Chặn trạm BOT để phản đối
Dự án nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình được thực hiện theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, do Liên danh Tổng Công ty 36, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội, Công ty Cổ phần Trường Lộc làm chủ đầu tư. Trạm thu phí của tuyến đường được xây dựng ở giữa thị trấn Lương Sơn.
Tuyến đường dài hơn 30km, được đưa vào sử dụng khoảng một tháng nay. Bắt đầu từ 0h ngày 20/10, trạm thu phí được hoạt động. Mức thu phí được nhà đầu tư áp dụng theo Thông tư số 122 Bộ Tài chính, gồm 5 loại vé, đối với xe ô tô thấp nhất 25.000 đồng/vé, cao nhất 180.000 đồng/vé.
Ngay trong ngày đầu thu phí đã gặp phản ứng quyết liệt của người dân. Theo đó, từ sáng sớm hôm thu phí, nhiều tài xế khi qua BOT đã dừng lại không mua vé, cho rằng mức thu không hợp lí và giá cao. Đến khoảng 7h30, số lượng tài xế không mua vé lên đến hàng chục, khiến tắc đường dài hơn 1km.
Lực lượng CSGT, cảnh sát hình sự, thanh tra giao thông có mặt để phân luồng giao thông. Khoảng hai tiếng sau, các xe tải, xe khách chạy tuyến đường dài Sơn La – Hà Nội, Hòa Bình – Hải Phòng mới chịu mua vé qua trạm.
Lúc này, theo quan sát, hai bên trạm vẫn còn khoảng 20 xe tải, chủ yếu chủ xe ở khu vực thị trấn Lương Sơn, không chịu mua vé, phản đối quyết liệt. Một số tài xế phản ánh, họ sinh sống trong thị trấn Lương Sơn, hàng ngày thường xuyên đi lại trong thị trấn. Vậy nhưng BOT thu phí nằm giữa thị trấn khiến việc đi lại bị mất phí. “Chỉ một lượt xe đi và về, chúng tôi đã mất 50.000 đồng”, một tài xế phản ánh.
Dư luận xấu về BOT
Trước phản ứng này, lãnh đạo Công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình đã có mặt đối thoại với các chủ phương tiện. Ông Trần Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty trên giải thích, việc thu phí BOT là quyết định của Nhà nước, công ty chỉ là đơn vị thực hiện. Trước thắc mắc của người dân thị trấn về việc họ đi lại trong khu dân cư bằng ô tô cũng bị thu phí, lãnh đạo công ty trên hứa sẽ cùng các cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết.
Trao đổi với PLVN, ông Hoàng Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn cho biết, trạm thu phí nằm giữa tiểu khu 3 và 4 của thị trấn, trong khu dân cư nhiều người đi lại, cắt thị trấn thành hai phần. “Sau khi người dân và tài xế phản ứng, lãnh đạo chủ đầu tư, lãnh đạo thị trấn và huyện Lương Sơn đã thống nhất sẽ họp bàn, đưa ra giải pháp hợp lí, tránh gây khó khăn cho việc đi lại của người dân thị trấn”, ông Phó Chủ tịch thị trấn cho biết. Ông cũng thừa nhận, dù dân thị trấn không làm nông nghiệp nhưng chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, mức sống chưa cao, việc đi lại trong thị trấn cũng mất phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Đặc biệt, điều này có thể gây dư luận không tốt về hình thức xã hội hóa xây dựng đường giao thông theo mô hình BOT.