Đã trải qua 5 năm liên tục theo sát việc khai quật thăm dò khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định phải mất hàng chục năm nữa mới có thể hoàn thiện công tác khai quật khảo cổ học ở khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Sau gần một năm tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn, với tổng diện tích gần 1.000 m2, các nhà khoa học đã có thêm những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại các hố khai quật khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2016.
Theo đó, cuộc khai quật năm nay đã góp phần làm rõ tầng văn hóa dày xấp xỉ 4 mét, với nhiều lớp kế tiếp nhau, có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ 8-9 đến thế kỷ 19-20) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Nói tiếp các cuộc khai quật liên tiếp từ năm 2012 đến năm 2015, cuộc khai quật năm nay đã góp phần làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
Năm nay khảo cổ học chú ý nhất là đường nước thời Lý rộng 2m cao 2m, song ở những phần di tích còn lại cũng đang tạo nên một điểm nhấn rất lớn cho việc nghiên cứu qui hoạch thời Lý ở khu vực Trung tâm Thăng Long, cũng như nhận định về tính chất của khu vực này.
Đường nước trước đây từng có nhiều tranh cãi nhưng bây giờ đã có thể hình dung được đường nước không những chảy từ Đông sang Tây, mà còn có hướng chảy từ Bắc sang Nam. Mà hướng Nam chưa kết thúc, phía Bắc cũng chưa kết thúc…
Như vậy đường nước có quy mô khá lớn. Dĩ nhiên, đây là đường nước nhân tạo và được xây một cách rất có ý thức. Như vậy, đường nước này sẽ dừng ở một vị trí rất quan trọng trong quy hoạch cấu trúc của Cấm Thành Thăng Long thời nhà Lý. Đường nước này liên quan tới trục trung tâm của Cấm Thành Thăng Long thời nhà Lý phía 18 Hoàng Diệu hay phía Đoan Môn đang là một bí ẩn cần làm rõ, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định những gì mà chúng ta đã biết về không gian chính điện Kính Thiên nói riêng và Hoàng thành Thăng Long nói chung từ các cuộc thăm dò khảo cổ- thực ra là vô cùng nhỏ.
Bởi chúng ta cũng mới chỉ nghiên cứu về di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được 5 năm nay thôi. Trong khi đó để làm rõ Trung tâm Nara (Nhật Bản), người ta nghiên cứu 60 năm nay rồi, nếu kể cả lịch sử nghiên cứu, thì họ nghiên cứu từ cuối thế kỷ 19, tức là hơn 1 thế kỷ rồi. Do đó, cần phải có thời gian khoảng vài thập kỷ nữa, các nhà khảo cổ mới có thể hoàn tất việc khai quật và những bí ẩn lịch sử mới được hé lộ và sáng tỏ.