Khoản 22 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, quy định: “MXH (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Trong thời buổi công nghệ viễn thông phát triển như hiện nay, MXH có những mặt tích cực, ví như những tiện ích mà nó mang lại cho cộng đồng như sử dụng MXH trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động từ thiện…
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, MXH còn là nơi phát tán nhiều thông tin “nhảm” nhất. Đã có một số trường hợp các học trò gây ấn tượng với bạn bè bằng cách chửi bới thầy cô trên facebook, hoặc có những hành động vi phạm pháp luật như giết voọc quý rồi lột da… rồi khoe trên facebook... Gần đây có trường hợp một người bố đã bức xúc gửi đơn đề nghị cơ quan công an điều tra một người có địa chỉ facebook tương đối “kêu” có những bài viết thô tục, không đúng sự thật, vu khống con gái của anh, ảnh hưởng đến thanh danh gia đình và cháu bé, làm cho cháu bé bị sa sút tinh thần, không dám ra đường hay gặp ai, không dám đi học, gia đình đã phải chuyển cháu vào miền Nam để tiếp tục đi học.
Để phát triển quản lý Internet và thông tin trên mạng, Điều 4 Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định: “1. Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. 2. Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet. 3. Phát triển hạ tầng Internet băng rộng đến trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, thư viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các điểm truy nhập Internet công cộng và hộ gia đình. Chú trọng việc phổ cập dịch vụ Internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 4. Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh, thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet. 5. Bảo đảm chỉ những thông tin hợp pháp theo pháp luật Việt Nam mới được truyền, kể cả truyền qua biên giới, đến người sử dụng Internet tại Việt Nam...”.
Các nhà làm luật đã lường trước được một số hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật, nên Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định các hành vi bị cấm như sau: “1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...”.
Ngay ở quốc gia có tiếng là “tự do, dân chủ” như Hoa Kỳ thì chế tài trong lĩnh vực thông tin mạng cũng rất nghiêm khắc. Theo báo NewYork Daily, hồi tháng 9/2012, một người đàn ông ở bang Bắc Carolina đã bị bắt vì đã viết nhiều tin nhắn lên trang Twitter với nội dung dọa giết Tổng thống Obama.
Chớ đem mạng xã hội ra làm trò đùa, bởi phát ngôn bừa bãi đều có thể bị xử phạt. Khi quen với việc trao đổi, tiếp nhận thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và nút Like trên Facebook, bạn ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Điều này khiến thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ ngoài đời thực trở nên ít ỏi, người dùng đôi khi lại không có thói quen kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội có đúng không, có vi phạm pháp luật không, dẫn đến có những phát ngôn, hình ảnh…vi phạm pháp luật. Nên nhớ rằng mạng xã hội là ảo nhưng chế tài xử phạt thì là “thật”. Hãy sống có trách nhiệm và hiểu biết pháp luật.
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ