Đại học Luật Hà Nội khai giảng năm học mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai giảng năm học mới
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai giảng năm học mới
(PLO) - Hôm qua (13/9), Đại học Luật Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành và hàng nghìn sinh viên các khóa của Đại học Luật Hà Nội cùng tham dự Lễ khai giảng rất có ý nghĩa đúng dịp Đại học Luật Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập (10/11/1979 - 10/11/2014). 
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:  
“Đại học Luật Hà Nội phải thực sự trở thành ngôi trường hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật của Việt Nam”
Tới dự Lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 của Trường Đại học Luật Hà Nội, rất ấn tượng với những thành tựu mà Trường đã đạt được trong suốt 35 năm xây dựng và trưởng thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng đối với công tác đào tạo cán bộ pháp luật của Bộ Tư pháp nói chung và Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng. Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới độc giả toàn văn bài phát biểu quan trọng này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 
“Thưa các đồng chí, các em sinh viên thân mến! 
Trong niềm vui chung của các thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên trong cả nước, chúng ta long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Luật Hà Nội. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Trường lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Trường Đại học Luật Hà Nội, với sức vóc tuổi 35, ngày càng phát triển, thực sự trở thành ngôi trường hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật của Việt Nam.
Thưa các đồng chí, các em sinh viên,
Ba mươi lăm năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học viên, Trường ta đã có những bước trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc về mọi mặt. Từ mái trường này, nhiều thế hệ sinh viên, học viên đã và đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, bằng trí tuệ và bầu nhiệt huyết của mình góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc cải cách nền Tư pháp nước nhà. Kết quả đào tạo của Trường đã góp phần xứng đáng vào việc hình thành và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ pháp luật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống. Tôi ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Luật Hà Nội cho sự nghiệp đào tạo cán bộ pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. 
Các đồng chí cán bộ, giảng viên thân mến, 
Về thăm Trường, tôi vui mừng nhận thấy, ngày nay Trường Đại học Luật Hà Nội đã trở thành cơ sở giáo dục đại học luật hàng đầu ở Việt Nam, với ngôi trường khang trang, bề thế; với đội ngũ giảng viên và các nhà quản lý giáo dục có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, phương pháp sư phạm tiên tiến, gắn bó với nghề, với sinh viên, học viên và với Trường. Đây là tài sản vô giá, là niềm tự hào của Trường. Tôi mong tập thể cán bộ, giảng viên của Trường không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nghiệp vụ sư phạm để đóng góp nhiều hơn, tốt hơn vào công tác đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước. Các thầy giáo, cô giáo dạy luật phải luôn là chuẩn mực để học trò noi theo, làm theo, là người khơi dậy ngọn lửa của tình yêu công lý, lẽ phải và nghề nghiệp trong tâm hồn trẻ trung của các em sinh viên thân yêu.
Nhân dịp này, tôi biểu dương tập thể cán bộ, giảng viên của Trường thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hiện đang tích cực triển khai thi hành Hiến pháp mới. Tôi đề nghị Trường xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong năm học 2014 - 2015 và các năm tiếp theo; làm sao để những tư tưởng và nội dung của Hiến pháp được hiển hiện qua từng trang giáo án, từng giờ lên lớp, từng buổi thảo luận trên giảng đường, từng công trình, đề tài nghiên cứu khoa học; thấm vào suy nghĩ, biến thành hành động của mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội và lan tỏa trong toàn xã hội.
Các em sinh viên thân mến,
Đất nước đang rất cần những cán bộ pháp luật vừa hồng, vừa chuyên, vững vàng về bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp. Cơ hội việc làm, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai của các em là rất lớn. Tôi mong các em trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống tốt đẹp của Trường; nỗ lực phấn đấu, rèn luyện; tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để học tập, tích lũy kiến thức, trau dồi đạo đức nghề nghiệp cho quá trình lập thân, lập nghiệp sau này. Tương lai tươi sáng đang mở ra ở phía trước; đất nước trông đợi rất nhiều ở các em! 
Tôi ghi nhận những kiến nghị của Trường và nhân dịp này, tôi đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục đổi mới, quan tâm, chăm lo hơn nữa đến hoạt động giảng dạy, học tập và thực hành của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội; dành những điều kiện tốt nhất cho việc học tập của con em chúng ta, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp “trồng người” mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã dày công vun đắp, để xây dựng Trường thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật.
Nhân dịp xuống thăm Trường, tôi tặng nhà trường bức tranh Bác Hồ để nhắc nhở cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường tư tưởng của Bác: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.   
Chúc các vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt; chúc các em sinh viên, học viên học giỏi, tiếp bước các thế hệ đàn anh xây dựng truyền thống vẻ vang của Trường Đại học Luật Hà Nội”. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng một số cán bộ lãnh đạo trồng cây lưu niệm tại sân trường
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng một số cán bộ lãnh đạo trồng cây lưu niệm tại sân trường
* Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: 
“Đại học Luật Hà Nội cần nhanh chóng đổi mới, đột phá để vươn lên tầm cao mới”
Trước những ý kiến đánh giá, chỉ đạo sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội về kết quả công tác đào tạo cán bộ pháp luật của Bộ Tư pháp nói chung và Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội đối với công tác của ngành Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Những ý kiến đánh giá, chỉ đạo sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về kết quả công tác đào tạo cán bộ pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội thực sự là sự cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên, học viên của Trường”. Với sự cổ vũ, khích lệ đó, Bộ trưởng yêu cầu  Đại học Luật Hà Nội cần cố gắng hơn nữa để phát huy những thành tích đã đạt được trong 35 năm qua, đồng thời nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để sớm vươn lên tầm cao mới, hoàn thành xuất sắc hơn nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết: “Chúng tôi ý thức được rằng, những gì Trường Đại học Luật Hà Nội đạt được trong thời gian qua còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ cũng như sự mong đợi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt của Trường còn hết sức nặng nề”. Bởi vậy, Bộ trưởng khẳng định: “Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ quán triệt sâu sắc những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, nhất là những giải pháp mới, mang tính đột phá để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và trên cơ sở đó từng bước mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. 
Cũng theo Bộ trưởng, Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ dành nhiều ưu tiên cho công  tác đào tạo cán bộ pháp luật, gắn với nghiên cứu khoa học pháp lý và thực tiễn chính trị - pháp lý của đất nước; chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa đối với Trường đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và các trường trung cấp luật thuộc Bộ Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị. Đặc biệt, sẽ tiếp tục chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp tham gia tích cực hơn nữa trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013 cũng như trong công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Riêng đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành hữu quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại để xây dựng trường thực sự trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật của đất nước như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra. 
Nhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trao tặng 10 suất học bổng cho các em sinh viên xuất sắc của Đại học Luật Hà Nội.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao học bổng cho sinh viên
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao học bổng cho sinh viên
* Lời gửi gắm ân tình tới những tân sinh viên: 
“Các em là niềm tự hào, niềm hy vọng của gia đình, xã hội”
Đại học Luật Hà Nội được thành lập năm 1979, là trường đại học luật đầu tiên ở nước ta được thành lập sau ngày thành lập nước - 2/9/1945. Hiện nay, Đại học Luật Hà Nội là trường công lập thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng đào tạo đại học, thạc sỹ và tiến sỹ luật; nghiên cứu khoa học, truyền bá pháp lý và tư vấn pháp luật. Trong suốt 35 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đã đào tạo được hơn 80.000 cán bộ pháp luật ở các trình độ, các hệ đào tạo, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật cho đất nước. 
Năm học 2014 - 2015 là năm học có ý nghĩa quan trọng đối với Trường Đại học Luật Hà Nội khi nhà trường tập trung đổi mới toàn diện các lĩnh vực công tác nhằm xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khai giảng năm học mới này, Đại học Luật Hà Nội chào đón hơn 2.000 sinh viên khóa 39 - những người vừa nỗ lực vượt qua hàng chục nghìn thí sinh dự thi kỳ thi đại học năm 2014 để trở thành các tân sinh viên của Trường, nâng tổng số học viên của Trường lên con số 15 nghìn học viên. 
Phát biểu tại Lễ khai giảng, TS Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội khẳng định: “Được trở thành sinh viên Đại học Luật Hà Nội là một vinh dự lớn với các em. Trong lĩnh vực đào tạo pháp luật, Trường ta là cánh chim đầu đàn. Sản phẩm đào tạo của Trường luôn được các nhà tuyển dụng tin tưởng, đánh giá cao. Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Trường đã và đang giữ các trọng trách trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương, đang là các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên danh tiếng của đất nước”.  Động viên các tân sinh viên của Trường, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu gửi gắm: “Các em là niềm tự hào, niềm hy vọng của gia đình, xã hội. Ông, bà, cha, mẹ các em không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh để nuôi các em ăn học với mong muốn các em trở thành những người có ích cho gia đình, cho xã hội. Bởi vậy, trước khi làm việc gì, hãy nghĩ đến gia đình mình, đến ông bà, cha mẹ mình. Họ đang trông chờ, đang mong mỏi, đang hy vọng ở các em”. 
TS Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Lễ khai giảng
TS Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Lễ khai giảng
Với tư cách là một người thầy, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu cũng mong muốn các em sinh viên ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, tận dụng mọi cơ hội học tập nhằm trang bị cho mình nền kiến thức vững chắc, phương pháp làm việc khoa học, đạo đức nghề nghiệp trong sáng để có thể vững tin bước vào đời sau những năm học tập tại Đại học Luật Hà Nội. 
Thay mặt cho hơn 15 nghìn học viên của Trường phát biểu nhân dịp năm học mới, sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo đã bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được là sinh viên của Đại học Luật Hà Nội và cam kết sẽ tiếp nối truyền thống các thế hệ sinh viên của Trường, tích học học tập, trau dồi  kỹ năng nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức trong sáng để mai này góp sức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. 

Đọc thêm

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống VBQPPL thống nhất, đồng bộ

Cảnh phiên họp.
(PLVN) - Ngày 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp Tổ biên tập dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; bộ, ngành khác có liên quan.

Xây dựng Ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Xây dựng Ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
(PLVN) -  Tại Hội nghị tổng kết công tác Thi hành án dân sự (THADS) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ngành Thi hành án Quân đội diễn ra chiều 9/1, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Thi hành án (Bộ Quốc phòng) đề nghị trong năm 2025, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành cần đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tạo sự chuyển biến đột phá trong cơ quan, đơn vị, xây dựng Ngành Thi hành án ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thẩm định dự án Luật Cấp, thoát nước

Cảnh phiên họp.
(PLVN) - Sáng 9/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Cấp, thoát nước. Đồng chủ trì phiên họp là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn.

Bộ Quốc phòng sơ kết Đề án 1371

Các đại biểu dự Hội nghị
(PLVN) -Sáng 9/1, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 (2021-2024) thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (Đề án 1371) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chính phủ xác định tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: Chinhphu.vn)
(PLVN) - Một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025 được Chính phủ xác định là huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt. Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 8/1.

Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển doanh nghiệp dân tộc

Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển doanh nghiệp dân tộc
(PLVN) - Kế thừa truyền thống yêu nước, tinh thần cống hiến cho dân tộc, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, họ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các chuyên gia kinh tế, pháp luật cho rằng cần khơi thông mọi nguồn lực để doanh nghiệp dân tộc phát triển song hành cùng sự hùng mạnh của đất nước. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Cần xây dựng chính sách, pháp luật để hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. (Ảnh: Phương Mai)
(PLVN) - Việc xây dựng chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp dân tộc là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh Việt Nam hướng đến tăng trưởng kinh tế cao và đột phá trong khoa học công nghệ. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều khẳng định cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, mang tính dẫn dắt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn thiếu khung pháp lý rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc. Để làm rõ vấn đề trên, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.

"Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam"

 Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Ảnh Hương Giang)
(PLVN) -  Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm”, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam”.

Nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao

Metro Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) -  Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động và dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tận dụng cơ hội để tái cơ cấu, trụ vững và phát triển, đặc biệt sẵn sàng thực hiện các trọng trách, các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam: Có thể ưu tiên lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh, Đà Nẵng
(PLVN) - Nhìn ra thế giới, có thể thấy rất nhiều câu chuyện phát triển thần kỳ của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay gần nhất với Việt Nam là Singapore - cùng khu vực ASEAN… Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam, chúng ta có thể tập trung ưu tiên vào công nghiệp bán dẫn.