Cảnh sát “có phép phân thân”, hé lộ oan khuất trong kỳ án vườn mít

Bị cáo Lê Bá Mai
Bị cáo Lê Bá Mai
(PLO) - Kỳ án vườn mít nhiều năm nay “bí ẩn”,  theo các luật sư, hồ sơ vụ án cho thấy nhiều nội dung mâu thuẫn, bất hợp lý trong các bút lục. Cùng một lúc, hai điều tra viên lại làm việc với một nhân chứng ở hai địa điểm khác nhau. Có điều tra viên trong cùng một thời điểm vừa đi giao tang vật, lại vừa ngồi làm việc với nhân chứng ở hai nơi, tốc độ đi lại nhanh như có “phép màu”.
Vụ án vườn mít là tên nôm na vụ án Lê Bá Mai bị kết án hiếp dâm trẻ em, giết người xảy ra ở tỉnh Bình Phước năm 2004. Từ đó đến nay, Mai đã bị hai bản án tuyên tử hình, một bản án tuyên vô tội, một bản án và một quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy án điều tra lại, hai bản án tuyên tù chung thân nhưng dư luận vẫn chưa tâm phục khẩu phục.
Vụ án càng “nóng lên” khi giữa tháng 7/2014, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình gặp tiến sĩ Vũ Đức Khiển (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đối thoại về vụ án này.
Bà Thu đặt nghi vấn về sự dàn dựng hiện trường một cách không khéo léo để đổ tội cho bị cáo. Ông Khiển cho biết 4 năm làm lãnh đạo VKSNDTC, mỗi năm duyệt khoảng 400 vụ án nhưng “chưa thấy vụ án nào có nhiều điểm kỳ lạ như vụ án này”.
Phía VKSNDTC sẽ đề nghị liên ngành Tòa án, Công an cùng xem xét lại vụ án để làm rõ. Một lần nữa, số phận pháp lý của Mai lại được đặt lên bàn cân công lý.
Điều tra viên vừa bảo vệ hiện trường, vừa lấy lời khai nhân chứng
Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba vào tháng 8/2013, luật sư Huỳnh Thế Tân bào chữa cho bị cáo đã đọc bài bào chữa dài gần 40 trang nêu rất nhiều tình tiết mâu thuẫn, phi lý, vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng. Nhiều bút lục ghi lời khai của bị cáo và nhân chứng mâu thuẫn về thời gian, địa điểm, các biên bản của các điều tra viên cũng mâu thuẫn nhau.
Trước hết là các bút lục liên quan đến điều tra viên Lê Đức Hiền. Tại bút lục 354, điều tra viên Hiền tường trình: “Từ 13h ngày 16/11/2004 sau khi nhận được tin báo của Công an xã An Khương về việc phát hiện một xác chết… Đến 14h30’ cùng ngày đồng chí Phước và đồng chí Thi quay về công an huyện để báo cáo và tôi đã viết báo cáo cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước biết.
Sau khi báo cáo xong tôi đi đến hiện trường xảy ra vụ việc (cách công an huyện hơn 20 km), triển khai công tác bảo vệ hiện trường, tử thi và tổ chức xác minh nhằm làm rõ vụ việc… Tôi ở tại hiện trường tiếp tục những công việc đã nêu trên, đến 21h cùng ngày về công an huyện”.
Trong khi ở các bút lục khác cho thấy trong buổi chiều này ông Hiền đã lấy lời khai hai nhân chứng là cháu Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Trong (bút lục 55, 64, 65). Có sự bất hợp lý là từ 14h30’ mới được điều tra viên Phước và ông Thi từ hiện trường về báo cáo vụ việc, sau đó điều tra viên Hiền còn ngồi viết báo cáo gửi công an tỉnh rồi mới đi đến hiện trường cách đó khoảng 20 km, tới nơi thì đi thẳng ra hiện trường, làm rất nhiều việc liên tục tới 21h. Vậy ông Hiền lấy đâu ra thời gian để lấy lời khai của hai người kia?
Hai biên bản làm việc cùng lúc với 1 nhân chứng ở hai nơi cách nhau 6km
Tại bút lục 64, 65, điều tra viên Hiền lấy lời khai của nhân chứng Trong từ lúc 17h ngày 16/11/2004 và kết thúc chỉ ghi “kết thúc cùng ngày”, lại không ký tên dưới bản lấy lời khai. Địa điểm lấy lời khai là ấp 1, xã An Khương.
Ngược lại, các bút lục 71, 72, 73, 74 do điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn lấy lời khai ông Trong tại trụ sở Công an xã An Khương, bắt đầu từ 16h – 18h cùng ngày.
Không lẽ ông Trong có phép thần thông có thể bay qua bay lại giữa ấp 1, xã An Khương và trụ sở Công an xã An Khương để cùng một lúc làm việc với hai điều tra viên ở hai địa điểm cách nhau khoảng 6 km?!
Biên bản khám nghiệm hiện trường (bút lục 22) bắt đầu lúc 8h ngày 17/11/2004, kết thúc lúc 9h30’ cùng ngày có tên điều tra viên Hiền nhưng không có chữ ký của ông Hiền, quái lạ hơn nữa là tại bút lục 55 lại cho thấy trong thời gian khám nghiệm hiện trường, điều tra viên Hiền lại đang lấy lời khai của nhân chứng Điểu Ky.
Không lẽ ông Hiền lấy lời khai ông Điểu Ky ngay tại hiện trường? Hay ông Hiền có phép phân thân để vừa chỉ đạo việc khám xét vừa lấy lời khai nhân chứng?
Công an đang khám nghiệm hiện trường vụ án
Công an đang khám nghiệm hiện trường vụ án 
Tại bút lục 70, ông Hiền lấy lời khai nhân chứng Trường, người cùng làm việc chung với Lê Bá Mai, ông Hiền cũng không ký tên, người khai không ký mà thay bằng 3 chữ thập, thời gian bắt đầu lúc 20h, không ghi thời gian kết thúc. Địa điểm lấy lời khai ông Trường lại ở công an xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Không thể có chuyện kỳ lạ hơn.
Đi lại, làm việc với tốc độ như trong phim hành động Mỹ
Điều tra vụ án hình sự đòi hỏi sự chính xác cao độ để việc kết tội của tòa án không gây oan cho người vô tội. Thế nhưng trong vụ án vườn mít, việc điều tra viên vi phạm các nguyên tắc của việc điều tra, lấy lời khai… một cách bừa bãi lại xảy ra dày đặc. Không chỉ điều tra viên Hiền mà hai điều tra viên Nguyễn Thanh Phước, Nguyễn Hữu Huấn cũng thể hiện sự “phân thân” khi cùng lúc lại làm hai việc khác nhau ở hai nơi khác nhau.
Điều tra viên Phước lấy lời khai của cháu Hằng tại bút lục 56, từ 14h10’ – 15h10’ ngày 16/11/2004, có ông Điểu Ky tham dự. Nhưng vào lúc 14h30’ cùng ngày, theo bản khai của điều tra viên Hiền tại bút lục 354, lúc đó điều tra viên Phước đang ở công an huyện để báo cáo cho điều tra viên Hiền (?!). “Phải có khả năng đi mây về gió thì điều tra viên mới làm được chuyện không tưởng như vậy”, bài bào chữa của luật sư Huỳnh Thế Tân viết.
Lúc 13h điều tra viên Hiền nhận được tin báo có tử thi, sau đó mới phân công điều tra viên Phước đến hiện trường cách đó hơn 20km. Thế nhưng biên bản điều tra viên Phước lấy lời khai của ông Điểu Ky ghi bắt đầu lúc 13h20’. Chỉ mất 20 phút từ khi ông Hiền nhận tin báo rồi phân công ông Phước điều tra, ông Phước đã làm việc với ông Điểu Ky, trong khi ấp 1, xã An Khương cách công an huyện khoảng 20km, thật là tốc độ kỷ lục.
Bất hợp lý hơn nữa, tới 15h10’ điều tra viên Phước mới kết thúc lấy lời khai cháu Hằng, thì vào lúc 14h30’ (trước đó 40 phút) ông Phước đã về công an huyện, báo cáo với điều tra viên Hiền, rồi tới 15h30’ (tức 20 phút sau khi kết thúc lấy lời khai cháu Hằng), ông Phước đã có mặt tại Công an xã An Khương để hỏi cung Lê Bá Mai (bút lục 85), dù từ công an huyện đến công an xã cách nhau khoảng 26 km.
Tại bút lục 352, điều tra viên Phước viết: “Khoảng 16 – 17h ngày 16/11/2004 tôi được phân công đến Công an xã An Khương để lấy lời khai ban đầu của Lê Bá Mai”. Nhưng tại bút lục 85, 86 ghi vào 15h30’ cùng ngày đó, ông Phước đã lấy lời khai của Mai, kết thúc lúc 17h. Cùng một sự việc nhưng thời gian trong các bút lục trùng lắp nhau như vậy, liệu các hồ sơ như vậy có đáng được tin cậy để kết án giết người?
Thông báo xử lý tin trực ban hình sự của Công an tỉnh Bình Phước ghi rõ: “Vào lúc 15h30’ ngày 16/11/2004 Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước nhận được tin báo của Công an huyện Bình Long…”. Thế nhưng chỉ 30 phút sau khi nhận tin báo, điều tra viên Huấn đã có mặt tại xã An Khương để lấy lời khai ông Trong (bút lục 71).
Trong thực tế, quãng đường tắt từ trụ sở Công an tỉnh Bình Phước đi xe hơi về tới xã An Khương khoảng hơn 50 km, nhanh nhất cũng tốn hơn một giờ đồng hồ. Làm cách nào mà ông Huấn có thể đi chặng đường dài như thế với thời gian quá ngắn như trong bút lục 71 đã ghi nhận? Và làm sao cùng lúc hai điều tra viên có thể cùng hỏi, cùng ghi câu trả lời để viết ra hai bản lấy lời khai riêng đối với cùng một nhân chứng?
Trong bài 2 của loạt bài đăng tải trên số báo ra ngày Thứ Năm (28/8/2014), Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ ra những mâu thuẫn, sai sót cơ quan tố tụng mắc phải tại hiện trường vụ án hiếp dâm, giết người “kỳ quái”. Mời độc giả tìm đọc./.

Đọc thêm

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter
(PLVN) - Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) là đồng bọn của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) đã bị cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp Cảnh sát Interpol ra Quyết định truy nã quốc tế.

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

TP HCM: Triệt phá nhiều đường dây ma túy trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Giám đốc Công an TP trao khen thưởng cho 11 tập thể, 06 cá nhân các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. (Ảnh: CACC)
(PLVN) - Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện; đối tượng sử dụng, nghi sử dụng; đối tượng bán và tụ điểm mua bán, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM và các quận/huyện truy xét, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ hàng chục đối tượng.