Vai trò của di sản tư liệu trong chuyến hồi hương của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Ngày 18/11/2023, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã về tới Việt Nam. Trước đó, ngày 16/11, lễ chuyển giao ấn vàng - báu vật hoàng cung của triều Nguyễn ở Việt Nam đã được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris. Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một tài sản quốc gia mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trong lịch sử quốc gia cũng như trong công tác bảo tồn di sản quốc gia, các cơ quan, đơn vị và cá nhân hảo tâm đã có sự phối hợp chặt chẽ, “hợp đồng tác chiến” trong hành trình hơn một năm đưa ấn vàng hồi hương, trong đó có sự đóng góp của “tiếng nói pháp lý cất lên” từ tài liệu lưu trữ thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từng thuộc về Bảo Đại - vị vua thứ 13 của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam. Sau khi được cựu hoàng Bảo Đại trao lại cho đại diện cách mạng, bộ ấn kiếm được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ độc lập vào ngày 2/9/1945. Cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên trước khi rút lên Việt Bắc trường kỳ kháng chiến đã đem giấu chúng vào vách một ngôi nhà trong làng ở ngoại thành Hà Nội.
Trong cuốn “Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945)” của tác giả Dương Trung Quốc (NXB Giáo dục, 2003), bảo vật của triều Nguyễn được phát hiện tại xã Nghĩa Đô, quận hành chính Quảng Bá – Yên Thái vào năm 1952. Nội dung cuốn sách thuật lại: “Báo cáo ngày 28/2/1952 của Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá - Yên Thái gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long, trong hồ sơ số 16 phông Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam tại Đà Lạt có ghi: “Trân trọng trình ông rõ: hồi quá trưa ngày 28/2/1952 hôm nay, được tin mật báo là công nhân của tiểu đoàn nhảy dù 2è BBC đóng tại Liễu Giai đi tìm gạch vỡ tại một ngôi nhà tàn phá trong Nghĩa Đô, tìm kiếm đào chân móng đã thấy một ống kẽm và một hộp kẽm trong đựng một thanh kiếm và một ấn vàng. Tôi thân đến liên lạc với vị chỉ huy là thiếu tá Toce Raymond thì vị võ quan này nói là cũng sắp báo tôi biết về việc đó”.
Theo thông tin tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nội dung trên trùng khớp với nội dung trong biên bản về việc phát hiện ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô lập hồi 16h ngày 28/2/1952 trong hồ sơ số 3262, phông Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Ghi chép tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cung cấp thêm, báo cáo ngày 28/2/1952 có ghi: “Nơi tìm thấy quốc bảo là chân móng ngôi nhà bị tàn phá hết cả tường của Hà Văn Dô (Hà Văn Đô/ Hà Đô?) tậu tại làng Nghĩa Đô, mà Đô hiện nay còn ở hậu phương, có lẽ là một nhân viên quan trọng của Việt Minh… bộ đội Việt Minh có đóng ở nhà đó ít lâu, rồi sau quân đội Pháp tấn công, họ rút lui. Có lẽ ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đem chôn giấu vào móng tường nhà này”.
Theo tư liệu, năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời vào năm 1997, Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo,” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được ủy quyền cho hãng Millon rao bán đấu giá tháng 11/2022.
Qua câu chuyện về di sản tư liệu trong chuyến hồi hương của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có thể thấy vai trò quan trọng của di sản tư liệu trong công cuộc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quốc gia. Nhưng có một thực tế cần nhìn nhận rằng di sản tư liệu vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.
Trao đổi tại tọa đàm “Chia sẻ ký ức, phát huy di sản” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức tháng 2/2023, ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết: “Ngày 16/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2023/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, trong đó có nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản tư liệu. Bộ VHTTDL xây dựng Luật di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua vào năm 2024, trong đó có nội dung về di sản tài liệu. Đây là công cụ pháp lý cao nhất để bảo vệ các tài liệu lưu trữ nói chung, di sản tư liệu nói riêng”.
Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các bảo tàng, di tích, các trung tâm lưu trữ thì còn rất nhiều tư liệu thuộc bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức, hay kỷ vật của các gia đình, dòng họ. Mới đây, một trang web giới thiệu kho tư liệu ảnh khoa học di sản chung của Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã được ra mắt. Thư viện ảnh chung tập hợp gần 70.000 bức ảnh được chụp tại Việt Nam và ở nhiều nước châu Á khác trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1980. Trong số ảnh đó, có rất nhiều bức có được nhờ sự đóng góp, biếu tặng của các nhà nghiên cứu, du khách, cơ quan chính phủ...
Đây là minh chứng gần nhất cho thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ tư liệu, chia sẻ thông tin và cần có những hoạt động như trưng bày triển lãm, làm phim, xuất bản sách để khuyến khích sự tham gia chia sẻ ký ức, tư liệu từ cộng đồng cũng như hành lang pháp lý để điều chỉnh, bảo vệ.
Sửa luật để phát huy giá trị di sản tư liệu
Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh. Ảnh minh họa. Nguồn TTLTQGQ1. |
Có thể nói, việc đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này nhằm khắc phục những bất cập khi loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Ngày 13/11/2023, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội nghị - hội thảo xin ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 44 điểm cầu ở trong nước. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều với một số những nội dung mới và lần đầu tiên xuất hiện, trong đó có nội dung liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; hợp tác quốc tế về di sản văn hóa...
Đây là lần thứ 3, Bộ VHTTDL tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật trên quy mô lớn để sớm hoàn thiện văn bản theo đúng tiến độ đề ra trên tinh thần đảm bảo có được chính sách phù hợp nhất với thực tiễn. Các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực di sản văn hóa đã nêu ý kiến làm rõ hơn việc cụ thể hóa các chính sách đã được xác định trong hồ sơ dự án xây dựng Luật thông qua 6 nhóm vấn đề bao gồm: hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị tổng thể di sản văn hóa; quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, ở lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu...
Riêng về di sản tư liệu được thể hiện ở Chương V: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 17 điều, từ điều 85 đến điều 101, với các nội những nội dung chủ yếu là: Phân loại di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia và UNESCO; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa Di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi Danh mục quốc gia và Danh mục di sản tư liệu của UNESCO. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 11 di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Bảo quản; Bản sao; Đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước Quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu...
Việt Nam là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027
Ngày 22/11, tại thủ đô Paris, Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO. Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản Thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản thế giới tại Việt Nam.