Thời nay, các bên tham gia chiến tranh hay xung đột vũ trang thường viện dẫn luật pháp quốc tế để biện minh cho quyết định phát động chiến tranh hay tham dự vào cuộc xung đột vũ trang, hoặc để tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế và dư luận thế giới.
Vì thế, cách hiểu về luật pháp quốc tế, viện dẫn luật pháp quốc tế, công khai lý giải luật pháp quốc tế để rồi vận dụng luật pháp quốc tế của các bên liên quan không những chỉ rất khác nhau mà thậm chí còn có thể trái ngược nhau.
Trong chuyện chiến sự hiện tại, phía Ukraine và những đối tác như Mỹ, EU, NATO... cho rằng Nga đã phát động chiến tranh nhằm vào Ukraine và xâm lược Ukraine, đã vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn sai trái. Còn Nga chỉ coi đấy là một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và giải thích phải hành động như vậy vì Ukraine đã trở thành mối đe doạ an ninh trực tiếp đối với Nga.
Vì thế, Nga phải đối phó và chỉ hành động như vậy sau khi mọi cảnh báo và răn đe của Nga đều bị Ukraine và những đối tác kia bất chấp. Luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia thực thi quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ và bảo đảm an ninh quốc gia. Đối địch không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn cả trong cách hiểu, lý giải và vận dụng luật pháp quốc tế.
Liên quan đến câu chuyện hiện thời sự thế giới hàng đầu này còn có nhiều ví dụ về tình trạng luật ở lập luận. Chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU) quyết định chi 500 triệu euro cho chính phủ Ukraine mua sắm vũ khí. EU là một liên minh chứ không phải là nhà nước, quốc gia nên không có vũ khí và thiết bị quân sự riêng để có thể vũ trang cho Ukraine.
Trong thực chất, EU chi tiền cho Ukraine mua vũ khí hay cung ứng vũ khí cho Ukraine đâu có khác gì nhau. Vấn đề ở chỗ luật pháp và quy định hiện hành của EU không cho phép EU cung ứng vũ khí cho các bên tiến hành chiến tranh hay tham dự xung đột vũ trang.
Trong ngân sách hàng năm của EU cũng không có mục dự trù chi cho đối tác bên ngoài mua sắm vũ khí. Nhưng EU vẫn hành động như vậy với viện dẫn tình huống và tình thế đặc biệt và cần thiết phải hậu thuẫn thiết thực chứ không chỉ ủng hộ chính trị suông để giúp Ukraine giao tranh vũ trang với Nga. Ở đây, luật bị bẻ theo lập luận.
Hay như ở nước Đức, Chính phủ Đức quyết định cung cấp vũ khí chống tăng cho quân đội Ukraine, trong khi hiến pháp hiện hành ở nước này cấm xuất khẩu vũ khí sang khu vực có xung đột vũ trang hay chiến tranh, cấm cung ứng vũ khí cho các bên tham chiến. Quyết định nói trên được Chính phủ Đức lập luận bằng sự cần thiết nảy sinh từ tình thế hiện tại. Ở đây có chuyện không phải sửa đổi hiến pháp mà hiểu và vận dụng hiến pháp theo cách khác trong bối cảnh tình hình và trường hợp đặc biệt.
Trong sự ồn ào và hỗn loạn chung ở châu Âu hiện tại gốc rễ từ chiến sự giữa Nga và Ukraine, khía cạnh pháp lý quốc tế của mọi quyết sách của các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp và tác động pháp lý quốc tế của mọi diễn biến tình hình trên thưc địa đều được đề cập đến nhưng rồi nhanh chóng bị chìm nghỉm. Phải sau khi chiến sự chấm dứt và các bên liên quan cùng nhau xử lý hậu quả và hệ lụy của cuộc chiến thì khía cạnh pháp lý quốc tế sẽ lại nổi cộm và đóng vai trò quan trọng.