Các nước này tạo thành cái gọi là “Bộ tứ kim cương” và ở Nhật Bản năm nay, Bộ trưởng Bgoại giao 4 nước gặp nhau lần thứ 2, sau lần trước vào hồi mùa thu năm ngoái ở Mỹ.
“Bộ tứ kim cương” là khái niệm luôn đi cùng với ý tưởng về liên kết khu vực Thái Bình Dương với khu vực Ấn Độ Dương. Bốn nước này cùng theo đuổi mưu tính trở thành “Tứ trụ” và gây dựng khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương thành khu vực lớn chỉ có họ đóng vai trò dẫn dắt và chi phối trong khi tất cả các nước khác trong khu vực, kể cả Trung Quốc chỉ là những đối tác tham gia. Ngay từ đầu, đối phó và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã luôn là một trong những mục tiêu chính của ý tưởng này.
Ở Nhật Bản năm nay, bộ tứ ấy cũng thảo luận để vừa thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương và tay tư giữa họ với nhau cũng như để thống nhất quan điểm và phối hợp hành động về Trung Quốc. Nhưng trên phương diện quan điểm chính sách đối với Trung Quốc cũng như về triển vọng thể chế hóa hơn nữa khuôn khổ diễn đàn này, cuộc gặp của 4 vị Bộ trưởng Ngoại giao kia cho thấy bộ tứ vẫn mới chỉ là sự tụ tập ban đầu chứ chưa thể có được mức độ đáng kể nào đấy về gắn kết thành một dạng liên minh thực thụ.
Họ còn cần thời gian để ý tưởng thật sự chín muồi và được suy tính kín kẽ, được cụ thể hoá hơn nữa để thật sự khả thi và thiết thực. Họ còn cần nhiều mời chào hấp dẫn hơn nữa về những dự án hợp tác chung để thuyết phục và quyến rũ các nước trong khu vực tham gia.
Chỉ có 4 nước với nhau không thôi thì họ không thể chinh phục được cả khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nên họ phải mở cửa chào đón các đối tác khác trong khu vực, gắn kết các đối tác này với họ và phân rẽ các đối tác này với Trung Quốc.
Bộ tứ này hiện tại cũng chưa phải đã trở thành một liên minh hay liên kết kiểu mới nhằm cùng đối phó Trung Quốc. Phía Mỹ thúc đẩy rất mạnh mẽ nhưng 3 thành viên còn lại khá kiềm chế và thận trọng cho dù có cùng mục đích như Mỹ.
Nguyên do ở chỗ 3 nước ấy phải để ý đến những chuyện riêng khác nữa trong quan hệ song phương của họ với Trung Quốc, dù họ hiện đều gặp mắc mớ trong quan hệ với Trung Quốc nhưng không đến mức căng thẳng và quyết liệt đồng thời trên nhiều phương diện như giữa Mỹ. Mỹ lại sắp có bầu cử Tổng thống và Nhật Bản vừa thay đổi Thủ tướng. Nhưng chiều hướng phát triển của khuôn khổ diễn đàn thì đã rõ và tập hợp lực lượng bốn bên này rồi sẽ được tiếp tục thể chế hóa.