Chiến lược này thay thế cho chiến lược trước đây của Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giống như nhiều đối tác lớn khác trên thế giới, cả EU đến bây giờ cũng mở rộng tầm nhìn cho hoạch định chiến lược và chính sách vượt ra ngoài khuôn khổ phạm vi lâu nay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời điểm công bố này của EU đáng được chú ý ở chỗ bốn nước được gọi là “Bộ Tứ kim cương” vốn tự nhận là hình ảnh đại diện đặc trưng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với nhau để trở thành những tác nhân quyết định nhất đối với việc cấu trúc và gây dựng tương lai cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên mọi phương diện.
Vào cuối tháng 9 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đăng cai tổ chức cuộc gặp cấp cao trực tiếp của bộ tứ ở Mỹ. Ngay trước khi EC đưa ra tuyên cáo nói trên, bộ ba Mỹ, Anh và Australia thành lập một liên minh an ninh mới với khu vực hoạt động chính cũng là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thỏa thuận này có thể làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện chính trị an ninh ở khu vực lớn này, trong đó có liên quan trực tiếp đến cuộc cạnh tranh chiến lược của họ với Trung Quốc tại nơi đây.
Chiến lược của EU cho thấy theo đuổi mục tiêu có vai trò trong những gì diễn ra và sẽ còn diễn ra ở khu vực xa và muốn có phần trong mâm cỗ ở đấy. Chiến lược này chẳng khác gì là lời mời chào của EU gửi tới tất cả các đối tác trong khu vực về hợp tác với EU, họ cần sự hợp tác này và mối quan hệ hợp tác trên mọi phương diện với các đối tác trong khu vực để có chân và có phần trong khu vực. EU chủ ý tự giới thiệu là sự bổ sung chứ không phải là sự lựa chọn thay thế để các đối tác trong khu vực không bị khó xử khi quyết định lựa chọn đối tác hợp tác cho họ.
EU dễ thành công hơn nhiều đối tác khác với việc thực hiện chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì cho tới nay đã có được quan hệ song phương tốt đẹp với đại đa số các quốc gia và đối tác trong khu vực, bởi những nội dung cụ thể trong chiến lược rất đa dạng và dễ được các đối tác trong khu vực chấp nhận.
Cái khó đối với EU trong chuyện này là vẫn thường tự ràng buộc vào một số điều kiện chính trị tiên quyết mà không phải đối tác nào trong khu vực cũng đều sẵn sàng đáp ứng để đổi lấy sự hợp tác trên các phương diện khác với EU. Ngoài ra, những đối tác khác thực hiện chiến lược riêng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ganh đua quyết liệt với EU ở chính khu vực này.