Không sai nhưng không khả thi
Dư luận quan tâm bức xúc việc ông thợ điện bị phạt 90 triệu đồng do hoàn cảnh anh nghèo và do quy định hành chính về trường hợp này cứng nhắc, bất cập. Theo đó, việc phạt người bán 90 triệu, mới nghe thấy “chướng” nhưng vẫn là đúng luật.
Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn LS Cần Thơ) đã giải thích về bất cập trong quy định xử phạt trên như sau: Điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định 96 quy định : “Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”; Quy định như vậy có nghĩa là bất cứ ai vi phạm không cần biết số tiền bao nhiêu cũng có thể bị phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bán 5 USD cũng có thể bị xử phạt 80.000.000 đồng. Nếu phạt thấp hơn là trái với Nghị định, tức ...vi phạm pháp luật.
Ông thợ điện không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ nào, UBND TP Cần Thơ áp dụng mức phạt ở giữa, tức 90 triệu đồng cũng đúng! Nhưng nếu có người bán 100.000 USD và có tình tiết tăng nặng giảm nhẹ thì cũng phải phạt 90 triệu đồng.
Luật sư Phong phân tích: “Cái khiếm khuyết của điều luật ở đây chính là không có định lượng, chỉ nói tính chất của hành vi vi phạm mà thôi. Chính vì vậy nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung điều luật này, tức phải có định lượng. Bán 100USD thì xử phạt bao nhiêu, 200USD thì xử phạt bao nhiêu, 300USD thì xử phạt bao nhiêu… Ngoài ra, thực tiễn cho thấy rõ ràng cần có quy định hình thức cảnh cáo trong việc xử lý vi phạm này. Nếu bán 5-10USD thôi mà vi phạm lần đầu thì cảnh cáo cũng được rồi”.
Luật sư Lê Quang Vũ (giám đốc Công ty luật Công Bình, TP HCM) cũng cho rằng tinh thần mà điều luật hướng tới là xử phạt cá nhân, tổ chức kinh doanh ngoại hối trái phép chứ không phải người dân có chút ít ngoại tệ cần đổi để tiêu xài. Vì điều luật không quy định rõ nên có nơi áp dụng xử phạt, có nơi không. Theo Luật sư Vũ, việc áp dụng điều khoản này để xử phạt người đổi ngoại tệ cũng không sai nhưng bất cập và không khả thi.
Khám xét nhà, thu tài sản người mua có đúng quy định?
Điều quan trọng hơn mà giới chuyên gia pháp lý quan tâm là cách và nội dung xử phạt với người mua 100USD có nhiều điều “bất ổn”. Tiệm vàng Thảo Lực cũng bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng về hành vi Mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ theo Nghị định của Chính phủ; 70 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và 30 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Tổng mức phạt đối với cơ sở này là 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng), 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn LS Cần Thơ), theo Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền khám xét nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Tuy nhiên, địa điểm tiệm vàng Thảo Lực vừa là chỗ ở, vừa là trụ sở của doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc), nên trong trường hợp này việc ban hành lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều phải ghi rõ: “khám xét chỗ ở và trụ sở của doanh nghiệp”, chứ không chỉ ghi khám xét chỗ ở mà thôi. Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định Chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét chỗ ở của công dân, không quy định chủ tịch UBND cấp quận được ban hành lệnh khám xét trụ sở doanh nghiệp.
Thứ hai, quyết định khám xét nhà của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều giao cho đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ thực hiện cũng cần phải xem xét lại có đúng thẩm quyền hay không. Lý do, Công an TP Cần Thơ là cơ quan trực thuộc Bộ Công an và UBND TP Cần Thơ không trực thuộc UBND quận Ninh Kiều. Việc giao nhiệm vụ cho đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế nêu trên phải do Giám đốc Công an TP Cần Thơ hoặc Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Thứ ba, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP Cần Thơ đối với ông Lực không xử phạt đối với cá nhân ông Lực mà lại xử phạt đối với doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực. Điều này không phù hợp với lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, thậm chí mâu thuẫn vì lệnh khám xét là khám xét chỗ ở của công dân, nhưng quyết định xử phạt hành chính lại phạt… doanh nghiệp.
Quyết định khám xét có trước 6 ngày, lập biên bản xử phạt sau gần 8 tháng?
Ở góc độ khác, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên) cũng cho rằng quyết định khám xét, xử phạt trong vụ việc trên có dấu hiệu trái luật.
Cụ thể, ngày 24/1 Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định số 14 về “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với ông Lê Hồng Lực với lý do “để tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. “Quyết định được ban hành trước ngày bắt quả tang hành vi vi phạm hành chính 6 ngày, kể từ ngày vi phạm 30/1 là không có căn cứ pháp luật”, Luật sư Quynh nêu.
Luật sư Quynh phân tích tiếp, theo khoản 1, Điều 129, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tại thời điểm nêu trên chưa có căn cứ hay biên bản vi phạm hành chính được lập đối với hành vi vi phạm hành chính của ông Lực.
Điều bất bình thường nữa là việc khám xét thực hiện vào ngày 30/1 nhưng mãi đến ngày 13/8 ông Lực mới bị lập biên bản hành chính số 56/BB-VPHC (sau gần 8 tháng) và tiếp đó bị xử phạt hành chính.
Luật sư Quynh cho rằng theo quy định luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, lập biên bản vi phạm, ngăn chặn kịp thời; Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Căn cứ để ra quyết định xử phạt là hành vi vi phạm phải được lập biên bản vi phạm hành chính kịp thời bởi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ.
“Ngày 30/1 xảy ra việc thu đổi ngoại tệ trái pháp luật, nhưng đến ngày 13/8 mới lập biên bản vi phạm là chậm trễ, không kịp thời. Thời hạn để ban hành quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp này không thể tính từ ngày lập biên bản, mà phải được tính từ ngày xảy ra vi phạm (30/1). Do đó, việc ban hành quyết định xử phạt đã quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không có căn cứ”, Luật sư Quynh nói.
Cùng quan điểm, Luật sư Lê Quang Vũ cho rằng trong vụ việc trên đã hết thời hiệu xử phạt. Căn cứ để ra quyết định xử phạt là hành vi vi phạm phải được lập biên bản vi phạm hành chính kịp thời bởi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ.
Thời hạn ra quyết định xử phạt là 7 ngày, đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp là 30 ngày, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Thời hạn để ban hành quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp này không thể tính từ ngày lập biên bản mà phải được tính từ ngày xảy ra vi phạm (30/1) thì đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Vẫn lời Luật sư Vũ, điều quan trọng nhất là chúng ta không tìm thấy mối liên quan nào giữa hành vi mua bán 100 USD với 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo vốn là tài sản của tiệm vàng này bị xem là tang vật, bị tịch thu và sắp đưa ra bán đấu giá. Khối tài sản này rất lớn, có giá trị gần 550 triệu đồng “bỗng dưng” bị tịch thu theo một trình tự “rất lỏng lẻo” như các luật sư đã phân tích làm người dân hoang mang. Kẻ trộm một cây kim có thể bị tịch thu cả giàn máy may và kho vải trong nhà mình vì bị xem là tang vật.