Dù an toàn về nước, nhưng ai cũng mệt mỏi khi suốt chặng đường gần 3 ngày qua, họ bị bỏ đói, bị bỏ rơi tại sân bay Dubai và Bangkok. Bữa ăn duy nhất trong 3 ngày qua với họ là đồ ăn được phát trên máy bay.
Anh Nguyễn Hữu Tới (SN 1977, quê Ba Vì, Hà Nội) kể: Đoàn có 14 người, trong đó có 1 người của công ty Simco Sông Đà (doanh nghiệp đưa lao động đi). Tuy nhiên, người của công ty đi chuyến bay khác với nhóm 13 lao động. Vì vậy, khi tới Dubai, cả nhóm bị lỡ chuyến về Thái Lan do quá cận giờ không kịp chuyển máy bay. Họ phải ở lại Dubai 1 đêm, nằm vạ vật ở sân bay. Sau đó, nhóm mới mua được vé máy bay về Thái Lan và từ Thái về nước.
“Do người của công ty về trước, 13 lao động còn lại tự lần mò ở sân bay để tìm chuyến bay. Khi lỡ chuyến, may là có lao động Việt Nam cũng về nước. Họ gọi điện về bên nhà cho công ty để lo vé khác nên chúng tôi mới về được. Nếu không gặp những người Việt ở sân bay, không biết giờ này chúng tôi có đặt chân về nước không nữa”, anh Tới kể.
Hiện vẫn còn 39 lao động bị kẹt tại Algeria mong muốn về nước. Theo thông tin chúng tôi có được, những lao động này chưa được về vì công ty Simco Sông Đà chưa chuyển tiền đền bù sang, nên chủ sử dụng Trung Quốc giữa người lại.
Vào tháng 9 vừa qua, do xảy ra bất đồng trong hợp đồng, giữa khối lượng công việc và mức lương, 57 lao động Việt Nam vừa được công ty Simco Sông Đà đưa sang làm việc tại Algeria đã bị một số người của công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc, chủ sử dụng lao động) đánh đập.
Anh Nguyễn Hữu Cẩn với bộ đồng phục lao động rách nát bước xuống sân bay. Ảnh: Lê Hữu Việt. |
Sau đó, các bên thống nhất giảm mức bồi thường xuống còn 1.700 USD/lao động. Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng tiền bồi thường hợp đồng và mua vé máy bay cho người lao động về nước. Trong số 57 lao động trên, hầu hết đều mong muốn về nước trước hạn, chỉ có 5 người đồng ý ở lại tiếp tục làm việc và ký thêm phụ lục hợp đồng với chủ sử dụng lao động.