Lương thấp, hạ thấp vị thế thầy cô
Nêu ra nhiều “nghịch lý” trong việc đào tạo, sử dụng đội ngũ giáo viên phổ thông tại Việt Nam, ông Trần Trung Ninh - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong khi giáo viên luôn được khẳng định có vai trò quan trọng trong dạy học, đổi mới chương trình và chất lượng giáo dục thì tiền lương của giáo viên thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo.
Ông Ninh dẫn lại đề tài khoa học cấp nhà nước do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ nhiệm cho biết, mức thu nhập bình quân của giáo viên từ lương và phụ cấp trong khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì sau 13 năm mức lương giáo viên mới đạt từ 2-2,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm mới đạt từ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học chỉ nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng.
Trong lần đổi mới căn bản và toàn diện lần này, vấn đề lương giáo viên không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và sách giáo khoa có hiện đại và ưu việt cũng sẽ thất bại, ông Ninh bày tỏ. Hiện chỉ khoảng 50% giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên. Do đó, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên phổ thông không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống của họ và gia đình, nhất là ở vùng đô thị. Đây là lý do khiến khoảng 40% giáo viên không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Gia Trang - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng chia sẻ, nghiên cứu khảo sát của Viện này cho thấy, lương là vấn đề rất quan trọng với giáo viên. Lương của giáo viên ngoài được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp thì lương nói chung chưa đáp ứng nhu cầu mức sống đặc biệt là tại các đô thị. Đây là nguyên nhân lý giải việc giáo viên có nhu cầu dạy thêm chủ yếu để có thêm nguồn thu nhập ngoài lương để đảm bảo kinh tế của gia đình.
Tâm lí xã hội hiện nay đang đè nặng lên giáo viên, lên ngành Giáo dục. Bởi tâm lí chung vẫn nặng bằng cấp, điểm số, thi cử, coi trọng ứng thí, coi trọng giải. Điều này đang tạo áp lực cho giáo viên chứ nguyên nhân không hẳn do giáo viên. Tuy nhiên, lương ít, không đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế của nhà giáo và nghề dạy học. Hệ quả là nhiều giáo viên xin rời biên chế thời gian gần đây.
Từng nhiều năm giảng dạy ngành Giáo dục tiểu học trong trường Sư phạm, bà Hoàng Thị Tuyết - Đại học Mở TP HCM chia sẻ đã nhiều lần bật khóc cùng cựu sinh viên khi nghe tâm sự làm nhiều mà lương thấp vì không có thâm niên, muốn đi học lên cao hơn thì trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp. Đặc biệt khi năm ngoái, chủ trương giáo viên tiểu học dù tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ đều phải nhận lương khởi điểm theo mức trung cấp hệ số 1,86 khiến nhiều thầy cô dạy công lập nuốt nước mắt. Như vậy, phải sáu năm sau, họ mới được nhận lương đúng với bậc học của mình. Bà Tuyết cho rằng đây là yếu tố làm giảm động lực của giáo viên, đặc biệt là những người dạy giỏi.
Còn bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội đặt câu hỏi tại sao lương hưu của giáo viên ngoài công lập lại thấp hơn rất nhiều so với giáo viên công lập trong khi họ cống hiến như nhau và giáo viên ngoài công lập phải đóng bảo hiểm rất cao để được nhận chế độ khi về hưu?
Không để các trường sư phạm tràn lan
Ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, đội ngũ giáo viên đã và đang giảng dạy chương trình phổ thông được đào tạo bài bản, có trình độ trên chuẩn. Nhưng dạy học là nghề vừa mang tính khoa học lại vừa đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật, năng khiếu trong giảng dạy. “Thế nhưng ít nhất 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp, giáo viên khá giỏi chỉ đạt 20%, trong khi số lượng học sinh ngày càng lớn. Vì vậy, giáo dục phổ thông không thể nâng lên được mà chỉ dừng lại ở mức nào đó thôi”, ông Đình Anh khẳng định. Từ đó, ông Anh đề xuất khi tuyển sinh sư phạm thì ngoài kiểm tra kiến thức, cần có kiểm tra năng khiếu sư phạm.
Còn Tiến sĩ Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, cần phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo vấn đề tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa đáp ứng các yêu cầu chung vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên.
Ông Tạ Quang Sum, nguyên hiệu trưởng một trường của tỉnh Khánh Hòa cũng đề xuất, cần phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm và thay đổi cách tuyển sinh của hệ thống đào tạo giáo viên. Theo đó, cần phải hình thành các trường đại học sư phạm quốc gia đặt ở các khu vực chứ không để tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm không tuyển học sinh THPT mà tuyển sinh từ sinh viên đã hoàn tất năm 3 hệ cử nhân khoa học.
Sinh viên chỉ học 1 năm chuyên ngành sư phạm ĐH sư phạm chỉ đào tạo chuyên ngành sư phạm, việc đào tạo kiến thức chuyên môn các trường ĐH KHXHNV, KHTN đảm trách. Trong lúc học chuyên ngành sư phạm, sinh viên được khuyến khích hoàn tất chương trình cử nhân khoa học của trường thứ nhất đã theo học. Và điều quan trọng hơn, tất cả sinh viên học trường sư phạm phải được cấp học bổng toàn phần, sau khi tốt nghiệp xong phải được bổ nhiệm mà không qua thi tuyển viên chức.
Còn ông Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên thì phân tích, các trường sư phạm chưa chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm của mình, đó là hoạt động hành nghề của giáo viên trong thực tiễn. Điều này là không phù hợp với cơ chế thị trường. Theo ông Quang, ai cũng biết là không trường nào muốn tuyển các em yếu kém vào sư phạm cả. Tuy nhiên, để tăng sức hút cho ngành sư phạm cần có chính sách từ đầu ra, đãi ngộ đối với sinh viên sau tốt nghiệp. Vấn đề này gắn liền với quá trình tuyển dụng, đánh giá, sa thải. Hiện nay, sức hút cạnh tranh của ngành sư phạm còn yếu do không được bổ nhiệm vị trí công tác sau tốt nghiệp. Vì thế, trong khi các trường tư tuyển được giáo viên rất xuất sắc thì trường công không tuyển được.
Do đó theo ông Quang, hệ thống đào tạo giáo viên phải có sự quản lý trực tiếp thống nhất của Nhà nước từ trung ương đến địa phương chứ như hiện nay quá nhiều cơ quan tham gia, dẫn đến không thống nhất. Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đình Anh cho rằng, lâu nay chúng ta tuyển dụng vào ngành sư phạm quá nhiều tiêu cực, không minh bạch, công bằng khiến nhân dân và học sinh chán nên không còn người giỏi vào sư phạm. Đó là nguyên nhân thực tế khiến vừa rồi thí sinh không còn nộp hồ sơ vào trường sư phạm chứ không phải như nhận định của Bộ GD&ĐT là do các trường địa phương.