Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, căn cứ vào quyền và trách nhiệm của các cặp vợ chồng quy định tại Hiến pháp 2013 cũng như Công ước về quyền con người, Tổng cục DS – KHHGĐ đã đưa ra 2 phương án.
Trong đó, phương án 1 các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con; phương án 2 mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 1-2 con như cũ. Quan điểm của Tổng cục DS–KHHGĐ là phải đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, đảm bảo sự nuôi dạy được tốt hơn…
Trước mắt, mọi người dân vẫn nên thực hiện sinh ít con, đảm bảo mức phát triển dân số phù hợp để phát triển kinh tế, xã hội.
- Được biết, khi đề xuất trên được đưa ra, rất nhiều chuyên gia, người dân tán thành phương án 1 với lý do: Thứ nhất, chúng ta đã đạt mức sinh 1-2 con bền vững 10 năm qua, vì thế nên nới lỏng để hài hòa mức sinh; thứ hai, nới lỏng để còn đối phó với tốc độ già hóa dân số đang tăng với tốc độ chóng mặt của Việt Nam và khắc phục tình trạng thiếu lao động sẽ đến trong một tương lai gần.
Theo ông, quan điểm trên có đủ sức thuyết phục?
- Theo mục tiêu của cuộc vận động dân số và phát triển mà chúng tôi đưa ra hiện nay thì thay vì khẩu hiệu, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 1 – 2 con được điều chỉnh bằng mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Chúng tôi cho rằng, nhiều người đã hiểu sai về chính sách. Về phương diện pháp luật, chúng ta chưa có bất kỳ điều khoản nào quy định các cặp vợ chồng muốn sinh bao nhiêu con tùy ý.
Khi xây dựng chính sách dân số, chúng tôi luôn tôn trọng, đảm bảo quyền sinh con của mỗi cặp vợ chồng cũng như không quy định việc gia đình nào sinh con thứ ba thì bị xử phạt, hay quy định sinh ít con thì được thưởng…
Chính vì thế, phương án 1 được xây dựng trên tinh thần giữ nguyên Khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003. Phương án 2 dựa trên tinh thần mục tiêu của cuộc vận động như tôi đã nói ở trên.
Ông Nguyễn Văn Tân |
- Đã không ít lần Tổng cục DS– KHHGĐ đề cập đến việc sẽ duy trì mức sinh thấp hợp lý hiện tại để phát triển đất nước. Ông có thể phân tích rõ hơn ý nghĩa của cụm từ này? Trong quá trình xây dựng chính sách, Tổng cục DS-KHHGĐ có lộ trình cho việc điều chỉnh, nới lỏng mức sinh cho phù hợp?
- Khi chúng ta duy trì mức sinh thấp hợp lý như hiện nay (mỗi gia đình sinh 1- 2 con) xã hội xuất hiện hai xu hướng khác nhau. Cụ thể, hiện nay một số khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung… điều kiện kinh tế rất khó khăn nhưng mức sinh vẫn rất cao thì nên hạ mức sinh xuống; một số tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, có mức sinh đã xuống rất thấp rồi thì lại phải vận động, khuyến khích sinh đủ 2 con.
Đặc biệt, dựa trên thực tế, kinh nghiệm trong công tác dân số của các quốc gia đi trước (Trung Quốc, Hàn Quốc…), chúng ta sẽ phải có các phương án dự phòng, tránh để mức sinh quá thấp không vực lên được; đồng thời phải luôn theo dõi xu hướng phát triển của dân số.
Nếu tốc độ phát triển kinh tế giữ vững, thậm chí tăng tốc hơn nhờ việc tham gia vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế của khu vực, cơ hội công ăn việc làm nhiều hơn, lối sống công nghiệp phát triển, nhu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội tăng lên thì sẽ có sự điều chỉnh dân số cho phù hợp.
Trong trường hợp mức sinh vẫn cao thì việc duy trì mức sinh thấp hợp lý 1-2 con càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, khi mức sinh hạ xuống quá thấp thì lại phải có chính sách khuyến khích sinh đẻ.
- Để đảm bảo mức tăng dân số hợp lý, đảm bảo chất lượng dân số, trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho công tác DS–KHHGĐ ngày càng ít đi, Tổng cục DS–KHHGĐ có những hướng đi, giải pháp nào, thưa ông?
- Đúng là nguồn kinh phí Nhà nước dành cho công tác DS – KHHGĐ hiện nay ngày càng sút giảm: Năm 2012 là 970 tỷ đồng, năm 2013 là 847 tỷ đồng, năm 2014 là 517 tỷ đồng, năm 2015 chỉ còn 590 tỷ đồng. Để đảm bảo mức tăng dân số hợp lý, đảm bảo chất lượng dân số, chúng ta buộc phải đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác DS – KHHGĐ.
Cụ thể, ngân sách nhà nước chỉ để đảm bảo cung cấp cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; người dân sống ở các khu vực nghèo, đời sống còn khó khăn. Một số đối tượng khác, hoặc Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để mua các phương tiện hỗ trợ, dịch vụ phòng tránh thai; hoặc phải bỏ tiền ra mua và hưởng các dịch vụ này.
- Xin cám ơn ông!