Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo UNESCO, một số tổ chức quốc tế và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử - văn hóa cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Mở đầu buổi lễ, bà Susan Vize, quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trao bằng chứng nhận cho các đại diện của ngành văn hóa và địa phương đón nhận thay mặt cho 21 tỉnh, thành phố có di sản "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt".
Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội bày tỏ mong mỏi Chính phủ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các thành viên "Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt" và có những chính sách bảo vệ di sản hữu hiệu, đồng thời cần không ngừng nâng cao nhận thức cho công chúng và thế hệ tương lai về các giá trị của di sản, đặc biệt là lòng bác ái và sự khoan dung.
Bộ trưởng Văn hóa- Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2017-2022. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng Di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch Di sản.
Ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng Di sản. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tới công chúng trong nước và ngoài nước, góp phần phát huy di sản bền vững...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Bộ sẽ chỉ đạo, đồng hành với các địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy Di sản này”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, các nghệ nhân đã phối hợp chính quyền tỉnh Nam Định và nhiều địa phương khác bảo tồn, phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong đời sống cộng đồng và xây dựng hồ sơ di sản; cảm ơn UNESCO đã đồng thuận ủng hộ, vinh danh di sản này của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, được sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội; bên cạnh đó còn tích hợp hài hòa nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như trang phục, dân ca, dân vũ... mang sắc thái đặc trưng của đồng bào các dân tộc, tạo nên một bức tranh đa màu sắc văn hóa của Việt Nam.
Đây là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt ra trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, cũng như sự chung tay của cả xã hội trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản, thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia và các cam kết quốc tế.
Ngoài phần nghi lễ, Lễ đón Bằng di sản còn có chương trình nghệ thật chào mừng. Chương trình được xây dựng trên nền âm nhạc chủ đạo là Hát văn, đây là một loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo gắn liền với nghi lễ Chầu văn mà Nam Định cũng chính là cái nôi của nghệ thuật này.
Nội dung chương trình nghệ thuật sẽ nhằm tôn vinh bản sắc và giá trị đặc sắc của di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đồng thời cũng phản ánh Nam Định là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa có nhiều đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
Trước đó ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước CHDC Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 11 của Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.
Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người rồi quy y Phật giáo, được tôn vinh làm “ Mẫu nhi thiên hạ”. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và trong tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.
Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng Thánh Mẫu.