Bùi Văn Ba suy nghĩ và kể lại: “Tôi lo đứng tim và phỏng đoán, chắc địch biết được kế hoạch của ta nên cho quân chặn đánh trước, làm sao bây giờ, nếu chúng phát hiện được thì chỉ còn cách nổ súng, kế hoạch trận đánh coi như tiêu tan. Bọn lính vẫn chạy loang loáng cách chỗ tôi nằm chừng mươi thước. Bỗng ào một cái, cả đám lính lại tập họp, nhảy lên xe. Ai nấy thở phào đứng dậy. Thì ra toán lính chết tiệt này đi tập ban đêm”.
Tiếp cận mục tiêu
Toàn đội áp sát đường mương dọc theo bờ dứa dại. Vào mùa khô, lòng mương cạn, chỉ cần lách những chùm dứa dại, lội qua là đã tiếp cận được hàng rào. Nhưng chẳng may cho toàn đội vì có một tên lính gác đang “gù” một con điếm bên cạnh bờ, hai đứa “quần lộn” không dứt ra được. Thế mới gay go. Chừng ấy con người trong đội qua lòng mương là lộ ngay. Một anh trong tổ sốt ruột hỏi chỉ huy: - Giờ làm sao anh Ba?
“Anh Ba Huỳnh ra giấu gọi anh Hai và tôi lại nói: - Phải bắt gọn cả hai đứa chớ “chờ” chúng sao được, sắp trễ giờ rồi. Tôi chưa trả lời, nghĩ bụng nếu bắt chúng thì phải mất hai người canh giữ, vũ khí nặng nề thế này, ai sẽ mang vào... Chúng tôi đang tính như vậy thì vừa lúc thằng lính và con điếm đứng dậy, dắt nhau về... Lúc này đã 9 giờ đêm. Thời gian như người chạy thi đuổi theo chúng tôi sát nút”.
Đội hình chiến đấu trong tổ có thay đổi. Bùi Văn Ba và đồng chí Trơn dẫn đầu hai mũi, đồng chí chỉ huy trưởng đi giữa, Phạm Văn Hai đi sau cùng để xoá các dấu vết, nếu trường hợp bị lộ thì dẫn đường cho đơn vị rút lui vì anh rất rành đường trong nội thành.
Anh em trườn qua được chừng hai trăm mét, sắp vượt con lộ có bố trí tập trung những trụ đèn chùm rất sáng trước hàng rào thứ tư thì một toán lính tuần tra đi tới. Bùi Văn Ba liền tụt xuống đường mương và làm hiệu cho mọi người phía sau nằm rạp xuống. Những con chó bẹc-giê cao lồng ngồng đi trước bọn lính nhưng sao mãi không nghe chúng khịt mũi. Có lẽ sương đêm xuống dày làm cho chúng bớt nhạy cảm giác nên có nhiều tên lính và chó đi lướt qua chỗ Ba nằm rồi đi luôn. “Tôi nhỏm dậy thấy anh em còn nằm chờ đợi. Biết chắc là địch không thể phát hiện được, tôi ra dấu cho tất cả lao nhanh qua đường. Cứ thế, bằng kỹ thuật đặc công, chúng tôi qua khỏi 12 lớp rào đi vào trong lô cao su”. Nhưng những bất trắc khác còn đeo đuổi riết như muốn thử thách mọi ngưởi. Một chiếc xe bọc sắt trờ tới, hụ máy vang động rừng cây. Loáng một cái, ánh đèn pha đã quét tứ tung lên cây cối. Cả đội nằm dán người xuống các hố trũng lẫn với màu đất, chờ địch đi qua. Ánh đèn quét xa dần rồi mất hẳn. Rừng cao su tối sầm lại và tĩnh mịch như một vùng hoang vắng.
Đội hình áp sát mục tiêu thì dừng lại. Đồng chí chỉ huy ra lệnh chuẩn bị các động tác để vào kho bom. Các chiến đấu viên mở ba lô lấy trái ra cho kíp vào vì khi đi đường mỗi thứ đều để riêng. Thực hiện xong những động tác kỹ thuật thì kim đồng hồ đã chỉ 11 giờ.
Quyết đánh
“Các kho bom đạn hiện ra nguyên vẹn như hôm chúng tôi đi trinh sát lần cuối, chưa có một hiện tượng thay đổi, di chuyển gì, khiến cho tôi rất yên tâm. Bao nhiêu ngày gian khổ, lo lắng, chờ đợi dồn vào từng giây phút quyết định này. Theo ám hiệu của chỉ huy trưởng, từng chiến sĩ leo vào các kho để đặt trái. Không gian vẫn chìm trong màn đêm yên tĩnh. Tôi có cảm tưởng như thiên nhiên và thời gian cũng hết lòng ủng hộ chúng tôi trong đêm ấy”.
Tổ của anh Hai thực hiện xong việc gài mìn vào 4 kho đạn liền vượt qua bãi trống để vào đặt mìn ở dãy kho bom bên kia đường. Đang chạy thì bỗng một con chó bẹc-giê không biết từ đâu xông lại. Tình thế tưởng như nguy kịch thì đột nhiên nó lại rẽ sang hướng khác. Đúng là đêm đó xui mà hên (may), không biết mấy lần cả đội thoát những tình huống hiểm nghèo. Bùi Văn Ba và anh Hai vừa bố trí mìn vừa theo sát kiểm tra kỹ thuật đặt trái của từng anh em.
Sau một giờ căng thẳng, gấp rút, việc đặt mìn hoàn tất. Toàn đội im lặng rút ra theo lối đã vào. “Tôi nghe lòng mình khoan khoái, nhẹ nhõm lạ thường. Nghĩ tới kho đạn mà thực dân Pháp ngày đêm dùng để gieo cảnh máu chảy đầu rơi xuống đồng bào sắp nổ tung, lòng tôi tự nhủ nếu bây giờ có hy sinh thì tôi cũng không ân hận chút nào. Nghĩ miên man vậy thôi chớ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, toàn đội đã rút ra khỏi hàng rào cuối cùng. Chúng tôi lại xổng lưng, đi thoải mái, bỏ lại phía sau các kho bom của giặc chỉ chờ đến giờ khai tử. Có thể nói không ai vui sướng bằng chúng tôi lúc này. Tất cả đều nôn nao chờ đợi tiếng nổ hay đúng hơn là chờ đợi loạt nổ dây chuyền”.
Mọi người bước đi trong sự hồi hộp cao độ. Khi đã đi xa kho bom chừng 3km, vẫn cứ im lặng, sự im lặng thật nặng nề, bồn chồn khó tả. Bỗng một tiếng nổ vang rền kéo theo hàng loạt tiếng nổ khác khiến toàn đội quay phắt lại phía kho bom. Một đám lửa đỏ rực bay lên cao. Tất cả hò reo sung sướng. “Nổ rồi!Bắt đầu rồi đó!”
“Nỗi vui mừng của chúng tôi như được nhân lên khi nghe những tiếng nổ liên tiếp làm bùng lên những quầng lửa đỏ trời. Chúng tôi đứng cả lại, ngắm nhìn cho đã mắt. Tiếng nổ càng lúc càng rền vang dữ dội, đất dưới chân rung chuyển. Chúng tôi phân biệt rõ các tiếng nổ lớn là bom, tiếng lụp bụp liên hồi là các loại đạn pháo các cỡ. Chúng đang bị kích thích nổ theo dây chuyền. Trong hàng loạt tiếng nổ như trời giông, một tháp lửa bỗng dựng lên đỏ rực giữa bầu trời. Chúng tôi lại reo lên: Kho xăng cháy! Các anh em trong đội rút về căn cứ trong niềm vui hả hê. Sau lưng chúng tôi những tiếng nổ cứ nối nhau rền rền không dứt...”
Xóa sổ 9000 tấn bom
Sáng ngày 1/06/1954, cả Sài Gòn vẫn còn rung chuyển vì tiếng bom đạn nổ dữ dội. Kho dự trữ chiến lược của giặc chìm trong biển lửa. Địch trong thành phố náo động, hốt hoảng và hoang mang cực độ. Chúng cấm hết các ngả đường quanh khu vực kho bom. Hai chiếc máy bay bốn động cơ Priva tơ bay lên quần đảo, thả cát bột và khí các-bon cứu kho bom nhưng lửa vẫn cháy táp loang rộng khắp nơi. Đúng lúc đó kho bom 500 kg nổ xé trời đùn không khí và lửa lên cao khiến hai chiếc máy bay hốt hoảng chuồn thẳng. Một tiểu đoàn 400 lính cứu hỏa Pháp được điều tới cứu nguy. Bọn này vô cùng sợ hãi trước cảnh lửa đạn mù mịt nhưng vẫn liều mạng xông vào theo lệnh chỉ huy. Nhưng chỉ một lúc sau, tiểu đoàn lính “chữa cháy” này bị tiêu hao gần nửa quân số. Tình thế khá tuyệt vọng khiến tên quan tư chỉ huy việc cứu kho bom tức giận, cầm roi gân bò quất tới tấp vào bọn lính xua chúng trở vào. Nhưng rồi chính hắn cũng bị chết gục tại chỗ vì mảnh bom phang trúng ngực.
Mọi biện pháp của địch để cứu chữa kho bom đều vô hiệu. Bom đạn vẫn nổ liên tiếp hai ngày đêm. Sau đó báo chí Sài Gòn đã liên tục đăng những bài và ảnh thú nhận sự thiệt hại của chúng.
Về phía ta, Bộ chỉ huy đặc công nhận được tin từ cơ sở báo về là ta đã phá hủy trên 9.000 tấn bom đạn, đốt cháy 10 triệu lít xăng, làm chết và bị thương gần một tiểu đoàn lính Pháp và lính Âu - Phi.
Trận đánh đã giáng thêm một đòn sấm sét vào thực dân Pháp ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định hợp đồng với các đơn vị ở chiến trường Điện Biên Phủ nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Đông Dương.
Chân dung anh hùng Phạm Văn Hai |
Tạp chí “Đại học quân sự ngày nay” của Mỹ đã ghi: Đây là một trong các trận đánh lớn làm thay đổi so sánh lực lượng, là một trận đau nhất... cho giới quân sự Pháp...
Sau trận đánh, đơn vị được cấp trên tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhì. Bùi Văn Ba, anh Phạm Văn Hai và Tạ Minh Dục đều được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Hai người góp phần chủ yếu làm nên chiến công vang dội này là Bùi Văn Ba và Phạm Văn Hai, những chiến sĩ đặc công của tiểu đoàn Quyết Tử 950 thuộc đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.../.