Tại hội thảo, gần 150 đại biểu đại diện cho các cơ quan, các sở, ban ngành và các nhà khoa học nhận định, sau gần một năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, bước đầu tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật Khu vực chính Điện Kính Thiên. Theo đó, năm 2017, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tiến hành khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền Điện Kính Thiên với tổng diện tích 960m2. Mục tiêu nhằm nghiên cứu làm rõ thêm vị trí, quy mô cấu trúc và giá trị của Khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại Khu vực chính Điện Kính Thiên.
Cuộc khai quật cũng đã tìm thấy dấu tích một số kiến trúc có niên đại thuộc các thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, gồm có móng cột, móng nền kiến trúc, sân nền… Các dấu tích kiến trúc này bị phá hủy hầu hết bởi một hố đào lớn có thể diễn ra vào khoảng thế kỷ 18 hoặc 19. Tính chất và niên đại của hố đào còn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Ngoài ra, các di vật xuất lộ trong đợt khai quật lần này có nhiều loại hình khác nhau như: đồ đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó, một số lượng lớn là gạch ngói. Trong các loại vật liệu xây dựng, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) thuộc thời Lê Sơ (đầu thế kỷ 17). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “ngói rồng” lợp cung điện trong khu vực chính Điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê Sơ…
Theo các nhà khoa học, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2017 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Qua đó, đã góp thêm nhiều tư liệu làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và góp phần nghiên cứu, khôi phục không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê.