ yếu nhờ ngành chế tạo máy bay (71,4%). Tổng cộng có 85.000 lao động ở khu vực làm việc trong lĩnh vực này.
Khi hoạt động của các công ty trong lĩnh vực hàng không sụp đổ, nhiều thành phố của vùng đột ngột gặp phải tai họa. Bởi, ví như thành phố Figeac có gần 10.000 dân thì có tới 1/3 làm việc cho Figeac Aéro và Collins Aérospace - hai nhà thầu đối tác của hai nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing.
Trước tình hình ảm đạm này, hãng Figeac Aéro hồi cuối tháng 8 vừa qua thông báo sa thải 1/3 số lao động. Chủ tịch, Tổng giám đốc Figeac Aéro Jean-Claude Maillard nhấn mạnh cuộc khủng hoảng sẽ còn rất lâu dài và chính sách trợ cấp thất nghiệp hay việc Nhà nước cho vay 80 triệu euro cũng không đủ để bù đắp cho những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, cũng có một số doanh nghiệp đã thành công trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới. Ví dụ, công ty Femso đã chuyển từ chế tạo phụ tùng cơ khí sang sản xuất các tấm chắn chống giọt bắn, tham gia cuộc chiến phòng ngừa dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhanh chóng tìm ra được giải pháp “chữa cháy” để duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Hiệu ứng Domino vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngành công nghiệp hàng không của Pháp đang chứng kiến tình trạng suy thoái chưa từng có trong suốt 20 năm qua.
Những giải pháp trước mắt
Chính phủ Pháp đã phải sớm công bố kế hoạch trợ giúp cho ngành chế tạo máy bay. Hôm 9/6, chính phủ Pháp thông báo chương trình hỗ trợ 15 tỉ Euro cho ngành công nghiệp hàng không, trong đó có việc đẩy nhanh đơn đặt mua chiến đấu cơ của tập đoàn Dassault.
Trước đó, vào tháng 1/2019, Bộ trưởng Không quân Pháp Florence Parly thông báo vào năm 2023 sẽ đặt mua 30 chiến đấu cơ Rafale nổi tiếng của tập đoàn sản xuất máy bay Dassault Aviation để trang bị cho quân đội. Song, trước diễn biến của dịch bệnh, Dassault đã phải đối mặt với nguy cơ các nước khác giảm đơn đặt hàng. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ Pháp đang thảo luận với Dasault để đẩy nhanh lịch đặt hàng nhằm giúp không chỉ tập đoàn này mà còn cả các nhà thầu của hãng duy trì sản xuất.
Còn ngay tại vùng Occitanie, nơi có tổng cộng 800 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hàng không, vũ trụ, Chủ tịch vùng Carole Delga hồi tháng 7 vừa qua đã thông báo kế hoạch đầu tư 109 triệu Euro trong vòng 2 năm tới, đồng thời thành lập cơ quan đầu tư chiến lược Aris để cứu ngành công nghiệp chủ chốt của vùng, đưa Occitanie thành khu vực dịch chuyển công nghiệp và duy trì cái nôi của nền công nghiệp chế tạo máy bay sinh thái.
“Kế hoạch này được xây dựng với sự tham gia của Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức nghiệp đoàn. Kế hoạch này trước hết là để duy trì, giữ vững năng lực làm việc vì ngành công nghiệp hàng không thực sự đòi hỏi những kỹ năng thành thạo, khéo léo về công nghệ cao.
Vì thế, điều cần làm trong thời gian chờ đợi kinh tế được khôi phục trở lại là huấn luyện chứ không phải sa thải người lao động. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải đầu tư vào những chiếc máy bay xanh/máy bay sinh thái. Nước Pháp và châu Âu cần giữ vai trò lãnh đạo trong vấn đề này”, Chủ tịch vùng Occitanie tuyên bố.
Là “kinh đô ngành công nghiệp máy bay” không chỉ riêng của nước Pháp mà còn của cả châu Âu, vùng Toulouse (nơi đặt trụ sở tập đoàn Airbus) trở thành nơi bị ảnh hưởng hàng đầu. Cuộc suy thoái của lĩnh vực chế tạo công nghiệp hàng không không gian được dự báo có thể khiến vùng Occitanie mất khoảng 200.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, trong đó 70% là ở thành phố Toulouse và các khu vực lân cận.
Bà Agnès Plagneux-Bertrand (Phó chủ tịch vùng Toulouse Métropole) thừa nhận địa phương sẽ mất một nguồn thu lớn, chính quyền địa phương đã bắt đầu tiến hành các hành động để có thể mở các lĩnh vực mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực hàng không và không gian.
Nhiều người còn bi quan rằng Toulouse sẽ “sụp đổ” như thành phố Detroit - kinh đô xe hơi của Mỹ hồi năm 2013. Tuy nhiên, ông Jean-Marc Olivier ( chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hàng không) vẫn tỏ ra lạc quan. “Tôi không nghĩ là như vậy bởi vì hội chứng Detroit là đặc trưng của ngành chế tạo xe hơi, tức là ngành công nghiệp mà đa phần lực lượng lao động là công nhân.
Trong ngành công nghiệp hàng không, với những nhà thầu trong lĩnh vực này, đa số các nhân viên là kỹ sư, các nhà kỹ thuật và nhà nghiên cứu. Thế nên chúng tôi có khả năng cải tổ, chuyển đổi theo hướng sản xuất mới, chúng tôi có thể dự kiến về sự tiến triển nhanh chóng về sản phẩm”, ông nói.
Hiện nay, tại Toulouse, các kiến thức, công nghệ về chế tạo máy bay cũng đã bắt đầu được chuyển đổi, áp dụng vào lĩnh vực sản xuất xe hơi, các loại xe cơ giới, tàu hỏa thế hệ tương lai. Các tập đoàn công nghiệp như Renault, Siemens và Alstom cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc tạo dựng cơ sở tại Toulouse để có thể tận dụng các lợi thế vốn có của thành phố “não bộ” trong ngành công nghiệp hàng không châu Âu nhằm vượt qua tình thế khó khăn này.