Theo số liệu thống kê tại hội nghị Giám đốc các làng trẻ em SOS diễn ra cuối năm ngoái, hệ thống Làng trẻ em SOS (Làng SOS) Việt Nam hiện nay có tại 17 tỉnh/thành phố: Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình và Thừa Thiên Huế. Đến cuối tháng 9/2016, tổng số trẻ đã và đang được nuôi dưỡng tại các Làng SOS, lưu xá thanh niên là 5.874 trẻ, trong đó số hiện đang nuôi dưỡng tại 17 Làng SOS và lưu xá thanh niên là 2.954…
Ngôi nhà thân thương của 5.874 trẻ em
Tính hết tháng 9/2016, tại 17 Làng SOS cơ sở có 230/239 nhà gia đình hoạt động; 2.240 trẻ đang được nuôi dưỡng, tăng 45 trẻ so với năm 2015; 714 trẻ ở ký túc xá, ở nhà trọ để học chuyên nghiệp và bán tự lập, tăng 72 trẻ so với năm 2015. Số trẻ trung bình/gia đình đạt 8,18…
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được Làng và các gia đình thực hiện chu đáo, đảm bảo cuộc sống cho các cháu về ăn, mặc và các nhu cầu khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm phòng, uống vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Bà mẹ bà dì được cung cấp các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, tâm sinh lý, giáo dục, vệ sinh phòng bệnh; các kỹ năng sống, kỹ năng kỷ luật tích cực, quyền trẻ em…
Việc học tập và rèn luyện của trẻ được Làng SOS quan tâm, tỉ lệ lên lớp và tỉ lệ tốt nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 98%; có trên 85% trẻ sau khi kết thúc học văn hóa được đi học nghề, học chuyên nghiệp. Công tác hướng nghiệp được các Làng tổ chức nhằm tư vấn và lắng nghe nguyện vọng của thanh niên; cung cấp thông tin tuyển sinh, nhu cầu lao động của xã hội giúp thanh niên có cơ sở chọn ngành nghề phù hợp với khả năng mình. Thanh niên học tốt được định hướng thi ĐH và CĐ, số còn lại vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi làm ngay sau khi kết thúc học tập...
9 tháng chỉ tuyển được 36 mẹ và dì
Sinh năm 1958, chị Đặng Thị Hải đã gắn bó với Làng SOS Việt Trì - Phú Thọ và những người con của mình gần 20 năm. Tình yêu thương con trẻ đã khiến chị Hải không nghĩ đến bản thân, đổi tuổi xuân của mình để ươm mầm cho những mảnh đời bất hạnh. Chị kể lại kỷ niệm cách đây hơn 10 năm vào mùa đông chị được giao trách nhiệm nuôi một cháu mới sinh bị bỏ rơi ở cổng làng. Lúc đó chị rất lo, không biết có đủ khả năng không vì cháu bé chỉ được hơn 2kg, yếu ớt, quấy khóc. Chăm trẻ sơ sinh quả thực không đơn giản, đến cách thay tã cũng phải học. Nhưng rồi tình yêu thương con trẻ đã giúp chị vượt lên tất cả.
Trong quá trình làm nghề, tôi đã có dịp nhiều lần đến Làng SOS Hà Nội để quen và thân thiết với mẹ Hoa của nhà Hoa Đào. Đã ít lâu không gặp, nay hẳn chị đã nghỉ hưu nhưng những kỷ niệm về chị vẫn đọng lại trong tôi. Năm 1979, khi đất nước đã thật sự yên bình, cô Trung đội phó của trung đội bộ đội nữ Nguyễn Thị Hoa xuất ngũ trở về quê hương Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Vì hoàn cảnh éo le cô không lập gia đình, nhưng nỗi khát khao làm mẹ cộng với tình yêu thương con trẻ sẵn có trong lòng, cô xin vào dạy mẫu giáo ở một ngôi trường mầm non tại quê nhà.
Gần chục năm làm cô nuôi dạy trẻ, chị Hoa cứ ngỡ cuộc đời mình yên phận, cho đến một ngày chị được chị hiệu trưởng gọi lên đưa cho tờ thông báo tuyển mẹ của Làng SOS Hà Nội với lời khuyên ngắn gọn, chân tình: “Chị thấy công việc này hợp với hoàn cảnh của em, đừng bỏ lỡ”. Mất một đêm suy nghĩ, hôm sau chị Hoa quyết định làm hồ sơ gửi đi và không lâu sau đã có hồi âm hồ sơ của chị được xét tuyển.
Trở thành mẹ của Nhà Hoa Đào, đầu năm 1990 mẹ Hoa bắt đầu đón những đứa con đầu tiên. Chị kể, “ngày 2/1/1990 tôi nhận 3 cháu gái, hai đứa 6 tuổi, một đứa 4 tuổi. Đêm hôm ấy, các con khóc như ri, hết an ủi đứa này lại quay sang dỗ đứa kia”. Rồi cứ thế, đàn con của mẹ Hoa đông đúc dần lên. Làm mẹ của từng ấy đứa trẻ, kỷ niệm những ngày vui, buồn luôn đầy ắp trong chị theo mỗi bước trưởng thành của đàn con…
Dài dòng về các bà mẹ ở Làng SOS để thấy đây không phải là công việc dễ dàng gì. Bởi tiêu chí tuyển mẹ của các Làng trẻ em SOS không nằm ngoài quy định của SOS quốc tế như điều kiện về tuổi, độc thân, không con cái, tự nguyện gắn bó với công việc lâu dài, sức khỏe tốt. Và, một yêu cầu tối quan trọng là có tình thương yêu con trẻ.
Hiện nay, theo con số đưa ra tại hội nghị Giám đốc các làng SOS thì tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và bà mẹ, bà dì cơ hữu hiện đang công tác trong hệ thống Làng SOS Việt Nam là 1.246 người. Và trong 9 tháng đầu năm 2016, các Làng SOS mới chỉ tuyển được 36 bà mẹ bà dì. Hầu hết các làng đều ở tình trạng thiếu mẹ và dì. Đơn cử như hiện tại Làng SOS Việt Trì có 283 đứa con các độ tuổi nhưng chỉ có 20 mẹ và dì nuôi dưỡng, chăm sóc. Theo con số năm 2015, Làng trẻ em SOS Nghệ An có tất cả 15 ngôi nhà với 250 trẻ, nhưng chỉ có 22 mẹ và dì nuôi dưỡng, chăm sóc…