Ở nước Mỹ, rất nhiều vị dân biểu lên tiếng thôi thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt hiệu lực của một bộ luật được ban hành năm 1920, tức là cách đây 102 năm. Nghe qua thôi cũng đã có cảm giác là yêu cầu đòi hỏi này của các vị dân biểu không phải không có lý bởi thế giới và nước Mỹ đã thay đổi rất cơ bản, rất sâu sắc trên mọi phương diện trong thời gian hơn một thế kỷ qua. Trong thực chất thì chỉ có một nửa như vậy.
Bộ luật này có tên gọi là Luật Jones Act. Nó được soạn thảo, thông qua và có hiệu lực năm 1920 với hai mục đích là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tầu và vận tải biển và bảo toàn lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ, cụ thể là quân sự và quốc phòng.
Nội dung chính của nó là quy định bắt buộc phải dùng tầu thuỷ đóng ở nước Mỹ để vận chuyển dầu lửa và hàng hóa giữa các hải cảng của nước Mỹ. Không chỉ có như thế, toàn bộ thuỷ thủ đoàn trên các con tầu vận chuyển kia đều phải là công dân Mỹ.
Khi soạn thảo và thông qua bộ luận này, các vị dân biểu trong lưỡng viện lập pháp Mỹ đã tính đến tình huống xảy ra chiến tranh giữa nước Mỹ và nước ngoài. Trong mưu tính của họ, bộ luật này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tầu và vận tải biển ở nước Mỹ phát triển mạnh mẽ, hải quân Mỹ sẽ rất hùng mạnh, đồng thời loại bỏ được hoàn toàn mọi rủi ro đối với an ninh quốc gia trong trường hợp xảy ra chiến tranh với đối thủ nào đấy bên ngoài. Cả hai mục tiêu này đều có ý nghĩa chiến lược lâu dài và thiết thực trước mắt đối với nước Mỹ ở vào thời điểm bộ luật ra đời.
Hơn 100 năm sau, bộ luật này lỗi thời đối với nước Mỹ ở mục đích thứ nhất. Ngành công nghiệp đóng tầu ở nước Mỹ hiện tại chỉ còn là cái bóng của quá khứ và tụt hậu xa so với ngành công nghiệp đóng tàu biển ở nhiều nước công nghiệp phát triển như Đức hay Hàn Quốc và cả Trung Quốc nữa. Vận tải hàng hải biển trong nội địa lãnh hải nước Mỹ không thể phát triển và rất đắt đỏ bởi chỉ có rất ít con tầu vận tải biển ở nước Mỹ đáp ứng đầy đủ hai điều kiện trong bộ luật Jones Act là phải được chế tạo ở nước Mỹ và thuỷ thủ đoàn phải là công dân Mỹ.
Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy cả nước Mỹ chỉ có cả thảy 96 con tàu vận tải biển dân sự đáp ứng đủ hai điều kiện nói trên. Hệ lụy là cung ứng dầu lửa và hàng hoá bằng đường biển giữa các hải cảng, giữa đất liền và các đảo của nước Mỹ cần rất nhiều thời gian và với chi phí rất cao. Quần đảo Haiwaii là ví dụ điển hình. Quần đảo này nhập khẩu dầu lửa hoàn toàn từ nước ngoài và chuyển từ đất liền ra các đảo nên cần nhiều thời gian gấp 5 lần, chi phí cao gấp 3-4 lần so với được vận tải trực tiếp từ châu Á tới cho dù khoảng cách từ quần đảo tới đất liền của nước Mỹ ngắn hơn so với từ quần đảo tới châu Á. Chỉ có tầu chiến và tầu vận tải của quân đội Mỹ hiện đáp ứng được các điều kiện của bộ luật Jones Act.
Ông Biden xưa nay vốn không ủng hộ việc chấm dứt hiệu lực của bộ luật này vì nửa phần giá trị của bộ luật là đảm bảo an ninh quốc gia. Để cho tầu nước ngoài vận tải dầu lửa và hàng hoá giữa các hải cảng của Mỹ trong nội thủy của nước Mỹ đúng là tiềm ẩn rủi ro lớn đối với an ninh của nước Mỹ.
Vì thế, luật tuy đã trở thành đồ cổ nhưng huỷ bỏ hiệu lực của nó hay chỉnh sửa nó lại là việc đâu có dễ dàng gì trên thực tế. Bi kịch trong hoạt động lập pháp là biết cần phải bỏ luật cũ nhưng không dám bỏ, biết là phải chỉnh sửa luật đã lỗi thời hoàn toàn hay một phần nhưng lại không biết nên và cần phải chỉnh sửa như thế nào.