Trong câu chuyện ấy, chỉ mình Khoa Pug được lợi khi nhận được sự đồng cảm của cư dân mạng, nhận hàng chục triệu lượt view cùng với doanh thu từ Youtube.
Có rất nhiều sự việc như vậy đã xảy ra. Một thông tin được “quẳng” lên mạng, lập tức mạng xã hội lao nhao, dư luận ồn ào. Không ít trường hợp, chỉ vì một bức ảnh, đoạn clip, câu chuyện chưa rõ thực hư, một làn sóng sôi sục đã dấy lên, đẩy nhiều người vào tình cảnh trớ trêu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Nhiều vlogger, người nổi tiếng, có nhiều fan hâm mộ, mặc định tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng và độ tin cậy nhất định, nếu ý thức được sức mạnh ấy để hành xử chuẩn mực thì không nói, nhưng cũng không ít người, thể hiện sức mạnh bằng hành vi lệch chuẩn, tạo “sóng gió” bắt nguồn từ vài phát ngôn.
Như sự việc Đàm Vĩnh Hưng lên mạng treo thưởng những ai tới “trừng trị” người cha trong clip tát con, hậu quả là hàng trăm người đã kéo nhau đến làm loạn cả một vùng quê, tự ý phán xét bằng bạo lực một con người.
Còn có cả những “hội nhiều chuyện”, “hội khẩu nghiệp”, mà ở đó, khi các thành viên không vừa lòng bất cứ chuyện gì, có thể đăng lên giải tỏa, hoặc kêu gọi “cả hội” cùng tẩy chay, đòi lại công bằng hộ mình. Không ít người đã trở thành những nạn nhân oan ức của bài đăng ấy, bất chấp đúng sai, chỉ vì một bộ phận cư dân mạng thích a dua, quá khích.
Mạng xã hội không thể thay thế cho cuộc sống thật, không thể thay luật pháp. Và ở góc độ nào đó, những “anh hùng bàn phím” không thể trở thành “hiệp sĩ” thật ở ngoài đời. Nhưng tiếc rằng, sự ảo tưởng sức mạnh giờ đây quá phổ biến và vì được tung hô, ủng hộ bởi một bộ phận cư dân mạng dễ dãi, nên hậu quả của hành vi ngày càng đi xa, khó lường hơn.