QL14 hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được đầu tư xây lắp bởi phần lớn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư nên vai trò, trách nhiệm của Bộ này là rất lớn. Còn Dự án QL18 đoạn Hạ Long - Uông Bí được triển khai theo mô hình xã hội hóa, do Cty Cổ phần BOT Đại Dương là doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Nói nôm na, một dự án dùng tiền của Nhà nước, còn dự án kia là tiền của doanh nghiệp bỏ ra, Bộ chỉ đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự án BOT bị “trảm” nhanh như “điện giật”!
Sau gần 3 năm thi công, ngày 24/5/2014 nhà đầu tư QL18 có báo cáo hoàn thành công trình và đề nghị cho phép nghiệm thu đưa vào khai thác thu phí. Tuy nhiên, sau đó một số đoạn trên tuyến bị phát hiện lún vỡ, hằn vệt bánh xe mặt đường. Ngay lập tức, Bộ GTVT triệu tập cuộc họp khẳng định Bộ đã vào cuộc nhanh chóng sau khi xảy ra sự cố, đồng thời không quên công bố “lai lịch” của dự án rằng, nhà đầu tư QL18 là Cty Cổ phần BOT Đại Dương, Ban Quản lý dự án (PMU) 2 của Bộ chỉ đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thêm nữa, tại một cuộc họp bàn về vấn đề này hôm 30/5, lãnh đạo Bộ GTVT đã “chốt” một ý, đại khái trách nhiệm chính trong vụ này phải là nhà đầu tư, các đơn vị chức năng thuộc Bộ như Vụ Khoa học Công nghệ và Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có nhiệm vụ “giúp” nhà đầu tư giải pháp kỹ thuật sửa chữa triệt để đường hư hỏng…
Tất cả những động thái nêu trên dễ dàng cho thấy, ngay từ đầu Bộ này đã muốn rạch ròi về vai trò và đặc biệt là trách nhiệm trước sự cố lún nứt đường đầy tai tiếng này nên chỉ sau đó bốn ngày (ngày 4/6), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký ngay Công điện yêu cầu Cty Cổ phần BOT Đại Dương và PMU2 không cho phép các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công này tham gia dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nghiêm cấm các đơn vị này tham gia các dự án khác của ngành GTVT trong thời gian 3 năm.
Giới thầu xây lắp khi biết tin này đã đặt câu hỏi không biết khi “trong nhà” nói chuyện với nhau, Bộ GTVT có kiểm điểm PMU2 - với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án này - hay không, chứ trong các phát ngôn, thông cáo của Bộ cũng như một số cán bộ có thẩm quyền thuộc Bộ phát đi trên công luận tuyệt nhiên không thấy đề cập tới trách nhiệm của PMU2 mà chỉ xoáy sâu trách nhiệm của đơn vị tư vấn, kế đó là tuyên bố nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra khắc phục sự cố.
Lẽ dĩ nhiên khi đã làm sai, làm ẩu thì phải chịu “hình phạt” tương xứng, kịp thời, nhưng nếu nhìn ra nhiều dự án khác, thử hỏi có bao nhiêu nhà thầu yếu, không đảm bảo chất lượng đã bị Bộ đem ra xử một cách quyết liệt và nhanh như… “điện” giống như vụ này? Vấn đề này, dư luận nhận định do dự án trên dùng tiền vốn của doanh nghiệp, Bộ GTVT chỉ tham gia với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên chẳng có gì vướng víu, vì thế đã mạnh tay xử lý nhà thầu để tránh những tai tiếng?
Đường nhà nước - hô hoài mới thấy “xử”
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ thêm vấn đề này, chúng tôi xin nói lại tình trạng một số nhà thầu thi công không đạt yêu cầu trên QL14 mà PLVN liên tục đăng tải trong thời gian qua, bởi nếu đưa ra so sánh sẽ thấy sự khác biệt “một trời, một vực” về độ cương quyết cũng như mức độ áp dụng “hình phạt” giữa các nhà thầu thi công giữa hai Dự án QL.
QL14 đoạn qua Đắk Lắk từng có thời điểm nhiều nhà thầu đồng loạt “nghỉ ngơi” |
Cụ thể, không như QL18 sử dụng vốn doanh nghiệp, QL14 có khá nhiều dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tại đây, không quá khó để chỉ tên, điểm mặt một loạt nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ, vốn liếng, năng lực thiết bị không ổn… làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Thế nhưng, sau không biết bao nhiêu cuộc họp, với nhiều lần hô hào, tuyên bố, mãi đến ngày ra quyết định xử lý các nhà thầu trên QL18 (ngày 4/6), Bộ GTVT mới đồng thời ban hành văn bản xử lý nhà thầu yếu đầu tiên tại Gói thầu số 2 đoạn qua Đắk Lắk.
Vì sao đối với dự án sử dụng trái phiếu, Bộ GTVT lại chần chừ và không quyết liệt như với nhà thầu dự án BOT Đại Dương trên QL18? Lời đáp nhiều người nghĩ ngay tới đó là vì Dự án QL14 gắn liền với trách nhiệm, thành tích… của Bộ và các PMU thuộc Bộ; nói tóm lại, nó là của Bộ nên ít nhiều vẫn vướng víu, động chạm, khó xử?
Vì thực tế, đã có lúc các Cục quản lý chuyên ngành, Ban Quản lý dự án còn đỡ lời cho các nhà thầu yếu. Thậm chí, mới đây khi trả lời một đơn vị báo chí, Tổng Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng còn trấn an dư luận rằng: “Hai tháng gần đây, tiến độ của dự án có lúc tăng gấp 2 lần so với kế hoạch”.
Ở đây xin được nhắc lại, các gói thầu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ vắt qua 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã triển khai từ năm 2013 và trước đây trong các cuộc họp giao ban tiến độ tháng, quý mà phóng viên PLVN có dịp tiếp cận, không ít nhà thầu bị “điểm danh” vì sự bê trễ, chẳng hạn nhà thầu Tập đoàn Đức Long Gia Lai “ôm” gói thầu trị giá 104 tỷ đồng ở Đắk Lắk, sau một thời gian dài “đánh vật” không xong, nhưng mãi tới ngày 4/6/2014 mới bị cắt bớt 1/3 khối lượng.
Đặc biệt, gần đây là vụ bán thầu trắng trợn tại Gói 9 (Đắk Lắk), nhưng cả Bộ và PMU đường Hồ Chí Minh cũng không chủ động xác minh, xử lý, mọi việc chỉ được tiến hành sau khi công luận lên tiếng, trong khi tại mỗi kilômét đường ở đây luôn có người của Bộ cắm chốt, chưa kể hàng tháng, hàng quý, hết đoàn này đến đoàn nọ ra vào kiểm tra, giám sát.
Còn nhớ cách đây không lâu, Bộ này từng tuyên bố chủ đề GTVT của năm 2014 là siết chặt trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án, nhất là các chủ đầu tư, PMU, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu xây lắp. Nhưng, với cách xử lý khi thì quá tả, lúc quá hữu tại hai Dự án QL14 và QL18, nhiều người e rằng giữa tuyên bố và hành động ở đây vẫn còn một khoảng cách khá xa. PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong những số báo tiếp theo.
Trách nhiệm các PMU đến đâu?
Tại Dự án BOT QL18 đoạn Uông Bí – Hạ Long, PMU2 (Bộ GTVT) đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng sau khi xảy ra sự cố lún nứt, chưa thấy ai đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu Ban này trong thời gian triển khai dự án (năm 2011). Tại Dự án QL14, có ít nhất 3 nhà thầu chậm tiến độ nhưng lãnh đạo PMU đường Hồ Chí Minh đã đỡ lời cho nhà thầu bằng những căn cứ khó kiểm chứng như: “có chuyển biến”. Thậm chí mới đây, Tổng Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng khi trả lời báo chí còn trấn an dư luận rằng: “Hai tháng gần đây tiến độ của dự án có lúc tăng gấp 2 lần so với kế hoạch”, và trên thực tế Ban này đã chấp nhận cho một số nhà thầu làm bù tiến độ, dù việc đó là trái cam kết và thiếu công bằng trong xử lý nhà thầu.