“Không thể làm điều thất đức...”
Theo cáo trạng số 09/QĐ-VKS-HS ngày 25/1/2016 của VKSND huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), cách đây khoảng 10 năm, bà Nguyễn Thị Rộng cho con trai là anh Chu Văn Hải và con dâu là chị Vũ Thị Én ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân thuê khoảng 720m2 đất ruộng ở cùng thôn để trồng cây nông nghiệp. Trong thời gian nói trên, vợ chồng chị Én đã cải tạo mở rộng thành 932,36m2.
Khoảng đầu tháng 2/2015, vợ chồng chị Én đã trồng lạc trên toàn bộ diện tích nói trên. Vì không muốn cho vợ chồng con trai tiếp tục thuê ruộng nên ngày 8/3/2015, bà Rộng đã đến nhà đưa cho chị Én 1 triệu đồng với ý định trả tiền lạc giống và công chăm sóc để đòi lại ruộng nhưng chị Én không nhận tiền. Sáng 9/3/2015, bà Rộng có bảo con trai là Chu Văn Quý đi thuê máy lồng để bừa ruộng lạc.
Khoảng 13h ngày 9/3/2015, anh Quý chở bà Rộng đến nhà anh Nguyễn Văn Tập (ở cùng thôn) để thuê anh Tập mang máy lồng đến “bừa phá” (từ dùng trong cáo trạng – PV) ruộng lạc nói trên. Khoảng 16h cùng ngày, anh Tập điều khiển máy lồng ra bừa theo chỉ đạo của bà Rộng. Hai ngày sau, chị Én có đơn gửi cơ quan công an.
Ngày 18/4/2015, Công an xã Chí Tân đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Khoái Châu giải quyết. Ngày 13/11/2015, Cơ quan CSĐT Công an Huyện Khoái Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Hủy hoại tài sản xảy ra ngày 9/3/2015 tại thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, đồng thời tiến hành bắt tạm giam đối với anh Chu Văn Quý, cho tại ngoại đối với bà Nguyễn Thị Rộng và anh Nguyễn Văn Tập.
Biên bản định giá trong vụ việc |
Tội Hủy hoại tài sản được quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự. Theo đó, “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, căn cứ không thể thiếu khi xem xét khởi tố đối với hành vi “Hủy hoại tài sản” là mức độ thiệt hại về tài sản. Trong vụ việc nói trên, điều này được thể hiện bằng biên bản định giá số 32/BB-ĐG ngày 21/9/2015 và kết luận định giá tài sản cùng ngày có số hiệu 32/KL-ĐG của Hội đồng định giá tài sản huyện Khoái Châu.
Trong biên bản định giá ghi rõ thành phần mời gồm 2 người là: ông Đỗ Bá Cường, SN 1975, ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân và ông Hoàng Văn Phúc, SN 1965 ở thôn Toàn Thắng, xã Tân Châu, cùng huyện Khoái Châu. Biên bản này còn nêu: “Hôm nay, vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 21/9/2015. Địa điểm tại trụ sở Công an huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên...”, phía dưới có chữ ký của ông Hoàng Văn Phúc và ông Đỗ Bá Cường.
Hồ sơ vụ án đã tưởng chừng rất “khớp”, nếu như trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 20/4/2016, ông Hoàng Văn Phúc không đột ngột xuất hiện. Tại phiên tòa cũng như trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Phúc trước sau đều khẳng định ông không hề được họp hội đồng định giá cũng không ký tên tại trụ sở công an mà có người mang tới tận nhà cho ông ký.
“Hôm đó, tôi đang đi mua máy thì nhận được điện thoại. Về tới nhà thì có một chị mặc trang phục màu xanh ngồi đợi sẵn nói: “Chú ký lại cho cháu cái. Hôm nọ anh T (cháu ông Phúc, làm công an huyện Khoái Châu - PV) làm sai hết, phải làm lại”. Nghe vậy, tôi cũng cứ thế ký chứ không biết trong đó có nội dung gì rồi vào ăn cơm”, ông Phúc kể.
Cũng theo lời ông Phúc, trước đó, anh T có nói với ông đây là vụ con trai, con dâu kiện mẹ. “Tôi còn bảo với thằng T là, làm gì thì làm chứ cho nó nhẹ nhẹ thôi đừng có làm nặng quá khổ người ta ra. Thằng T bảo vâng. Nó bảo tôi cứ ký không sao đâu nên tôi cũng ký chứ biết đâu sự việc lại nghiêm trọng như vậy”. Ông Phúc còn bảo, hôm ở tòa có người gọi ông ra ngoài “nói nhỏ” nhưng ông quyết không điều làm điều thất đức, trái với lương tâm.
Ông Hoàng Văn Phúc khẳng định ông chỉ được nhờ ký. |
Áp mức giá “trên trời”
Những điều ông Phúc khai trong phiên tòa khiến cho cả trăm người dân địa phương có mặt hôm đó vô cùng bức xúc. Vị chủ tọa phiên tòa đã phải khéo léo mời vị trưởng phòng tài chính “cứ về làm việc, khi nào cần tòa sẽ triệu tập” và quyết định hoãn phiên xét xử.
Không chỉ có những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về quy trình tố tụng, biên bản định giá tài sản của HĐĐG TS Huyện Khoái Châu (do bà Trần Thị Thanh Hằng - trưởng phòng tài chính huyện làm chủ tịch hội đồng, bà Ngô Thị Minh Quyên – phòng tài chính làm ủy viên) còn khiến nhiều người dân “la ó”, phản đối vì mức định giá ở “trên trời”, không phù hợp với thực tế.
Cụ thể, biên bản định giá tài sản nêu các thiệt hại gồm: Chi phí mua lạc giống trồng trên diện tích 932,36m2 tại thời điểm ngày 29/1/2015 là: 1.080.000 đồng; chi phí cày bừa: 300.000 đồng; chi phí mua phân lân: 225.000 đồng; chi phí mua vôi: 300.000 đồng; chi phí mua tro: 540.000 đồng; công làm luống, trồng lạc, bón lót, làm cỏ: 600.000 đồng. Tổng giá trị các tài sản bị thiệt hại lên tới: 3.045.000 đồng.
Ông Đỗ Bá Cường, trưởng thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân xác nhận việc gia đình chị Én có trồng lạc ở thửa đất nêu trên. Tuy nhiên tại thời điểm xảy ra vụ việc, lạc này mới chỉ trồng được khoảng 40 ngày, chưa có củ, chiều cao cây lạc khoảng 5-7-10cm. Ông Cường cũng nhấn mạnh rằng, ở địa phương, người dân không trồng lạc đơn thuần mà trồng xen với nghệ nhưng ở thời điểm đó chưa trồng xen nghệ.
Để có thêm thông tin cụ thể, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dũng, chủ nhiệm HTX DV Nông nghiệp Chí Tân, ông Dũng nhẩm tính, chi phí cho 1 sào lạc tối đa cũng chỉ vào khoảng 600.000 đồng, bao gồm 150.000 tiền giống (đó là năm giống đắt), khoảng 100.000 đồng làm đất, 200.000 đồng công trồng và 100.000 đồng tro. “Chi phí cho hơn 2 sào ruộng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng chứ không thể nào lên tới hơn 3 triệu được”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, địa phương đang vào vụ thu hoạch lạc. Mỗi sào lạc trung bình được 1,3-1,5 tạ, nhân với mức giá 7-8.000/kg thì mỗi sào lạc mới thu được khoảng 1,3 triệu đồng. “Nếu theo tính toán của phòng tài chính thì tiền chi phí trồng vượt quá cả tiền thu về. Thế thì dân chúng tôi bỏ ruộng hết chứ làm làm gì cho cực”, một người dân thôn Nghi Xuyên cho biết.
Trong vụ việc khởi tố, bắt người “bất thường” kể trên còn có rất nhiều điều khiến dư luận không đồng tình, cụ thể như việc khởi tố người lái máy cày thuê, việc bắt giam không theo đúng thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, vụ việc có dấu hiệu của việc “hình sự hóa quan hệ dân sự”. Những điều này sẽ tiếp tục được phân tích trong những bài báo sau.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Chiều ngày 12/7 , PV đã làm việc với bà Trần Thị Thanh Hằng, trưởng phòng Tài chính, đồng thời là Chủ tịch HĐĐGTS Huyện Khoái Châu về những nội dung người dân phản ánh. Bà Hằng vẫn khẳng định, HĐĐGTS (bao gồm cả ông Phúc và ông Cường) hôm đó đã họp tại trụ sở Công an huyện Khoái Châu như trong biên bản định giá nêu.
“Ông Cường là trưởng thôn còn ông Phúc là hội viên Hội nông dân. Họ đều biết chữ mà nếu không biết, mình còn phải đọc cho nghe rồi đưa tay điểm chỉ vào chứ có chữ ký, ghi đầy đủ họ tên ở đấy mà giờ lại bảo tôi chỉ biết ký chứ không biết nội dung gì thì tôi không đồngý”, bà Hằng cho biết.
Nghị định số: 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của Chính Phủ quy định: “Hội đồng định giá tài sản ở cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thành lập”. Tuy nhiên, trong vụ việc trên quyết định thành lập HĐĐG TS lại không được thể hiện trong biên bản và kết luận định giá?
Ngoài ra 1 trong những thành phần bắt buộc của HĐĐG TS là “Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn” nhưng điều này dường như cũng đã bị bỏ qua? Càng kỳ lạ hơn khi ông Hoàng Văn Phúc (người được mời trong biên bản định giá) khẳng định, gia đình ông không trồng lạc, không thu mua lạc, “bản thân ông cũng không biết gì về giá cả, chi phí trồng lạc”.
Về nguyên tắc định giá, khoản a, điều 1 Thông tư số 55/2006/TT-BTC nêu rõ: “Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai và kịp thời”.