Vui mừng vì sự phát triển của hệ thống các cơ quan THADS hôm nay nhưng nguyên Tổng cục trưởng cũng trăn trở “làm thế nào để THADS thực sự lớn và mạnh”.
Ngại va chạm vì mô hình tổ chức không rõ
Nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, rồi Cục trưởng Cục THADS, Phó Tổng cục trưởng, Quyền Tổng cục trưởng và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, thời gian gắn bó với THADS không nhiều (chỉ hơn 5 năm) song với PGS.TS Nguyễn Văn Luyện thì đây là thời gian để lại cho ông nhiều dấu ấn, đặc biệt là sự thay đổi về mô hình tổ chức của các cơ quan THADS.
Năm 1993, khi thi hành án (THA) được chuyển từ Tòa án sang cho Bộ Tư pháp quản lý thì hệ thống các Phòng THA trực thuộc Sở Tư pháp. Trưởng phòng THA do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. “Sau này không ai lý giải được tại sao thời kỳ đó lại tồn tại mô hình như vậy. Phòng THA của ai, ai chỉ đạo về cả tổ chức, chuyên môn đều không rõ. Mối quan hệ trực thuộc với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thế nào cũng là câu hỏi không lời giải đáp trọn vẹn. Vì thế, không ít Trưởng phòng THA dù được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm nhưng lại không được sự đồng ý của UBND cùng cấp nên sau này làm gì cũng rất khó khăn” - ông Luyện nhớ lại.
Đó là thời trước khi có Pháp lệnh THADS 2004. Rồi khi Pháp lệnh được ban hành, mô hình tổ chức cơ quan THA có vẻ rõ ràng hơn với việc lập THADS cấp tỉnh và cấp huyện. Điều này được hiểu là THA địa phương hoàn toàn chịu sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, mà Cục THA giúp lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý này. Tuy nhiên, vai trò của Cục THA lúc này cũng vẫn mờ nhạt, nhiều vụ án phức tạp hoặc nhiều việc về tổ chức cán bộ như bổ nhiệm Trưởng, Phó THA cấp tỉnh lãnh đạo Bộ chỉ đạo trực tiếp.
Nhớ lại năm 2006, khi rời TP.HCM ra Hà Nội đảm nhận cương vị Cục trưởng cục THADS, nguyên Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Luyện cho biết, toàn ngành phải thi hành đến 650 ngàn việc, trong đó thụ lý mới của năm 2007 là hơn 200 ngàn vụ, còn lại là tồn từ năm cũ chuyển sang. “Năm nào ra Quốc hội, nhiều ý kiến cũng chất vấn sao để nhiều án tồn đọng thế, lãnh đạo Bộ, anh em trong ngành rất trăn trở. Nhưng phải hiểu rằng, 450 ngàn vụ việc đó là nhiều vụ cứ tích từ năm này qua năm khác, từ thời chuyển giao (1993), thậm chí có những vụ tồn từ năm 1958 vĩnh viễn không thể thi hành, trong khi đó kinh tế phát triển, nhiều vụ án có giá trị lớn, phức tạp khó thi hành ngày càng nhiều” - ông Luyện tâm sự.
Với trăn trở những vụ án tồn vĩnh viễn không thể thi hành như vậy, hàng năm tốn bao sức người, sức của xác minh, đôn đốc, gây bức xúc trong xã hội, ông Luyện đề xuất xây dựng Đề án miễn thi hành cho những khoản thu cho ngân sách nhà nước với khoảng 50 ngàn việc. Tuy nhiên, đề án chưa được thông qua mà hiện đang được xem xét trong sửa đổi Luật THADS.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) — PGS.TS Nguyễn Văn Luyện |
Nói về sự ra đời của Luật THADS và các nghị định hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Nghị định 74/CP của Chính phủ, ông Luyện hồ hởi “Đây là các văn bản quy phạm pháp luật vô cùng quan trọng làm thay đổi tổ chức hệ thống cơ quan THADS. Theo các văn bản này, cơ quan THADS đã là hệ thống theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Vị thế cơ quan THA được nâng lên, anh em trong toàn ngành rất phấn khởi và đây có thể nói là sự thay đổi mạnh mẽ, tích cực nhất kể từ khi cơ quan THA được chuyển giao từ ngành Tòa án”.
Vị thế mới của cơ quan THADS đã tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các cán bộ, chấp hành viên trong công tác chuyên môn. Với lực lượng hùng hậu gần 10.000 cán bộ công chức, cơ sở vật chất trang thiết bị cho THA được bảo đảm, ngày càng lớn mạnh, ông Luyện đặc biệt ấn tượng và vui mừng vì sau nhiều năm, đến nay chỉ còn hơn 200 ngàn vụ án tồn đọng. Hàng năm, tỷ lệ thi hành án về việc và về tiền năm sau đều cao hơn năm trước.
Mặc dù đánh giá cao sự phát triển của các cơ quan THADS hôm nay nhưng ông Luyện cũng còn nhiều trăn trở. Theo quan điểm cá nhân ông, muốn quản lý được thì nhất thiết phải nắm được về tổ chức và kinh phí. Mô hình của hệ thống cơ quan THADS hiện nay là Cục THADS thuộc Tổng cục, các Chi cục thuộc Cục. Theo nguyên lý chung, anh lãnh đạo đơn vị thì anh có quyền bổ nhiệm lãnh đạo cấp dưới của mình (Tổng cục bổ nhiệm lãnh đạo Cục, Cục bổ nhiệm lãnh đạo Chi cục). Tuy nhiên, hiện nay các chức danh lãnh đạo các Cục THA tỉnh và các vụ thuộc Tổng cục THADS lại do Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm, do đó nếu có sai phạm trong công tác thì Tổng cục trưởng cũng không được quyền đình chỉ vì việc này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Điều này gây những hạn chế ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công việc.
Tương tự và về tài chính, ông Luyện cho rằng cần sửa lại Thông tư phân cấp của Bộ trưởng để tạo điều kiện cho Tổng cục trưởng có được tầm nhìn bao quát trong lĩnh vực tài chính, có như vậy may ra Tổng cục mới quản lý hiệu quả được ngân sách nhà nước giao cho.
Trước tình trạng cán bộ, chấp hành viên cơ quan THADS vi phạm kỷ luật ngày càng có chiều hướng tăng, ông Luyện lý giải, sai phạm có nhiều dạng, phổ biến nhưng bị phát hiện ít nhất, đó là việc cố tình dây dưa không chịu đưa án ra thi hành. Một số việc thi hành ấu trĩ, không phải việc của mình hay không thuộc những khâu mình phải làm nhưng vẫn làm, rồi những sai phạm về tài chính. “Phát hiện sai phạm cũng có thể hiểu là đã tích cực kiểm tra, giám sát, sai thì phải xử lý”. Ông Luyện nói nhưng ông cũng dẫn ra nhiều việc mà dù đã bị xử lý rồi nhưng trong lòng ông vẫn không yên. Đó là một số vụ chấp hành viên bị xử lý hình sự. “Cái sai nó do nhiều nguyên nhân, trong đó có những việc không hoàn toàn do lỗi của chấp hành viên”.
Tăng cường kiểm tra giám sát của Bộ, Tổng cục là điều cần làm, tuy nhiên theo ông Luyện, các cơ quan như công an, tòa án kiểm sát cũng cần thận trọng hơn. Nếu một công dân bị hàm oan, thì chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ, gia đình họ, nhưng một công chức tư pháp bị oan ngoài những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu như một công dân bình thường, thì việc đó (oan) còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả một lực lượng (khoảng 10.000 người).
Khi được hỏi có tâm tư, mong muốn gì, ông Luyện cho rằng trong công tác tổ chức quan trọng nhất là chọn người đứng đầu cơ quan THA. “Kinh nghiệm cho thấy người đứng đầu quyết định đến hơn 50% sự thành hay bại. Nhưng đơn cử với một Cục trưởng THA thì cũng không đơn giản, vì còn phải có ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương, của lãnh đạo Bộ, Tổng cục. Để tất cả các ý kiến đó đều đồng thuận không hề đơn giản. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp Bộ trưởng phải quyết đoán trong lựa chọn người đứng đầu.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ THADS cũng phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Để vượt qua được khó khăn, để bảo vệ công lý và đảm bảo công bằng xã hội, người cán bộ THA phải có bản lĩnh. Bản lĩnh của người cán bộ THA không những chỉ giúp vượt qua được khó khăn xuất phát từ mâu thuẫn giữa pháp luật và công lý, mà còn là chìa khóa để vượt qua được những thử thách trong nhiều trường hợp bị gây áp lực từ nhiều phía, ông Luyện nói và cho rằng - Trong hoạt động thi hành bản án, chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp thương tâm của những người dân nghèo khổ bị sa vào vòng lao lý hoặc kiện tụng, mất mát tài sản, gia đình tan nát; chúng ta cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp do sơ suất, do yếu kém hoặc cố tình của lãnh đạo (doanh nghiệp) mà đẩy hàng trăm, hàng ngàn người mất công ăn việc làm, mất thu nhập.. Trong hoàn cảnh như vậy, một cán bộ THA ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ, phải có sự cảm thông sâu sắc đối với những người phải THA. Tóm lại, bản lĩnh và cái tâm là hai yếu tố quan trọng hàng đầu làm chúng ta mạnh hơn.”
“Chúng ta có thể tự hào để nói rằng: Chúng ta lớn và đang mạnh dần lên! Cha ông ta hay sử dụng hai từ “lớn” và “mạnh” làm một cụm từ “lớn mạnh”. Điều này đúng nhưng từ chỗ “lớn” đến “lớn mạnh” là một quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng không ngừng. Tôi cũng hy vọng vào một ngày gần nhất, toàn thể cán bộ công chức Ngành THA trong cả nước có thể ngẩng cao đầu tuyên bố: Chúng tôi đã lớn mạnh!”. Chia sẻ của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục THADS thay lời kết cho bài viết này.