Bộn bề khó khăn
Cũng như bao ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa khác ở những địa bàn vùng cao biên giới, năm học nào Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở (DTNT THCS) xã Trung Thượng, cũng thường trực nỗi lo học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập. Tuy nhiên, với tình cảm, trách nhiệm, tình thương yêu đối với các em học sinh vùng cao, các thầy cô giáo đã tìm mọi giải pháp để “tiếp lửa” cho các em, giúp các em tiếp tục theo đuổi con chữ. Một trong những giải pháp được cha mẹ học sinh đồng tình ủng hộ là việc tổ chức bếp ăn tập thể, mô hình nội trú cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, một nguyên nhân quan trọng không “níu” được chân các em đến trường là do hầu hết điều kiện kinh tế gia đình của các em còn nhiều khó khăn, hàng ngày các em phải đi bộ từ 8-10 km đường rừng, lội suối mới đến được trường học. Để khắc phục tình trạng này, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, lắng nghe ý kiến phụ huynh, rồi đưa ra các phương án để bàn bạc với mục tiêu giúp các em đi học đầy đủ. Qua các ý kiến, một trong những giải pháp khắc phục được phụ huynh đồng tình đó là nhà trường tổ chức nấu ăn hàng ngày để các em không phải vất vả trong việc đi lại, an tâm ở lại trường học, các gia đình cũng không phải lo lắng mỗi khi con phải cuốc bộ gần chục cây số để đến trường.
Hiện nay khó khăn lớn nhất của nhà trường là chỗ ở, nước sinh hoạt cho các em. Với gần 70 học sinh ở nội trú, các em phải ở trong 10 phòng bằng tranh, tre, nứa, lá do nhà trường và phụ huynh đóng góp vật liệu, công sức dựng nên cho các em. Vào mùa khô, nước sông, suối cạn kiệt, hàng ngày các thầy cô lại phải phân công nhau dẫn học trò ra sông Lò tắm giặt, vừa không đảm bảo vệ sinh, mất thẩm mỹ lại rất nguy hiểm đến tính mạng của các em.
Trước thực trạng đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã gửi văn bản báo cáo lên cấp trên xin đầu tư xây dựng khu bán trú cho học sinh để tránh những điều rủi ro. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn chưa thấy cấp trên có ý kiến gì. “Nếu do nguồn kinh phí khó khăn, trước mắt nhà trường chỉ xin được hỗ trợ xây dựng 5 phòng ở kiên cố cho các em cũng được…”, thầy Hiệu trưởng tha thiết nói.
Bữa cơm đã có cá, thịt cho học sinh bán trú tại trường Cấp 2 Trung Tiến (Quan Sơn, Thanh Hóa). |
Những giải pháp khắc phục
Bắt đầu từ năm học 2015, hàng tháng sau khi các gia đình nhận tiền hỗ trợ (theo Nghị định 85/NĐ-CP là 460.000 đồng/học sinh/tháng) cho các con, phụ huynh sẽ nộp số tiền hỗ trợ này cho nhà trường để nấu ăn cho học sinh. Với số tiền này, nhà trường phải cân nhắc, tính toán và tiết kiệm tối đa trong chi tiêu để làm sao mỗi bữa cơm cho các em đảm bảo đủ no, đủ dinh dưỡng với thịt, cá, rau xanh...
Em Ngân Thị Hằng, học sinh lớp 7, nhà ở bản Khạn hồn nhiên nói với chúng tôi: “ở đây em được ăn ngày 3 bữa, bữa cơm nào cũng có cá, thịt và rau xanh rất ngon. Chúng em không phải đi lại vất vả như trước, nên ai cũng khỏe và dành nhiều thời gian để học tập hơn. Nhiều bạn ngày nghỉ về nhà chỉ mong được quay lại trường”.
Theo thầy Hiệu trưởng, từ ngày duy trì bữa ăn cho học sinh, việc học của các em đã đi vào nền nếp hơn. Tình trạng nghỉ học không lý do, bỏ học giữa chừng đã được khắc phục. Ngoài giờ học chính khóa, các thầy cô giáo tranh thủ kèm, dạy thêm cho các em học sinh học yếu kém. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo còn thường xuyên tổ chức cho các em giao lưu sinh hoạt văn nghệ, lao động tăng gia sản xuất như trồng rau, nuôi gà… vừa để cải thiện bữa ăn, vừa giúp các em rèn luyện thể chất và yêu lao động.
Qua việc triển khai các biện pháp thiết thực, phù hợp để khắc phục khó khăn, tồn tại trong công tác giáo dục cho học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa… chất lượng dạy và học của nhà trường đã có nhiều chuyển biến. Kết quả, số học sinh bán trú trước đây hầu như chưa có học sinh khá, giỏi, nhưng nay đã tăng lên 10 học sinh khá, 5 học sinh giỏi cấp huyện. Đưa tỷ lệ học sinh giỏi toàn trường đạt 32%, tăng 6% so với năm ngoái.
Đem câu chuyện của Trường Phổ thông DTNT THCS xã Trung Thượng trao đổi với ông Lê Đình Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, chúng tôi được ông chia sẻ: Kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học của huyện hầu như không có, chủ yếu là phải dựa vào sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên, vì huyện đang thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn nhất cả nước. Trong khi đó, về nhu cầu cấp thiết để xây dựng khu nhà ở bán trú cho học sinh thì hiện nay ở huyện Quan Sơn đang có 5 ngôi trường rất cần nơi ở bán trú cho học sinh, gồm: Trung Tiến, Trung Thượng, Trung Ha, Tam Thanh và Sơn Thủy.
“UBND huyện, ngành Giáo dục Quan Sơn đã rất nhiều lần kiến nghị lên Ban Dân tộc tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa quan tâm xem xét, ưu tiên hỗ trợ cho Quan Sơn xây dựng nhà bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, đến nay tất cả đang phải chờ cấp trên xem xét, phê duyệt. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, hàng năm các trường phải họp bàn với phụ huynh học sinh, thống nhất quan điểm với chính quyền địa phương, cùng nhau góp công sức, vật liệu... xây dựng các phòng ở bán trú cho học sinh bằng tranh, tre, nứa, lá tạm thời, nhằm giúp học sinh yên tâm học tập”- ông Xuân nói.
Có thể nói, việc nỗ lực, khắc phục khó khăn để truyền dạy con chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao của nhà trường rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để vận động các em đến trường đã là khó, giữ các em đi tiếp trên con đường học chữ còn khó khăn hơn rất nhiều.Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục Thanh Hóa cần sớm quan tâm, tạo điều kiện ưu tiên hỗ trợ cho nhà trường kinh phí xây nhà ở an toàn cho học sinh, giúp thầy trò nơi đây cùng an tâm đầu tư cho sự nghiệp dạy và học./.