Điển hình nhất là chuyện đang gây ồn ào ở Pakistan. Tại quốc gia này cách đây 2 năm xảy ra một vụ giết người rất dã man. Một cô gái bị sát hại bởi gã thanh niên trẻ không hề quen biết. Cô gái bị người kia vô cớ bắn chết ở ngay trước nhà mình. Người thanh niên này bỏ trốn và rồi bị bắt giữ sau một chiến dịch truy lùng quy mô lớn của cảnh sát và người dân.
Theo luật pháp hiện hành ở đất nước này, kẻ phạm tội giết người sẽ bị kết án tử hình. Triết lý tư pháp ở đây là nợ máu phải trả bằng máu và công lý dành cho tội sát nhân là bản án tử hình. Luật pháp nghiêm khắc và công minh rõ ràng. Tòa án cứ theo thế mà xét xử và phán quyết. Người thanh niên kia bị đưa ra xét xử và toà tuyên phạt anh ta án tử hình.
Nhưng ở xứ này đồng thời lại có cái lệ và cái lệ này được công nhận là một phần của hệ thống luật pháp hiện hành. Luật thì hiện đại nhưng lệ thì lại có nguồn gốc từ xa xưa. Bản chất của cái lệ này là có thể dùng tiền hoặc hiện vật giá trị để thay đổi bản án tử hình, có nghĩa là có thể quy đổi án tử hình ra tiền hoặc vật chất. Bao nhiêu tiền hoặc vật chất nào có thể vô hiệu hoá được bản án tử hình thì do thỏa thuận giữa hung thủ và gia đình nạn nhân hoặc do chính tòa án quyết định.
Ba điều kiện tiên quyết là gia đình nạn nhân tha thứ cho kẻ tử tù, việc tuyên bố tha thứ được tiến hành công khai trước hội đồng bô lão ở địa phương và sự tha thứ cuối cùng được tòa án chấp thuận. Quy trình xem qua thì thấy chặt chẽ vậy nhưng trên thực tế lại chỉ là hình thức. Chỉ cần gia đình nạn nhân đồng ý tha thứ thì hội đồng bô lão sẽ chấp nhận và tòa án sẽ thông qua.
Để gia đình nạn nhân đồng ý tha thứ, phía gia đình hung thủ thường dùng của cải để thuyết phục, thủ đoạn để ép buộc hoặc áp lực từ phía chính quyền để bắt buộc. Những người dân bình thường vốn luôn là kẻ thấp cổ bé họng trong những chuyện như thế này và không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài buộc phải đồng ý tha thứ cho kẻ đã lạnh lùng và tàn nhẫn cướp đi mạng sống của người thân của họ.
Ở Pakistan, người thanh niên kia hiện chỉ còn chờ sự thông qua của tòa án nữa là lại được tự do. Khoản tiền bồi thường hoặc khối vật chất bồi thường kia vì thế có tên gọi là “Tiền máu”. Nó rất đúng trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ. Chỉ cụm từ ngắn ngủi này thôi mà lại rất đủ để lột tả bản chất của cả hệ thống luật pháp và tư pháp của quốc gia này cũng như của những nơi vận dụng tương tự cả luật lẫn lệ mà lệ luôn có thể vô hiệu hoá luật.
Pakistan là một trong những quốc gia Hồi giáo nhưng không chính thức coi luật đạo Hồi là tối thượng. Nền dân chủ ở đất nước này quyết định lập pháp và hành pháp theo những tiêu chí và quy chuẩn của xã hội trong thế giới hiện đại. Vậy mà chỉ riêng trên phương diện tư pháp lại lập lờ giữa luật và lệ như vậy.
Một khi lệ lật luật hay lách luật, nới lỏng luật hay thái hoá hoá luật thì rõ ràng nhà nước pháp quyền ở những nơi ấy thực sự bất cập, lỗi thời hoặc có vấn đề gốc rễ ở đâu đó khác về chính trị hay xã hội. Tư pháp ảnh hưởng trực tiếp đến số phận và sinh mạng của con người và hiện thân cho công lý và minh bạch. Bản thân tư pháp không minh bạch và nhất quán thì sản phẩm cuối cùng của hệ thống tư pháp ấy làm sao có thể công minh và hiện thân được cho công lý.