Rủi ro, rắc rối khi không làm giấy tờ cho mượn đất
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trung không trở về quê mà chọn Phú Quốc - nơi đóng quân trước đây để an cư lạc nghiệp. Bấy giờ, đất hoang hóa rất nhiều, người dân lại ở thưa thớt nên Nhà nước khuyến khích khai khẩn, trồng các loại cây lâu năm để giữ đất, giữ rừng, góp phần bảo vệ chủ quyền nơi biên giới hải đảo.
Lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Trung ngày đêm ra sức khai hoang, phục hóa để trồng đào lộn hột từ năm 1991. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Trung vừa trồng đào, trồng tiêu lại vừa trồng các loại cây ngắn ngày khác để có cái ăn hàng ngày cho cả gia đình. Tuy cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng láng giềng nơi đây đều cư xử với nhau chân tình, họ san sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, người đi trước giúp người đi sau nên vợ chồng anh Trung chẳng mấy chốc đã có số đất lên tới trên 50.000m2.
Vốn là người rộng lượng, hơn nữa lại là đồng hương nên anh Trung đã cho anh Lợi mượn một số diện tích đất vào năm 2000 (đo đạc thực tế là 12.227m2) đã trồng đào để làm nhà có chỗ che mưa, tránh nắng, vượt qua giai đoạn gian khó ban đầu khi xa quê lập nghiệp. Tin tưởng đất của mình đã được xã, huyện thiết lập hồ sơ để cấp “sổ đỏ”, vả lại là chỗ thân tình nên anh cũng không yêu cầu anh Lợi phải viết giấy mượn đất. Không ngờ, cơn lốc trong vụ án “Đỗ Tố” lúc bấy giờ đã cuốn đi điều mong mỏi của anh khi chủ trương ngưng cấp “sổ đỏ” trên địa bàn huyện được ban hành. Nhân cơ hội này, anh Lợi đánh tiếng khẳng định chủ quyền miếng đất với nguồn gốc là tự khai phá. Thấy vậy, vợ chồng anh Trung sang nhà nhỏ nhẹ nói lý, nói tình nhưng đều nhận được lời khước từ thẳng thừng từ vợ chồng anh Lợi. Không chỉ thể hiện ở lời nói, vợ chồng anh Lợi còn chặt đào, làm hàng rào…
Trong đơn tường trình gửi UBND xã ngày 01/4/2003, anh Lợi viết: “Lúc đó tôi có hỏi anh Trung là: “em có làm miếng đất này…cất nhà trồng tiêu, có phạm mấy cây đào của anh có được không?”. Anh Lợi còn thừa nhận trong biên bản đối thoại ngày 11/10/2012: “Khoảng tháng 4/2003 tôi có làm hàng rào thì anh Trung báo với ban ấp gồm mấy ông đến lập biên bản ngày 12/4/2003 là đúng”. Những tưởng đất phải thuộc về anh Trung, nhưng không phải vậy. Yêu cầu của vợ chồng anh Lợi lại được chính quyền chấp nhận nên anh Trung rất bức xúc: “Người mà tôi từng giúp đỡ lật lọng, chặt cây chiếm đất khiến tôi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức theo đuổi vụ kiện”.
Không có cơ sở công nhận quyền sử dụng đất cho anh Lợi
Luật gia Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang cho biết: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013).
Nếu UBND xã hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng không thực hiện đối với trường hợp đất chưa có giấy tờ thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu đến UBND cấp huyện nơi có đất tranh chấp để được giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp huyện tại Tòa án nhân dân huyện đó.
Trong trường hợp này, lời thừa nhận của anh Lợi “có phạm mấy cây đào của anh có được không?” là một trong những chứng cứ rất quan trọng để giải quyết vụ việc. Ngoài ra, các bên có quyền cung cấp chứng cứ, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ giải quyết tranh chấp đất, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com