Luật để phòng chống hay chạy theo?
Với sự ra đời của Luật đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, quy định về quản lý website thương mại điện tử, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là có những thay đổi đáng kể. Những lỗ hổng pháp lý: thông tin đăng ký website TMĐT sơ sài, thiếu quy phạm bảo vệ thông tin khách hàng là cá nhân… trên thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng.
“Đặc biệt các quy định về hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội thì chưa có chế tài cụ thể cho hành vi vi phạm. Trong khi đó, số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng gia tăng”, TS. Hồ Thúy Ngọc (Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Đại học Ngoại thương, Hà Nội) cho biết.
Cũng trong Hội thảo "Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh" diễn ra tại Hà Nội sáng 13/5, TS Ngọc phân tích: Có quy định nhưng không có chế tài thì việc đưa quy định vào trong thực tiễn thế nào? Chế tài nằm ở Nghị định 185/2013/NĐ-CP nhưng các chế tài này chỉ xoay quanh vấn đề xử lý vi phạm xảy ra trên website TMĐT mà bỏ quên các mạng xã hội, bỏ quên nền tảng di động, chưa nói đến email. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh TMĐT cũng như nền tảng di động hiện nay rất cấp thiết.
“Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến câu chuyện bán hàng trực tuyến mà bỏ qua mua hàng trực tuyến. Tôi từng tham gia một Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về liên quan đến TMĐT. Tôi đã đưa ra ý kiến này đề nghị ban dự thảo xem xét thì nhận được câu trả lời: Hiện nay phương thức mua hàng trực tuyến rất ít và chờ bao giờ nở rộ thì chúng ta quy định. Nếu như thế thì luật lại chạy sau các hiện tượng kinh tế. Và như vậy chúng ta đi chữa chứ không phải phòng chống trước”, TS. Ngọc nói.
Mua hàng trực tuyến ngày càng nở rộ. |
Thêm vào đó, TS. Ngọc đề xuất bỏ quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website TMĐT do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ. Bởi quy định này cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết.
“Nếu mình bỏ quy định này đi thì có thể áp dụng sự tín nhiệm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội tham gia vào mua hàng trực tuyến mà doanh nghiệp cũng được lợi”.
Nên sử dụng Safeweb như một "nhãn tín nhiệm"
Nhiều website kinh doanh TMĐT không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng, thế nên Hiệp hội TMĐT (VECOM) đã phối hợp với Trung tâm phát triển TMĐT (EcomViet) thuộc Cục TMĐT và công nghệ thông tin (VECITA) xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch TMĐT với tên gọi Safeweb.
Safeweb là nhãn tín nhiệm để xác nhận với người tiêu dùng, với xã hội rằng website này có độ tin cậy, an toàn. TS. Ngọc đề xuất đưa nhãn tín nhiệm này thành một điều kiện để đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp trong hoạt động TMĐT.
Theo TS. Ngọc, hiện nay mới có các văn bản quy định dưới luật rằng muốn kinh doanh TMĐT thì doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh và liệt kê các thông tin cần đăng ký nhưng nội dung các thông tin ấy xác thực đến đâu và đã đủ chưa thì chưa được quy định.
“Tôi nghĩ rằng đề xuất này của tôi sẽ vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp TMĐT vì họ chỉ muốn tự do nhất có thể. Tuy nhiên để phát triển bền vững xét từ góc độ xã hội, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợ. Còn đứng từ góc độ doanh nghiệp thì nhãn tín nhiệm chính là con dấu xác định độ tin cậy của doanh nghiệp. Điều này rất tốt cho doanh nghiệp trong tương lai.
TMĐT là việc rất cần có sự chặt chẽ nhưng chặt chẽ như thế nào để tránh biến thành cái áo quá chật hay cái áo chỗ rộng, chỗ chật và người chịu rủi do cuối cùng lại là người tiêu dùng, xã hội", TS. Ngọc tổng kết./.