Nói xấu đối thủ để thu hút khách hàng
Mấy ngày nay, cư dân mạng dậy sóng vì những màn đấu khẩu giữa những người buôn bán rau qua mạng. Sự việc xuất phát từ một người bán hàng online tên C.B đã “đăng đàn” kêu gọi các bà nội trợ tẩy chay một số người bán hàng online khác, với lý do là những người này đang bán rau bẩn, gây tổn hại đến sức khỏe khách hàng thông qua mô hình trồng rau thủy canh.
Không những thế, người này còn mạnh miệng cho rằng, hầu hết mô hình rau thủy canh đều là bẩn, sử dụng hóa chất nhằm giúp rau lớn nhanh, đầu độc người ăn. Không chỉ kêu gọi tẩy chay, người bán này còn gọi những người bán rau online trong câu chuyện của mình là “lừa mị”, lừa đảo, thậm chí lôi cả đời tư, con cái ra để chửi bới, hạ uy tín. Điều đáng nói là người kêu gọi tẩy chay cũng chính là một facebooker bán rau “tự xưng là sạch” khá nổi trên mạng. Nhiều khách hàng đã vào vạch ra những cái sai về khoa học lẫn đạo đức kinh doanh của C.B. Nhiều người cho rằng, đây chính là một trò cạnh tranh trong làm ăn cực kì “xấu xí”.
Dìm người khác xuống, nâng mình lên, lấy thực trạng thực phẩm bẩn để hù dọa, lấy niềm tin của khách hàng là chuyện thường ngày trong mảng buôn bán online. Mới đây, chủ một cửa hàng kinh doanh thức ăn phục vụ tận nơi (online và offline) đã gây ra một cuộc tranh cãi mạnh mẽ khi đưa ra những thông tin về hải sản bẩn.
Chị này đã đưa ra các dấu hiệu nhận diện về một số hải sản bẩn, có khả năng gây ngộ độc và cho biết hiện trên thị trường thực phẩm, tại các quán ăn, nhà hàng hải sản có độc như trên tồn tại rất nhiều. Chỉ riêng cửa hàng của chị từ lâu đã luôn tuân thủ không nhập loại hản sản như trên. Phát biểu này đã thuyết phục được không ít khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều người phản ứng mạnh, cho rằng đây là một thông tin võ đoán, không có cơ sở, gây ảnh hưởng không tốt đến những người nuôi hải sản cũng như những người kinh doanh khác. Trước sức ép của dư luận, chủ cửa hàng nọ đã phải hạ lời phát biểu này xuống.
Tình trạng nói xấu nhau, chê hàng hóa người khác để tự khen sản phẩm của bản thân nhiều năm nay đã là “vấn nạn” trong kinh doanh qua mạng. Ngoài hù dọa bằng thực phẩm bẩn, nhiều người bán lôi kéo khách hàng bằng cách phiếm chỉ về nguồn gốc sản phẩm. Khi bị so sánh mức giá với cửa hàng khác, nhiều chủ cửa hàng online không ngần ngại đưa ra những tuyên bố về nguồn sản phẩm tốt tuyệt đối của mình, đồng thời đưa ra những nhận định không hay về nguồn gốc sản phẩm của đối thủ, dù không có chứng cứ rõ ràng.
Chơi bẩn phạm luật
Nhiều người kinh doanh online đã rất đau đầu trước tình trạng bị đối thủ “hớt tay trên” khách. Chị Nguyễn Thị Thảo My, chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm qua mạng khá mạnh cho biết, rất nhiều lần cửa hàng phải chịu cảnh vừa mới đăng sản phẩm và giá cả, ngay lập tức các cửa hàng mỹ phẩm online khác chỉ chờ có thế, đăng sản phẩm tương tự lên với giá thấp hơn 10-15%, chấp nhận lời nhuận thấp hoặc huề vốn để lôi kéo khách hàng.
Còn một chiêu trò khác nhiều người kinh doanh online thường dùng, đó là “mai phục” trong những trang mạng bán hàng trực tuyến đông khách, hễ thấy khách hàng vào hỏi han định mua hàng và để lại liên lạc thì nhanh chân liên hệ trước để chào giá thấp hơn hoặc thậm chí mạo danh để giao hàng, lấy tiền.
Nhiều người còn “chơi xấu” đối thủ bằng cách mạo danh nhiều người mua khác nhau, đặt mua vô tội vạ trong những thời điểm bán đắt và cho địa chỉ ảo để giao hàng, khiến người cung cấp sản phẩm “dở khóc dở mếu” vì giao hàng tới nơi không có người mua, và không đủ hàng để bán cho người cần.
Điều 39 Luật Cạnh tranh qui định về các hành vi được xem là cạnh tranh không lành mạnh, bị cấm, trong đó có hành vi “Gièm pha doanh nghiệp khác” và “Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”. Điều 43 và 44 của Luật này cũng cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Như vậy, các hành vi cạnh tranh trên thị trường kinh doanh online thời gian qua đã phạm vào những điều bị cấm trong Luật Cạnh tranh, tuy nhiên, cho đến nay, kinh doanh qua mạng vẫn là hình thức “tranh tối tranh sáng”. Hầu hết việc buôn bán qua mạng đều tự phát, tự kiểm soát chất lượng, không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và cả cơ quan thuế. Vì thế cho nên, cho dù hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến miếng cơm manh áo của nhau có diễn ra, thì các bên cũng chỉ có thể “tự giải quyết”. Và bao giờ, phần thiệt cũng thuộc về người tiêu dùng.