20 năm phải chạy ăn từng bữa nhưng vợ chồng anh Đỗ Ngọc Nam (SN 1972) và chị Huỳnh Thị Lạc (SN 1974, ngụ thôn Ba Hương, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vẫn cứ sinh con năm một.
“Kỷ lục gia”
“Kỷ lục” bị phanh phui khi cuối tháng 12/2014, anh Nam bị tai nạn, phải đưa tới bệnh viện tại TP. Tam Kỳ phẫu thuật. Phải mổ gấp, không có tiền, chị Lạc phải tất tả bán tháo nương sắn, ở lại chăm chồng. Ngày thứ hai cha mẹ ở bệnh viện, không có cái ăn, đàn con nheo nhóc băng rừng tìm xuống bệnh viện ở cùng ba mẹ.
Cả chục đứa trẻ lít nhít được cô chị 18 tuổi làm “tổng quản” vây quanh cha mẹ. Nhiều người ái ngại hỏi thăm, chị Lạc thành thật: “Chồng tui 42 tuổi, tui mới 40, ngoài “đám” này, vợ chồng còn có thêm 8 đứa khác nữa, đứa ở nhà chăn trâu thuê, đứa đi làm tận trong Nam”.
Cả bệnh viện biết chuyện xôn xao. Tin lan đến nhiều Sở ban ngành khác ở tỉnh, bà Hoàng Thị Minh Đoàn (Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My), khi có người điện, mới gục gặc đầu.
Bà Đoàn hài hước xác nhận: “Về Bắc Trà My, cứ hỏi nhà “cái anh chị đẻ nhiều”, ai cũng biết. Đôi vợ chồng này đang đưa cả huyện, cả tỉnh xác lập “kỷ lục” không mong muốn: Hộ nghèo nhất, sinh con đông nhất”.
Ngôi nhà của anh Nam, chị Lạc nằm tách biệt phía cuối làng Ba Hương. Muốn vào được nhà, phải men theo con đường dốc phía sau, vì phía trước án ngữ đập nước chạy qua ruộng lúa. Ngày mùa đông, mưa ướt nhẹp, mấy đám trẻ nhỏ nằm dưới nền nhà lạnh quá không ngủ được, nên trở dậy sớm đốt lửa hơ tay; mấy đứa lớn ăn vội củ sắn rồi “đội tơi” (áo mưa tận dụng từ miếng nilon) đi chăn trâu bò thuê.
Anh Nam kể, vợ anh trước đã qua 1 đời chồng, có 1 con gái. Chị Lạc mang thai khi mới 17 tuổi, ở với nhau không được bao lâu, người chồng bỏ rơi. Cũng một cảnh nghèo và hiểu rõ về chị Lạc, anh xin gia đình mang cả 2 mẹ con về sống cùng.
Đầu năm 1992 cưới, tháng 7 cùng năm, vợ chồng cho ra đời cô con gái Đỗ Thị Tinh. Sinh được 3 tháng, chị Lạc mang bầu lại. Kể từ đó, cứ năm một, những đứa trẻ họ Đỗ suýt soát nhau theo thứ tự “tòi” ra. Gọi tên đủ 14 người con chung và 1 đứa con riêng của vợ, người cha cũng phải vấp mấy lần mới nhớ hết và đọc chính xác.
Bình thường, ban ngày vợ chồng anh không có ở nhà. Đến tối mịt mới về. Hôm nào nghe tin có người lạ tìm tới, anh phải trốn luôn ngoài rừng vì …sợ gặp cán bộ dân số. Mọi công việc gia đình, giao cho Đỗ Thị Hương (18 tuổi) quán xuyến và chăm 5 đứa em nhỏ, bé nhất được 2 tuổi.
Lý sự cùn
Anh Nam kể, nhà có 3 sào ruộng, để cải thiện thêm, anh sang làng bên nhận ruộng người khác làm, chia theo tỉ lệ, anh 2 phần, chủ 1 phần. Năm nào thuận lợi, gia đình thỉnh thoảng còn có bữa cơm trắng. Có thời điểm vợ chồng đi phát keo thuê, mỗi ngày kiếm hơn 300 ngàn, nhưng mua bịch gạo 10 kg ăn chỉ 2 ngày là hết, nên số tiền ấy cũng như “gió vào nhà trống”. Họa hoằn lắm vợ anh mới dành tiền mua ít thịt cải thiện.
Căn nhà hàng chục năm qua không có điều kiện tô vữa, tường xuống cấp loang lổ. Lớn nhỏ, cứ tối đến, các con anh trải chiếu dưới nền nhà ngủ. Riêng chị Hòa, do sinh nở và “ưu tiên” trẻ sơ sinh nên được nằm chiếc chõng tre.
Đường vào căn nhà vợ chồng có 15 đứa con |
Nghèo lại gặp cái eo. Năm 2013, anh bị tai nạn giao thông, phải nẹp sắt ở bả vai. Sau khi vết thương lành, thay vì đi mổ lấy nẹp ra, anh không có tiền nên cứ phải sống chung với dị vật trong người. Tưởng có thể chịu đựng được, oái ăm, cuối năm 2014 đi làm bị ngã té. Cây sắt chọc da thịt lòi ra ngoài, đành phải đi viện.
Phẫu thuật thành công nhưng di chứng để lại lớn, nay anh mất sức lao động, nằm nhà trông con.
Hỏi cuộc sống đông con vậy có thấy cực khổ không? “Cực chớ”, anh Nam đáp nhanh. “Sao còn đẻ nhiều?”. Anh đổ lỗi: “Cái chuyện ni thuộc về… tạo hóa chớ răng hỏi tui. Cán bộ y tế thôn và cán bộ dân số của xã có hướng dẫn biện pháp tránh thai rồi, dặn làm làm thế này, làm thế nọ, nhưng thấy phiền phức, tui bỏ đó, chẳng dùng cái chi.
Còn áp dụng biện pháp tiêm ngừa, cứ 3 tháng phải ra xã một lần, tui không nhớ. Thực ra, tui tính chỉ sinh đủ… chục chẵn (12 theo cách tính của người địa phương - PV) thôi, nên về sau được khuyên đặt vòng, tui chở vợ ra ngoài xã. Tuy nhiên, cán bộ nói “bó tay”, đẻ nhiều quá không đặt vòng được nữa. Rứa rồi, tui mới có thêm 2 đứa sau”, anh Nam giải thích.
Anh Nam cũng cho biết thêm, các con anh, đứa nào cũng sinh ở nhà hết, không đi trạm xá bao giờ. Vợ chồng cứ nghĩ, ngày xưa “đói lên đói xuống” mà ông bà còn đẻ tới vài chục đứa, giờ có điều kiện hơn nên cứ mặc nhiên “sản xuất”.
Nói về hoàn cảnh của gia đình này, ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông thở dài: “Nghèo nhất xã, đã thế còn sinh quá nhiều con nên căn nhà trống trơn từ trước ra sau. Xã hỗ trợ cũng có mức độ.
Riêng chuyện lập “kỷ lục” buồn cho địa phương, Ban chỉ đạo dân số xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hết lần này đến lần khác, thay nhau đến động viên, tuyên truyền và phổ biến các biện pháp phòng ngừa nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy”.
“Cán bộ y tế thôn đến mòn đường, cứ như nước đổ đầu vịt, quay đi quay lại đã thấy cái bụng chị Lạc “lùm lùm” to lên. Nói nhiều, thì vợ chồng họ vặc lại: “Đẻ được tui nuôi được, cũng không xin hộ nghèo của “mấy ông đâu” mà nói ảnh hưởng đến địa phương””, chủ tịch xã nhăn nhó phân bua.
Bà Hoàng Thị Minh Đoàn (Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My) cho biết, thấy xã hết cách, huyện vào cuộc. Nghe ngóng có người, họ trốn cửa sau, không thể cùng lúc gặp cả 2 vợ chồng. Cũng vì đi đến nhà này nhiều quá mà bà Đoàn nắm rõ tên tuổi, năm sinh của từng đứa con anh Nam chị Lạc hơn cả cha mẹ chúng.
Sau khi sự việc “vỡ lở”, các đoàn thể, Sở ban ngành tỉnh chỉ đạo phải vào cuộc mạnh, bà Đoàn cử lực lượng quyết đeo bám vận động. Anh Nam “lý sự cùn”:
“Đông con như rứa, nên mọi công việc từ làm nhà, tỉa bắp, gặt lúa, chưa bao giờ vợ chồng tôi phải thuê nhân công cả. Cái lợi trước mắt có rồi đó. Sau này tôi huy động hết đám con đi làm thuê, tiền góp mang về, mỗi tháng có khi còn nhiều hơn cả lương cán bộ các ông bà nữa nữa ấy chứ”. Cán bộ bó tay, đành lắc đầu quay về./.