Ngày 7/3/1980, trong Lễ khai giảng khoá học đầu tiên do Trường chiêu sinh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn: “Chúng ta phải xây dựng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý”. Thực hiện lời căn dặn đó, trong 35 năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên Đại học Luật Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, đưa Trường trở thành cơ sở hàng đầu của đất nước về đào tạo cán bộ pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ngày 25/12/2013, đến thăm và làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã nhận định: “Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những bước trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc. Có thể nói, các đồng chí đã đi từ “không” đến “có” để trở thành một trường đại học có uy tín hàng đầu trong các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai giảng năm học 2014 – 2015 |
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Sao Vàng ngày 28/8/2010, một trong 3 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Tư pháp cần tập trung làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa là: “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của Ngành nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ, ý thức pháp luật, nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là của đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, trong bộ máy nhà nước. Cần sớm hoàn thành, triển khai Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật và Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để mở rộng, thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp nhằm lấp lỗ hổng về nguồn nhân lực pháp luật hiện nay, đặc biệt ở những vùng có khó khăn, qua đó cũng nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức tại các ngành, các địa phương… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ sát cánh cùng các đồng chí để quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ to lớn và vẻ vang này”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014, một lần nữa nhấn mạnh: “Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tư pháp và pháp luật luôn đòi hỏi sự quan tâm đầu tư cao hơn do những đặc thù của công tác này, nhất là đối với tư pháp địa phương. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác tư pháp”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc với Đại học Luật Hà Nội ngày 25/12/2013 |
Niềm tin, kỳ vọng về một trường đại học đào tạo luật uy tín hàng đầu của đất nước đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân trao gửi cho Đại học Luật Hà Nội. Đó vừa là trách nhiệm lớn lao, vừa là động lực mạnh mẽ để tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường vững tin vào chặng đường tương lai.
“Đại học Luật Hà Nội có những lợi thế riêng
của trường thuộc Bộ Tư pháp”
Là người dành nhiều tâm huyết đối với mọi bước đi, trưởng thành của Đại học Luật Hà Nội, xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngôi trường uy tín thuộc Bộ Tư pháp, chia sẻ suy nghĩ về Trường Đại học Luật Hà Nội dịp Trường kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước nói riêng. Bất cứ Bộ trưởng Tư pháp nào cũng phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề này bởi nhiều lẽ. Trước hết vì chúng ta đã quá chậm trễ trong việc đào tạo cử nhân luật (mãi đến năm 1976, tức là 30 năm sau khi giành được độc lập, khóa đào tạo đại học luật đầu tiên mới được khai giảng ở Hà Nội). Và hệ quả tất yếu của sự chậm trễ đó là sự hẫng hụt lớn về cán bộ pháp luật khi chúng ta bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Sau nữa, những bất cập trong chất lượng đào tạo luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là trong hoạt động của các chức danh tư pháp. Đấy mới là câu chuyện trong nước, nếu nhìn ra nước ngoài lại càng thấy sốt ruột vì sự tụt hậu lớn về chất lượng và phương pháp đào tạo luật của ta trong thế giới phẳng của sự hội nhập giữa các quốc gia. Là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa Luật và bây giờ, ở cương vị Bộ trưởng Tư pháp, tôi lại càng thấy rõ trách nhiệm đối với đất nước”.
Bộ trưởng cũng mong muốn Trường Đại học Luật Hà Nội và các đơn vị trong Bộ, ngành Tư pháp không chỉ là những anh chị em thân thiết trong “gia đình” Tư pháp mà còn là những đối tác tin cậy cùng đồng hành tới mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật, tư pháp đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.