Ai kiểm soát thời gian thu phí Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát?

Trạm thu phí Hoàng Mai thuộc Dự án Nghi Sơn - Cầu Giát
Trạm thu phí Hoàng Mai thuộc Dự án Nghi Sơn - Cầu Giát
(PLO) - Dự án BOT quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) đang vướng nghi vấn đội vốn công trình. Vì thế, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án cũng đang bị cho là thiếu chính xác?. PLVN phỏng vấn đại diện Bộ Tài chính - cơ quan ban hành các thông tư quy định về mức, chế độ thu phí đối với các dự án đường bộ, trong đó có dự án nói trên.
Bộ Tài chính quản khung giá 
Ngày 8/1/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Văn bản số 184/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính cho biết, Dự án BOT QL1A đoạn km368+400 (Nghi Sơn) - km402+330 (Cầu Giát) có tổng mức đầu tư  3.627 tỷ đồng (tròn số) do Liên danh Cienco 4 và TCty 319 đầu tư, dự kiến sẽ thu phí hoàn vốn trong vòng 17 năm 5 tháng 15 ngày. 
Tại thời điểm phát văn bản, Bộ GTVT thông tin thêm: “Công trình đã cơ bản hoàn thành và đang triển khai các thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng nên việc nhà đầu tư đề xuất cho phép thu phí sớm là phù hợp”. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận việc thu phí đối với Dự án Nghi Sơn - Cầu Giát. 
Phúc đáp văn bản trên, ngày 18/3/2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2015/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cho dự án này. Tuy nhiên, mới đây kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng lại cho rằng, chi phí đầu tư cho Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát chỉ hết hơn 2.378 tỷ đồng - tức có sự chênh lệch về vốn lên tới hơn 1.200 tỷ đồng? Vì thế, dẫn tới việc tính toán đưa ra thời gian thu phí hoàn vốn thiếu chính xác.
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói: “Thời gian thu phí hoàn vốn đối với dự án được tính toán dựa trên cơ sở Hợp đồng BOT đã được ký giữa Bộ GTVT và Liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - TCty 319. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm thẩm tra và thẩm quyền ra quyết định cụ thể về phương án, thời gian thu phí đối với BOT này thuộc về Bộ GTVT”.
Phó Vụ trưởng Vũ Khắc Liêm
Phó Vụ trưởng Vũ Khắc Liêm 
Vậy, trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Tài chính là gì, bởi nếu chưa có văn bản đồng ý của Bộ Tài chính thì các nhà đầu tư BOT đâu được tiến hành việc thu phí?
- Đối với những Dự án đường bộ BOT, Bộ Tài chính chỉ tham gia ban hành chính sách thu. Cụ thể, chúng tôi chỉ ra thông tư quy định việc thu phí sao cho đúng với khung mà Nhà nước đã quy định trong các văn bản liên quan đến lĩnh vực phí và lệ phí. Chẳng hạn như quy định đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe từ 12 - 30 chỗ ngồi... vé lượt, vé tháng, vé quý qua trạm cụ thể là bao nhiêu tiền mà thôi. 
Quy trình để ra một thông tư quy định việc thu phí đối với một dự án BOT cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Sau khi một dự án đường bộ cơ bản hoàn thành, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị mức thu cho từng loại xe tương ứng. Bộ Tài chính sau khi tiếp nhận đề nghị này sẽ giao cho Vụ Chính sách thuế phối hợp với các Vụ: Hành chính sự nghiệp, Pháp chế, Đầu tư để tiến hành xem xét. Sau đó, Bộ Tài chính ban hành dự thảo thông tư về mức thu gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành, đồng thời đăng tải công khai trên website để lấy ý kiến. Kết thúc giai đoạn này, Bộ Tài chính mới chính thức ban hành thông tư cho dự án đó, và sau đó các nhà đầu tư làm căn cứ để tiến hành việc thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí của mình.
Thời gian thu, ai kiểm soát? 
Giả thiết, nếu một dự án có việc man khai tổng mức đầu tư, có nghĩa số liệu đầu vào không chính xác dẫn tới việc tính toán thời gian thu phí không chính xác theo (thường là kéo dài thời gian) thì việc phát hiện xử lý vấn đề này như thế nào?
- Việc này nếu có thì cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm quyền của Bộ GTVT. Bởi từ khâu đàm phán ký kết hợp đồng, xác định tổng mức đầu tư, dự kiến thời gian thu phí... là câu chuyện giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư BOT nên việc tính toán cũng như thẩm quyền quyết định phương án, thời gian thu phí trong bao lâu là do Bộ GTVT. Bộ Tài chính không có thẩm quyền cũng như điều kiện để kiểm tra việc ấn định thời gian thu phí đối với một dự án dài, ngắn đã chính xác hay chưa. 
Vì thế, trong các thông tư ban hành mức thu đối với từng dự án BOT, Bộ Tài chính  thường có câu: “Thời gian bắt đầu thu phí theo mức phí tại thông tư này kể từ khi có đủ điều kiện sau: Dự án được Bộ GTVT cho phép nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng; được Bộ GTVT ban hành quyết định cho phép thu phí”. 
Cảm ơn ông!
Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất những gì cho BOT Nghi Sơn - Cầu Giát?
Theo nguồn tin của PLVN, trước khi Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát chính thức thu phí hoàn vốn, Bộ GTVT đã đề xuất mức thu phí từ 1/1/2016 - 31/12/2018 cho dự án này với xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn… là 140.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên là 200.000 đồng/vé/lượt. Nhưng, đề xuất này sau đó đã không được Bộ Tài chính chấp thuận, vì thế đã phải giảm xuống 120.000 đồng và 180.000 đồng/vé/lượt tương ứng với hai loại xe nói trên.
Ngoài ra, Bộ GTVT còn đề xuất “sau đó cứ 3 năm tiếp theo lại điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng thêm 18%”. Tuy nhiên, đề xuất này cũng không được Bộ Tài chính đề cập cụ thể trong Thông tư quy định mức thu phí đối với Dự án BOT QL1A Nghi Sơn - Cầu Giát.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.