Bị nghi ngờ nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản
Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành thì chủ thể của nhóm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, bao gồm: cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (những người thi hành công vụ).
Còn những người có chức vụ, quyền hạn của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoặc làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh có vốn nhà nước tham gia, công ty cổ phần, hợp tác xã (như: giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho…) không phải là chủ thể của các tội tham nhũng.
Tuy nhiên, với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu hình sự hoá một số hành vi tham nhũng được nêu trong Công ước như: hối lộ trong khu vực tư, biển thủ tài sản trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công.
Ngoài các hành vi trên, một hành vi không quy định bắt buộc phải hình sự hoá nhưng xuất phát từ đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Dự thảo BLHS (sửa đổi) đang có một phương án đề xuất bổ sung vào nhóm tội tham nhũng là tội làm giàu bất hợp pháp (tội làm giàu bất chính).
Lý giải cho đề xuất này, Báo cáo đánh giá tác động Dự thảo BLHS (sửa đổi) cho biết: Thực tế xuất hiện nhiều trường hợp cá nhân giàu lên một cách nhanh chóng mà không thể lý giải một cách hợp lý nguồn gốc của sự tăng thêm này. Điều này cho phép nghi ngờ về một sự làm ăn không minh bạch, vi phạm pháp luật hoặc phạm tội trước đó.
BLHS hiện hành đã có một điều luật (Điều 250) quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có (Điều 252). Cả hai tội này đều phải chứng minh hành vi phạm tội nguồn. Nếu không chứng minh được thì không thể xử lý được hành vi giàu lên nhanh chóng mà không chứng minh được nguồn gốc. Hạn chế này của hai điều luật trên đã tạo cơ hội để những người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng hoặc tham nhũng rồi tẩu tán tài sản cho người thân.
Băn khoăn về tính khả thi
Theo quy định tại Dự thảo BLHS (sửa đổi), tội làm giàu bất hợp pháp là trường hợp tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, họ không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể đó.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương án này vì đây là một quy định khó áp dụng do điều kiện kinh tế, xã hội nước ta hiện nay chưa cho phép phân biệt rõ ràng tài sản nào có xuất phát từ thu nhập bất hợp pháp. Một số ý kiến đề xuất bổ sung quy định này nhưng không quy định có hiệu lực ngay mà quy định điều luật này sẽ có hiệu lực trong khoảng thời gian sau 5 năm.
Mặc dù vậy, nếu được bổ sung, tác động tích cực dễ nhìn thấy là quy định này sẽ tạo ra một bước đột phá trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thể hiện ở việc triệt tiêu được động cơ của hành vi tham nhũng cũng như các hành vi phạm tội khác. Đặc biệt, đây sẽ là một quy định rất được lòng dân.