Mất chức vì sinh bốn đứa con
Anh Nguyễn Văn Tâm (42 tuổi, ngụ xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) trước đây là một người có học thức, tài ăn nói khéo léo, không rượu chè, kinh tế gia đình ổn định. Năm 30 tuổi anh đã được bầu giữ chức Trưởng ban Công tác Mặt trận trong thôn.
Sau 3 năm làm cán bộ, anh Tâm sinh đứa con thứ 3 nên bị kỷ luật, khiển trách. Từ đó, anh bắt đầu “xuống cấp” tinh thần, hay nhậu nhẹt hơn, mỗi lần nhậu về lại kiếm chuyện gây gổ với vợ, với con. Anh cho rằng vì vợ sinh con thứ 3 làm ảnh hưởng đến công việc của anh, còn bị người làng cười chê.
Chị Trần Thị Hoa (35 tuổi, vợ cũ của anh Tâm) rầu rĩ chia sẻ: “Chồng tôi đi đâu nghe người ta nói đến chuyện “Đảng viên mà sinh con thứ 3” là lại lên máu sĩ diện điên đảo. Thời gian này anh hay đi nhậu, về lấy cớ la rầy tôi liên tục, chán nản rồi “làm bừa”.
Đến năm 2006, tôi lại tiếp tục sinh đứa thứ tư, cuộc sống của Tâm càng trở nên tồi tệ. Gặp ai Tâm cũng không dám ngẩng cao đầu, đồng thời ít tiếp xúc với mọi người. Tâm luôn đổ thừa vì vợ nên cơ nghiệp của mình mới xuống dốc.
Càng “bế tắc”, càng sinh nhiều con
Năm 2008, chị Hoa có bầu và sinh đứa thứ 5. Chị Hoa tâm sự: “Sau ngày tôi sinh đứa con thứ 5, anh Tâm có nhiều biểu hiện rất lạ, anh luôn tìm mọi cách để gây sự với tôi, bao nhiều đồ đạc quý giá trong nhà anh đều đưa ra bán hết, người ta đồn anh ngoại tình với một người phụ nữ cùng ở trong làng này, nhưng tôi không hề ghen tuông. Thời gian này tôi lại bị đau đớn về thể xác. Không biết sao số phận tôi lại oái ăm đến thế”.
Rớt nước mắt, chị Hoa kể tiếp: “Đến đầu năm 2011, có một lần anh Tâm nhậu say rồi về lúc nửa đêm, vừa về đến nhà anh đã nắm tóc lôi đầu tôi dậy, bắt tôi quỳ rồi đánh đập dã man, đấm đá, dúi tôi vào góc nhà. Không chỉ đánh, anh còn lăng mạ tôi: “ Đồ con quỷ cái, vì mi mà tau mất hết tất cả”.
Không chịu được những trận đòn, tôi lao ra khỏi nhà và chạy qua nhà hàng xóm trốn, chạy hết sức bị ngã nhưng vẫn cố gắng bò đến cửa bếp nhà bên cạnh. Quá kiệt sức nên tôi đã ngất lịm đi, hàng xóm hoảng hốt đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu”.
Chị Hoa nhập viện trong đêm đó. Hai hôm sau anh Tâm mới đến bệnh viện. Người đàn ông này giả vờ lo lắng đến gặp vợ. Ai đến thăm, anh đều nói: “Nửa đêm vợ đau đầu nên qua nhà hàng xóm xin dầu rồi trúng gió ngất bên đó. Tôi không biết chi mô”.
Anh Tâm không những nói dối trắng trợn mà còn hù dọa vợ nếu nói khác đi, anh sẽ cho nằm lại ở bệnh viện “dài hạn” luôn. Chị Hoa kể “Lúc tôi được xuất viện chuẩn bị về thì anh ta đã nghiến răng nói nhỏ với tôi: “Tau đang để sẵn cây dao dưới giường, về nhà nếu ai hỏi thì phải nói như lời tau dặn, không thì tau lấy dao chặt làm ba khúc”.
Về nhà gặp bà con thân thích đến thăm tôi, anh Tâm thản nhiên nói dối. Còn phần tôi thì ngậm đắng nuốt cay để che đậy tội lỗi của chồng, tôi sợ nếu nói ra sự thật sẽ làm anh mất uy tín, anh lại giận, người “thiệt hại” vẫn lại là mẹ con tôi”.
Giấu xong chuyện đánh vợ, cứ tưởng rằng anh Tâm sẽ thương vợ nhưng ai ngờ anh lại “được nước lấn lướt”. Vài tháng sau, chịu không nổi trước cảnh chồng hành hung, đánh đập nên chị Hoa quyết định khăn gói quy y cửa phật, mang theo đứa con trai út vào đến tận chùa Đại Tồng Lâm (Vũng Tàu).
Đi hơn một tháng, đêm đêm nghĩ về mấy đứa con của mình đang ở nhà, lòng chị lại đau như cắt. Một tháng sau, chị cứ tưởng rằng đã bỏ đi một tháng chắc chồng cũng đã hồi tâm chuyển ý nên trở về. Nhưng vừa tới nhà, chị đã nhận được những lời chửi thô tục của người chồng: “Đi làm điếm một tháng về sướng không? Chịu không nổi tủi nhục nên về hả”.
Cay đắng trước nhưng lời chửi bới của chồng nhưng chị Hoa vẫn ngậm ngùi khóc, không một lời phản kháng phần vì sợ đòn, phần vì muốn yên chuyện.
Thêm lần đánh vợ nhập viện để lấy cớ ly hôn
Vào một đêm cuối hè năm 2012, anh Tâm đòi cầm sổ đỏ để vay tiền, chị không đưa, hai người lời qua tiếng lại. Kết quả, người đàn bà tội nghiệp này lại bị một trận nhừ đòn phải nhập viện. Lần này anh Tâm không một lần vào thăm. Ở nhà anh tự viết đơn ly dị và giấy phân chia tài sản, công nợ. Chị Hoa về nhà, anh bắt ký tên vào đơn để nộp tòa án.
Mặc cho vợ van xin lấy lý do vì con nên vẫn chung sống với nhau, anh Tâm thẳng thừng đòi ly dị. Trong đơn anh ghi lý do: “Vì vợ tội yếu ớt, què quặt, ăn bám vào xương sống của tôi nên đường ai nấy đi”.
Những lời lẽ này khiến chị Hoa chết lặng: “Tôi không ngờ chồng tôi lại nhẫn tâm đến như vậy, dù hết lần này đến lần khác tôi đều nhường nhịn và hai bên gia đình nội ngoại can ngăn nhưng anh quyết ly dị. Tôi tuy bị dị tật ở chân nhưng vẫn kiếm ra tiền. Mỗi ngày đi buôn đồng nát tôi kiếm được vài chục nghìn mua mắm, mua muối, rau cháo nuôi con. Thế nhưng, dù tôi có làm thế nào anh ta cũng đòi bỏ, tôi chỉ thấy thương cho mấy đứa con của mình.
Hình minh họa |
Lấy nhau 16 năm trời, vì anh, tôi đã hi sinh nhiều thứ, vậy mà cuối cùng bị mang tiếng ăn bám nên chồng bỏ. Níu kéo không thành, nhục nhã nhưng tôi đành chấp nhận ký vào đơn ly hôn và giấy chia tài sản mà chồng đã viết ra”, chị Hoa nói trong nước mắt.
Anh Tâm dùng số tiền chia tài sản để mua một ít vật liệu xây một căn nhà nhỏ ở vùng đồi núi của làng. Nơi đây không có điện lại gần lăng mộ nên đứa con gái thứ 3 xin ba về ở với bà nội.
Từ ngày ra ở riêng, anh Tâm tự do nhậu nhẹt, say be bét hơn. Có bao nhiêu tiền anh đều dùng để mua rượu. Trong căn nhà nhỏ, đêm đến lại nghe tiếng la mắng chửi bới của một người đàn ông say xỉn.
Điên loạn, đánh đập con phải bỏ nhà đi
Một người trong làng kể: “Tâm chia tay với vợ được 2 năm nay, rồi rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Khi không có rượu nó còn biết người này người khác, nhưng đến khi có chút rượu vào thì nó lại xé áo quần, lang thang khắp nơi, ai hỏi thăm đều bị gây sự, thậm chí đánh.
Nó có mấy sào ruộng, đứa con trai ở cùng làm nên mỗi khi không có tiền là nó lấy gạo xuống đổi, còn không có gạo thì mua chịu. Có mấy lần tôi không bán, nó đe dọa sẽ đốt quán. Vì sợ thằng này “cố cùng liều thân” nên tôi phải bán, giờ nợ đến gần cả triệu đồng rồi, nhưng chắc món nợ này không bao giờ đòi được”.
Nhiều lần anh Tâm còn đánh đập đứa con trai đang ở chung với mình. Lần gần nhất vào một ngày cuối tháng 7/2014, sau khi nhậu say về, không biết nguyên cớ gì anh lôi cổ con ra đánh. Chịu không nổi trước đòn roi của cha, đứa con trai bỏ nhà đi lang thang.
Vì thương con chị Hoa cùng họ hàng, làng xóm đi tìm. Mãi đến ba ngày sau, chị Hoa khóc đến ngất lịm, hi vọng đã quá mong manh thì đứa con trở về : “Mẹ ơi, con đói”.
Sau lần anh Tâm đánh khiến con phải bỏ nhà đi, chị Hoa đã viết đơn lên thôn nhờ can thiệp. Chính quyền thôn bất lực, vì cho rằng hiện tình trạng của Tâm rất trầm trọng, không còn làm chủ được hành vi của mình. Nhiều người trong thôn cho rằng anh bị điên. Không ai dám tiếp xúc với anh.
Phóng viên tìm đến căn nhà trong rú để gặp anh Tâm. Không có đường đi xe máy, phải đi bộ chừng 30 phút, qua một khoảng rú đầy cát, cây bụi và lăng mộ mới đến được căn nhà. Trong căn nhà nhỏ khoảng 20 m2 chỉ có một cái giường tre, một vài bộ áo quần rách rưới và một cái bàn nhỏ để một số vật dụng, bên chiếc đèn điện xạc bằng ắc quy. Dưới gian bếp lạnh ngắt có 3 cái nồi nhỏ.
Vừa nhìn thấy người lạ, ông chủ nhà đã lao ra khỏi nhà, ba chân bốn cẳng chạy mất hút, vừa lao đi vừa chửi vọng lại: “Chúng bay tới bắt tao à, tao không đánh người, không đánh người”. Tiếng gào thét cùng bóng anh mất hút sau những bụi rậm.
Trở về làng, được biết thêm, nhiều đêm nhậu say, anh Tâm lại “nhớ” nên về nhà của vợ cũ, đập cửa đòi vào cho bằng được nhưng chị Hoa không đồng ý tiếp. Hiện tại anh Tâm rất ít khi xuất hiện. Thi thoảng, anh mới tới quán rượu vào đêm tối, chỉ uống nhanh rồi mất hút. Người trong làng không ai dám tìm đến anh. Người lớn gặp anh thì tránh, trẻ con gặp anh thì chạy vì sợ. Chỉ vì đẻ nhiều, sĩ diện, cộng thêm rượu chè làm cho tan hoang nhà cửa, rồi rơi vào cảnh khốn khổ điên loạn.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)