Cuộc thử nghiệm dã man trên cơ thể trẻ song sinh
Trog lịch sử 150 năm hình thành phát triển, Bayer đối mặt với nhiều vụ lùm xùm, kiện cáo. Nội dung những vụ kiện tụng này vạch trần những chiến lược phát triển và hành vi phi nhân tính của hãng được nổi danh hàng đầu thế giới vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Một vụ kiện được một người đã sống sót sau vụ thảm sát Holocaust tên Eva Mozes Kor đệ trình vào năm 1999 đã tiết lộ các tài liệu cho thấy sự tham gia của Bayer vào các thử nghiệm trên con người. Cụ thể hơn, đơn kiện cáo buộc Bayer trả tiền cho các quan chức Đức Quốc xã để tiếp cận các tù nhân nhằm phục vụ các cuộc thử nghiệm thuốc của hãng. Vào những năm 1940, Eva Mozes Kor và người chị sinh đôi tên Miriam cùng nhau lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Romania. Cặp chị em song sinh bị đưa đến trại tập trung Auschwitz khi mới chỉ 9 tuổi.
Hai chị em họ được cho là một trong số hàng ngàn cặp sinh đôi đã phải trải qua các thí nghiệm do bác sĩ tử thần Josef Mengele tiến hành. Chỉ có hơn 300 người trong số này sống sót. Mengele là người nhận học vị tiến sĩ Nhân chủng học và Y học tại Đại học Munich, Đức. Khi bắt đầu làm việc tại trại tập trung Auschwitz, ông ta tìm thấy cơ hội để tiến hành di truyền học trên người. Trong đó, người này đặc biệt quan tâm tới các cặp sinh đôi vì muốn tăng tỉ lệ sinh con cho phụ nữ Aryan - chủng tộc được mệnh danh là “Người da trắng thượng đẳng”.
Để phục vụ cho mục đích này, ông ta đã tiêm một loại virus chết người vào cơ thể của một trong hai người song sinh rồi sau đó sẽ so sánh kết quả quan sát với người khỏe mạnh còn lại. Ngoài ra, Mengele cũng thực hiện thí nghiệm về việc thay đổi màu mắt của cặp sinh đôi bằng cách tiêm nhiều loại hóa chất vào mắt và vào cơ thể. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng mắt vô cùng đau đớn, nhiều đứa trẻ đã bị mù vĩnh viễn. Eva và chị gái bà là bà Miriam 10 tuổi vào năm 1945, khi quân Đồng minh đánh bại Đức Quốc xã. Năm 1950, hai chị em họ tới định cư tại thành phố Haifa miền bắc Israel và phục vụ trong quân đội nước này.
Năm 1960, bà Eva kết hôn với một người Mỹ tên là Michael Kor - cũng là nạn nhân sống sót từ cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã. Một thời gian sau đó, họ chuyển đến sinh sống tại Mỹ. Trong quãng đời còn lại của mình, bà Miriam mắc một căn bệnh quái ác về thận do hậu quả từ những thí nghiệm trong thời thơ ấu. Dù đã nhận được một quả thận hiến từ người em song sinh Eva nhưng bà vẫn qua đời vào năm 1993, do các biến chứng từ các thí nghiệm, khi mới 59 tuổi.
Hai năm sau khi chị gái qua đời, bà Eva Mozes Kor thành lập bảo tàng Candles - nơi trưng bày những thí nghiệm của Đức Quốc xã về trẻ em. Tiếp sau đó, bà đâm đơn kiện, cáo buộc Bayer đã cung cấp các hóa chất độc hại được sử dụng trong các thí nghiệm tàn bạo nói trên. Bà Eva là một trong số những người sống sót ở các trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã đã cố gắng giành được tiền bồi thường từ gã khổng lồ dược phẩm đã thực hiện các thí nghiệm y tế trên cơ thể họ.
Và những di chứng khủng khiếp
Một người khác có thể kể đến là bà Zoe Polanska Palmer. Bà Zoe kể lại rằng, năm 13 tuổi, bà đã bị đưa tới trại tập trung Auschwitz. Tại đây, bà đã bị buộc phải các loại thuốc phục vụ một loạt các thí nghiệm dược lý và xét nghiệm kiểm soát sinh sản sớm của bác sĩ tử thần Josef Mengele. Từng nghĩ mình sẽ không thể sống sót sau những màn tra tấn đó nhưng bà Zoe may mắn không chết do được một bác sĩ người Nga cứu. Sau khi hồi phục, bà định cư ở Scotland. Đầu những năm 1970, bà Zoe đã đấu tranh đòi bồi thường và đòi công ty dược phẩm Đức Bayer xin lỗi.
“Tôi vẫn cảm thấy khó chịu khi uống aspirin. Tôi nhớ một trong những bác sĩ ở trại tập trung đã đè ra giữ hàm của tôi rồi đổ thuốc vào cho nó trôi xuống cổ họng. Tôi vẫn rất cảnh giác với những người đàn ông mặc áo khoác trắng”, bà kể lại. Những chứng cứ được tìm thấy trong kho lưu trữ của trại tập trung Auschwitz đã khẳng định bác sỹ đã ép bà Zoe uống thuốc tên là Victor Capesius, làm việc cho công ty dược phẩm Bayer khi công ty này còn là một phần của Tập đoàn IG Farben.
Victor Capesius chính là người đã giúp “bác sĩ tử thần” Mengele tiến hành các thí nghiệm di truyền, thường là ở trẻ em đồng thời tham gia việc chọn từ hàng ngàn tù nhân tại trại tử thần khổng lồ ra những người mà chúng cho là có thể hữu ích trong khi những tù nhân còn lại sẽ phải chết ngay lập tức. Bác sĩ Capesius đã bị đưa ra xét xử ở Frankfurt, Đức vì tội ác chiến tranh năm 1963 và phải ngồi tù vì tội danh này.
Một nhân viên lâu năm khác của Bayer tên là Helmut Vetter cũng từng làm việc tại trại tập trung Auschwitz. Ông ta tham gia vào việc thử nghiệm vaccine và thuốc trên các tù nhân. Về sau, khi chiến tranh đã kết thúc, người này đã bị xử tử vì đã tiêm thuốc gây tử vong cho tù nhân.
Sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, bà Zoe kết hôn và định cư ở Scotland. Trong thời gian này, bà đã phải chịu đựng nhiều đau đớn và tốn khá nhiều tiền để điều trị những tổn thương cơ thể do quá trình thử nghiệm khi còn nhỏ để lại. Đặc biệt, dù đã phải chịu đựng nhiều ca phẫu thuật để phục hồi những tổn hại cơ thể do thí nghiệm của Đức Quốc xã gây ra nhưng bà vẫn vô sinh và còn mắc bệnh ung thư.
“Tôi muốn đảm bảo mọi người nhớ những gì đã xảy ra với những người như tôi khi tôi còn là một đứa trẻ ở Auschwitz. Tôi chỉ là một trong số hàng ngàn trẻ em bị đối xử theo cách đó và tôi là một trong số rất ít người may mắn sống sót”, bà Zoe Polanska Palmer. Về sau, bà cũng nhận được một khoản bồi thường nhỏ từ Chính phủ Đức. Năm 2017, bà qua đời sau những năm tháng chống chọi với bệnh tật.
(Kỳ tới: Những cuộc thử nghiệm vô nhân đạo trên cơ thể người tù khổ sai)