Loài hoa li ti cánh hồng pha trắng hoang dã mà lãng mạn đó đã gắn bó với bao thế hệ người dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá chúng em, từ khi còn là một đứa trẻ nằm trong quẩy tấu được mẹ địu đi nương, đến lúc bước chân biết líu ríu theo điệu khèn hò hẹn, đến quãng đời trưởng thành quần quật vì miếng cơm manh áo mưu sinh, đến lúc về già chỉ ngồi ngóng núi và mơ về một ngôi mộ đá bên trên có loài hoa hồng tím bình yên, thanh thản…
Mấy năm gần đây, người dân dưới xuôi và dân phượt mê chuộng hoa tam giác mạch nên hoa tam giác mạch bỗng nhiên trở thành “đặc sản” của Hà Giang, chứ thật lòng mà nói, với người dân Mông bản địa như em, hoa tam giác mạch thân quen, thân thương quá hóa ra rất bình thường. Cả một biển hoa màu hồng mênh mông cứ nở rồi tàn phai trong gió mùa đông bắc, có khi cũng chẳng được ai quan tâm.
Với các gia đình người Mông nghèo, từ bao đời nay tam giác mạch được biết đến là một loài cây cứu đói trong những ngày giáp hạt. Nhưng ở vùng cao nguyên đá Hà Giang này, cây cứu đói số 1 lại là cây ngô chứ tam giác mạch chỉ được coi là thứ yếu, không được trọng dụng lắm đâu. Chỉ những nhà nghèo hoặc khi thiếu gạo, thiếu ngô thì mới dùng đến hạt tam giác mạch, còn không thì hạt mạch chỉ dùng làm thức ăn cho lợn, cho gà. Thành ra có cái gì đó hơi bất công với cây tam giác mạch. Công bằng mà nói, giá trị dinh dưỡng của hạt tam giác mạch không cao, nhưng bù lại tam giác mạch dễ sống, dễ trồng.
Trong ký ức của em vẫn nhớ như in những ngày còn bé, hàng năm, cứ vào độ tháng chín, mẹ gùi một quẩy tấu nặng hạt tam giác mạch ra mảnh nương trước nhà, chỗ khô cằn nhất mà cây ngô không mọc được, nhẩn nha quải từng nắm hạt mạch xuống những hốc đất hiếm hoi trên mảnh nương đá. Rồi mọi người cùng quên bẵng đi sau hàng núi công việc nhọc nhằn. Không ai để ý tới mảnh nương trước nhà, bất chấp đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, những hạt tam giác mạch đã tách vỏ nảy mầm, vươn lên những chồi xanh mướt với những tán lá nhỏ xíu chia ba góc xinh xắn.
Rồi bỗng một sáng nọ, heo may gió lộng, trời đã chớm sang đông lạnh, bước ra khỏi nhà em bỗng reo lên sung sướng đến kinh ngạc khi thấy không hẹn mà nên, gần như đồng loạt những cây tam giác mạch đã trổ bông. Những bông hoa hồng trắng bé bỏng, giản dị mà duyên dáng khe khẽ nghiêng mình đu đưa theo gió. Và đằng kia, những nương tam giác mạnh nhà hàng xóm cũng đã nở tưng bừng, những thảm hoa đẹp như tranh trải dài khắp vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Vậy đó, dẫu cuộc sống còn khó khăn và vô vàn khắc nghiệt nhưng không thể thiếu sắc màu lãng mạn, như những thảm hoa tam giác mạch vẫn nở bừng bừng làm đẹp cho những bản Mông nghèo, bất chấp sỏi đá khô cằn.
Từ niềm đam mê hoa tam giác mạch của khách du lịch, năm 2015 lần đầu tiên tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch kéo dài từ 12- 15/11/2015, thu hút gần 20.000 lượt khách mỗi ngày. Thật kỳ diệu làm sao khi loài hoa cứu đói của đồng bào Mông bỗng trở thành “đặc sản” văn hóa của tỉnh nhà, trở thành sứ giả kết nối triệu trái tim.
Lễ hội Hoa tam giác mạch năm nay được tổ chức vào tháng 10, sớm hơn năm 2015 một tháng. Đây là sự kiện lớn nhằm tạo điểm nhấn trong giới thiệu, quảng bá và thu hút khách du lịch đến với Hà Giang. Tại lễ hội này, ngoài thỏa sức ngắm những nương tam giác mạch, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản làm từ tam giác mạch theo đúng nghĩa như bánh tam giác mạch (làm từ bột hạt mạch) và rượu tam giác mạch (dùng hạt mạch trộn với hạt ngô để nấu rượu), bảo đảm say quên lối về.