Dưới chân Đỉnh Mười
Vượt qua hơn 16 đoạn suối, chiếc xe máy cà tàng đưa tôi đến thôn xa nhất của xã vùng sâu Tân Tiến, huyên Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thôn 1, xã Tân Tiến có hơn 100 nóc nhà của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Kinh nằm nép mình trong thung lũng dưới chân Đỉnh Mười. Tối đến cả thôn trầm mặc trong sương núi và róc rách tiếng nước suối reo, từ những ô cửa sổ hắt ra ánh đèn dầu. Các cụ trong thôn cho biết, đây là thôn cuối cùng trong xã chưa có điện, sóng điện thoại thì phải chèo lên mỏm đồi mới nghe bập bõm. Năm nào cũng vậy, sau khi kết thúc một vụ sắn, ngô, gừng, đỗ tương… người dân sống dưới chân Đỉnh Mười lại rủ nhau vào rừng kiếm lá dong bán, cho thu nhập không nhỏ.
Hôm nay, như đã hẹn trước, tôi hăm hở cùng gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga, thôn 1, xã Tân Tiến lên rừng lấy lá dong. Con đường mòn gần 5km vắt vẻo qua sườn núi như làm bước chân tôi chụn lại. May quá, thời tiết khá lạnh nên những con vắt, con muỗi không làm phiền chúng tôi mấy.
Chị Nguyễn Thị Nga nói, miền Bắc Tuyên Quang đươc coi là “thủ phủ” của cây dong. Cây dong phân bố tập trung nhiều nhất trong các tán rừng già dưới chân dãy Cham Chu của huyện Hàm Yên, rừng đặc dụng Tát Kẻ-Bản Bung của huyện Na Hang, Lâm Bình và khu vực chân Đỉnh Mười-Ba Xứ của huyện Yên Sơn. Từ đây, lá dong theo đường bộ, đường thủy về thành phố Tuyên Quang, rồi về xuôi.
Chị Nga bảo, cây dong là loại thực vật thân thảo, cao trung bình từ 1-1,5m, thuộc họ hoàng tinh. Cây ưa mọc dưới tán rừng già có độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 6-7 lá. Cây dong có thể cho thu hoạch quanh năm, lá mọc tầm hai tháng là cắt được. Nhưng người ta thu hoạch lá dong rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Lá dong ngoài gói bánh chưng, bánh tét, bánh tẻ còn có thể dùng làm thuốc chữa say rượu, rắn cắn. Cây dong có hai loại, dong lông hay còn gọi là lá dong tẻ, còn dong nếp có hai mặt đều nhẵn nên người ta thường dùng để gói các loại bánh.
Chị Nguyễn Thị Nga (thôn 1, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn) sắp xếp lại các bó lá dong sau một ngày cùng chồng vào rừng lấy. |
Ở cánh rừng này, tôi thấy những người đi lấy lá dong mang cơm trưa đi ăn vì đường về nhà xa quá. Trung bình một ngày, một người cắt, bó, gùi về nhà được từ 500-800 tàu lá. Theo quy ước, cứ 25 tàu lá họ bó thành một bó nhỏ, 4 hoặc 8 bó nhỏ buộc thành một bum. Lá dong cắt về bảo quản đúng kỹ thuật có thể để được hơn một tháng. Người ta dùng lá cây bum, bum kín bó lá dong nhằm tránh nắng, gió, mưa làm hư hỏng. Về nhà, phần cuỗng họ đặt vào chậu nước sạch được thay thường xuyên, nhờ đó mà lá dong xanh rất lâu, không bị úa vàng.
Trước kia khi các cánh rừng già ở Đỉnh Mười bạt ngàn, lá dong cũng nhiều vô kể. Một vụ Tết, mỗi gia đình ở đây có thể lấy được hàng chục vạn tàu lá dong về bán. Giờ đây diện tích rừng già bị thu hẹp vì nhiều lý do như khai thác gỗ tự nhiên trước kia, do phát rẫy làm nương, do tăng diện tích rừng trồng cây keo, mỡ và sự thu, hái lá dong không đúng kỹ thuật, mỗi gia đình giờ cố gắng lắm cũng chỉ lấy được khoảng gần 1 vạn lá cho vụ Tết. Giá lá dong cũng vì thế mà liên tục tăng. Trước kia 25 nghìn đồng có thể mua được 100 lá, nay đã lên 70-75 nghìn. Lá dong không những được tiêu thụ nhiều ở Tuyên Quang mà giờ các lái buôn chở trên xe tải, thuyền co le về xuôi.
Đưa dong rừng về… vườn
Thấy diện tích cây dong trên rừng ngày càng bị thu hẹp, việc lấy lá dong bán cho khách hàng không còn được chủ động, bền vững như trước, là một người lấy lá dong rừng chuyên nghiệp, vào năm 2006 anh Phạm Văn Vấn ở thôn 3, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn - người đầu tiên trong xã đã nảy ra ý định đưa cây dong trên rừng về trồng thử nghiệm quanh nhà. Thấy cây vẫn phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên anh quyết định nhân rộng ra 20.000 khóm trên diện tích 4 sào. Anh trồng cây dong xen kẽ dưới tán rừng, tán vườn cây ăn quả theo phương châm vừa chống được cỏ dại, vừa tiếp kiệm đất, tạo độ ẩm cho cây trồng phát triển. Nhờ có vườn lá dong tại nhà nên anh bán lá dong quanh năm cho những người gói bánh chưng, bánh tẻ chuyên nghiệp với giá cả hạ hơn. Mỗi năm cho anh thu nhập 25 triệu đồng.
Vườn lá dong nhà anh Phạm Văn Vấn cho thu hoạch lá quanh năm. |
Theo anh Phạm Văn Vấn, cây dong rất dễ trồng. Mỗi năm cây đẻ nhánh theo cấp số nhân. Cây cũng ít mắc sâu bệnh, chỉ chú ý phòng sâu cuốn lá là được. Mật độ anh trồng 1 m2/khóm, sau một năm cây cho thu hoạch, lá dong tầm 2 tháng tuổi cắt là đẹp nhất. Hàng năm sau khi thu hoạch đại trà lá dong vào dịp tết, cây phải được chặt sát gốc. Như vậy, sang năm cây mới nảy mầm và cho sản lượng lá tốt.
Bánh chưng có thể gói bằng nhiều loại lá, nhưng gói bằng lá dong vẫn là chuẩn nhất, mùi thơm của lá dong, màu xanh của lá dong quện vào gạo bánh tạo ra hương vị đặc trưng riêng. Ngày nay nhu cầu về lá dong, nhất là lá dong cho gói bánh chưng ngày tết càng lớn. Trong khi đó diện tích, sản lượng lá dong rừng đang bị thu hẹp một cách đáng báo động.
Bởi vậy mà nhiều năm nay, toàn bộ số hộ thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã chuyển hơn 100 mẫu đất soi bãi hoa màu sang trồng chuyên canh cây dong. Theo người dân Tràng Cát, mỗi sào cây dong ở đây cho thu từ 20.000-30.000 tàu lá/năm. Với giá bán trung bình 80.000 đồng/100 tàu lá, thu về gần 20 triệu đồng/sào Bắc bộ. Cây dong hầu như trồng không bị mất mùa, nguồn cầu ổn định nên thu nhập khá vững chắc.
Trở lại xã vùng sâu Tân Tiến, với điều kiện đất đai rộng, khí hậu phù hợp, con người chăm chỉ hoàn toàn có dủ khả năng mở một vùng chuyên canh lá dong lớn. Dong của Tân Tiến có thể trồng xen kẽ dưới tán rừng, tán vườn cây ăn quả cho thu nhập cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Cây dong chắc chắn sẽ có chỗ đứng bền lâu và có khả năng là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn.