Chủ trì và điều hành hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng.
Triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS -sửa đổi).
Tính đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân, ước tính có khoảng 03 triệu lượt ý kiến nhân dân tham gia góp ý về Dự thảo BLHS.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết: Đa số ý kiến tán thành với Dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Dự thảo BLHS và cho rằng đây là một trong các nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc sửa đổi BLHS lần này.
Qua tổng hợp cho thấy các ý kiến góp ý rất đa dạng, đa chiều, không chỉ tập trung vào 08 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến nhân dân mà còn đề cập đến nhiều nội dung khác trong Dự thảo BLHS, ở mỗi vấn đề trọng tâm đều có ý kiến khác nhau.
Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng dự thảo Báo cáo của Chính phủ được xây dựng khoa học dù có điều chỉnh so với đề cương, thể hiện sự nghiêm túc, tính toàn diện trong tổng hợp ý kiến nhân dân. Theo đó, ý kiến nhân dân về 8 vấn đề trọng tâm của Dự thảo BLHS (sửa đổi) như việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đa số ý kiến tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Dự thảo BLHS (sửa đổi).
Về vấn đề trách nhiệm hình sự pháp nhân, đa số ý kiến thể hiện sự nhất trí với Dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS và cho rằng đây là một trong các nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc sửa đổi BLHS lần này.
Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào thời điểm này là cần thiết và đúng lúc nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn xử lý vi phạm của pháp nhân hiện nay, nhất là các vi phạm gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân bị thiệt hại cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Việc xử lý pháp nhân theo thủ tục tố tụng tư pháp sẽ bảo đảm hiệu quả trong việc chứng minh vi phạm và hậu quả thiệt hại cũng như sự công bằng, minh bạch trong việc áp dụng các chế tài, phù hợp với thông lệ chung của pháp luật trên thế giới. Tuy nhiên, ý kiến của đại diện Sở Tư pháp Kom Tom cho rằng: Phải làm rõ pháp nhân là gì? Xác định ranh giới giữa pháp nhân với cá nhân.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng nhận định: Đây là biện pháp mới nhưng chưa quy định cụ thể về nội dung, điều kiện, phạm vi áp dụng, điều này sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng, dễ dẫn đến sự không tương xứng giữa tính nguy hiểm của hành vi do pháp nhân thực hiện với mức độ chịu trách nhiệm hình sự. Vì thế, đề nghị cân nhắc đối với quy định biện pháp tư pháp đối với pháp nhân cụ thể tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 82.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định Báo cáo Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLHS là Báo cáo đặc biệt quan trọng, do đó cần tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan, chính xác ý kiến của nhân dân về từng vấn đề cụ thể, thu hoạch rất nhiều ý tưởng giúp cho BLHS. Qua hội nghị, tham gia nhiều ý kiến của đại biểu sẽ tiếp thu, chính sửa báo cáo của Chính phủ cho Quốc hội chính xác, đầy đủ, tỉ mỉ.