Một mình lao xuống biển cứu 4 người
Năm 1972 một trận lốc xoáy trên biển đã cướp đi 45 sinh mạng của người dân xóm Hải Nam (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), trong đó có bố của ông Trần Văn Sơn (SN 1966).
Đêm đó, cả thôn sau cơn chết lặng cùng chạy ra bờ biển, tiếng vợ khóc gọi chồng, con gọi cha huyên náo cả một vùng. Hai ngày sau, hàng chục xác người dạt về bờ biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò. Cả vùng biển rợp màu tang trắng…Tang thương ấy khiến hơn 100 đứa trẻ trở thành mồ côi, hàng chục người vợ góa bụa.
Trận cuồng phong ấy cũng khiến gia đình ông Sơn rơi vào cảnh khốn khổ. “Lúc đó tôi mới 5 tuổi, bố mất, mẹ lại đau ốm triền miên nên 4 anh chị em phải tự lập từ nhỏ. Thiếu ăn, chúng tôi chia nhau đến các bến cá nhặt nhạnh cá rơi, đưa về nấu ăn sống qua ngày. Lớn lên một chút tôi đi xin việc từ rửa bát, nấu cơm, khiêng cá thuê cho đến quét dọn tàu thuyền miễn sao họ cho tiền hay mớ cá là được”, ông Sơn bùi ngùi nhớ lại.
Cũng vì cuộc sống cơ hàn buộc cậu bé phải nghỉ học khi chưa tốt nghiệp cấp 2. Cậu thiếu niên ấy quyết định đi làm thuê cho các chủ tàu để học nghề biển. Vốn giỏi bơi lội, thông minh nên chỉ một thời gian ngắn Sơn đã thạo nghề. Với khao khát được tự mình làm chủ một con tàu thực hiện giấc mơ vươn ra biển lớn, vợ chồng ông Sơn đã mạnh dạn vay vốn mua được chiếc tàu công suất hơn 200CV.
Trong hành trình hơn 40 năm lênh đênh mưu sinh trên biển, ông Sơn đã trực tiếp cứu sống nhiều người gặp nạn. Năm 2005, khi tàu của ông đang đánh bắt cá thì bất ngờ giông tố ập đến, từng con sóng khổng lồ hung dữ lồng lộn như chực nhấn chìm tất cả.
Vốn dày dạn kinh nghiệm, ông đã điều khiển con tàu vượt qua được “cửa tử” trong gang tấc. Mặc dù đang trong vòng nguy hiểm, nhưng khi phát hiện 4 người của tàu bạn chới với trên biển kêu cứu, ông một mình ôm chiếc phao nhảy xuống cứu.
Anh Phan Văn Hùng, một người có mặt tại thời khắc ấy kể lại, chứng kiến cảnh ông Sơn nhảy xuống biển cứu 4 người, mọi người nghẹt thở. Lúc đó gió lớn giật liên hồi, sóng dựng đứng như ngọn tre, mặt biển tối thui không thấy gì, tàu thì quay như chong chóng. Mọi người nghĩ có lẽ ông Sơn cũng bỏ mạng, nhưng hơn 1 tiếng đồng hồ sau thấy ông “tăng bo” cả 4 người trên chiếc phao bơi về phía tàu.
Trong 2 năm 2006 - 2007, ông Sơn lại tiếp tục cứu sống nhiều người trong đó có 7 ngư dân của xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu. Lần đó, khi đang đánh cá ở khu vực đảo Hòn Mê, tàu cá ông Sơn không may gặp cơn lốc.
Trận lốc xoáy khiến chiếc tàu chao đảo, nhưng nhờ kinh nghiệm đi biển lâu năm, ngư dân ấy đã lèo lái giúp cả đoàn vượt qua sóng gió. “Chừng 3h sáng, tôi quyết định cho thuyền quay vào đất liền. Trên đường đi, chúng tôi bỗng phát hiện 7 người đang chới với dưới nước, trong khi thời tiết rất lạnh. Tôi liền ra lệnh cho anh em dừng tàu, nhảy xuống cứu từng người”, ông Sơn nhớ lại.
Nhóm người gồm 7 cha con nhà ông Thái Bá Chung cho biết, tàu của họ bị chìm lúc 21h đêm ngày hôm trước. Sau nhiều tiếng đồng hồ cầm cự, hầu như ai cũng đuối sức, may mắn là được ông Sơn cứu kịp thời.
Biết ơn ân nhân, cha con ông Chung đã xin nhận ông Sơn làm anh em kết nghĩa. Đến nay, gần chục năm trôi qua nhưng tình cảm của hai gia đình vẫn luôn khắng khít, thăm hỏi nhau ngày lễ tết, trợ giúp nhau vươn khơi bám biển.
Theo các ngư dân ở Diễn Bích, những năm qua ông Sơn đã 14 lần cứu sống 31 người khỏi bàn tay thủy thần. Ông tâm sự: “Tôi mồ côi cha từ nhỏ nên thấu hiểu nỗi mất mát của những đứa trẻ mất cha và nỗi tang thương của người thân. Do vậy, khi thấy người gặp nạn tôi quyết tâm bằng mọi giá phải cứu bằng được”.
Cứu người và được cứu
Cuộc đời ông Sơn cũng đã từng được đồng nghiệp cứu sống. Đó là chiều ngày 15/5/2011, khi tàu của ông đánh được mẻ cả một tấn ở vùng biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) thì một cơn lốc kéo bất ngờ ập tới. Trận cuồng phong khiến chiếc tàu bị lật xuống biển.
“Tôi không kịp phát tín hiệu hay gọi bộ đàm về đất liền báo cứu. Trên tàu lúc này 6 người nhưng lại chỉ có 5 chiếc áo phao, tôi quát 5 người mặc áo vào lao xuống biển tránh tàu úp người. Còn tôi vớ con dao chặt dây để lấy cây sào gỗ và ôm sào lao xuống biển.
Hai tay tôi ôm chặt cây sào gỗ ghì vào ngực. Cây sào nổi thì tôi nổi theo. Sóng cứ đẩy, va đập sào gỗ vào ngực tôi đau nhức nhưng không thể thả cây sào ra. Cha tôi từng bị lốc tố đánh chìm tàu, chết trên biển. Tôi khóc, nghĩ và lo sợ con tôi lại mồ côi cha như tôi…”, ông Sơn kể.
Sau 2 tiếng đồng hồ vật lộn dưới biển, hai tàu cá đánh bắt xa bờ do ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) làm thuyền trưởng đã phát hiện bàn tay vẫy cứu trên ngọn sóng nên cứu sống được những người trên tàu ông Sơn. “Lúc đó, họ định cứu tôi trước nhưng tôi ra hiệu vớt những người kia trước. Chúng tôi may mắn thoát chết trong gang tấc”, ông Sơn nhớ lại.
Một ngày sau, ngư dân ấy đã trốn viện, ra bờ biển tìm cách trục vớt con tàu. Vì tàu đã chìm dưới biển nên ông đành phải thuê thợ lặn. Xác định được vị trí là lúc cát đã khỏa lấp gần nửa con tàu, ông Sơn lại thuê tàu ra thục vòi hút cát ra khỏi con tàu chìm. Ông tiếp tục thuê tiếp hai con tàu lớn nâng tàu lên trong sự ngỡ ngàng vui mừng của mọi người. Lai dắt vào bờ sửa chữa xong, ông cùng 5 ngư dân lại tiếp tục hành trình ra biển.
Những lần ra khơi, khi gặp những xác chết đuối trôi nổi trên biển, ông đều vớt lên, đưa về chôn cất cẩn thận. “Trong thời gian làm nghề, có khoảng 12 lần tôi vớt xác trôi ngoài biển. Mỗi khi đưa lên, tôi đều làm lễ cúng bái và chôn cất đàng hoàng”, ông Sơn kể.
Không những cứu người, ông Sơn còn đứng ra lập “Hội tương trợ nghề cá”. Mục đích của hội là liên kết các tàu với nhau, chia sẻ kinh nghiệm ngư trường khai thác, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, đồng thời giúp nhau khi có tai nạn rủi ro trên biển. Mỗi tháng một tàu đóng góp số tiền nhất định để làm quỹ hoạt động. Hiện tổ chức này có 74 hội viên đại diện cho 74 tàu thuyền của xã tham gia.
Sau thời gian dài bám biển, ông Sơn khoe: “Hiện tôi đang đóng 2 tàu đánh cá công suất lớn với giá 5,4 tỷ đồng. Tôi muốn tạo thêm việc làm cho anh em, để ai cũng sống khỏe với nghề. Càng làm, tôi càng yêu nghề, yêu biển hơn”.