Theo trình bày của nữ phóng viên này gửi tới tòa án và được đài WDR công khai, trong cuộc trả lời phỏng vấn cho đài WDR mà nữ phóng viên kia thực hiện, ông Giscard d’Estang đã nhiều lần có hành vi dùng tay đụng chạm vào người nữ phóng viên khiến cho cô cảm nhận thấy bị coi thường và nhục mạ.
Vụ việc này xảy ra hồi năm 2018 nhưng mãi đến bây giờ nữ phóng viên mới công khai và khởi kiện ông Giscard d’Estang. Theo lời cô Ann Katrin Stracke, cô cần nhiều thời gian để suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng. Cả phía nữ phóng viên và nhà đài lẫn nhóm cộng sự của cô đều không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho cáo buộc đưa ra.
Phía nhà đài WDR tin rằng cáo buộc ấy đúng với sự thật. Văn phòng của ông Giscard d’Estang đưa ra thông cáo với nội dung là ông Giscard d’Estang không nhớ gì về vụ việc ấy cả và quả quyết rằng nếu những cáo buộc này đúng sự thật thì cựu Tổng thống Pháp sẽ rất buồn. Cho tới thời điểm hiện tại, chuyện chỉ có như vậy.
Nếu coi đấy là một vụ án thì nó vô cùng tế nhị đối với ông Giscard d’Estang và cũng đồng thời rất khó xử đối với tòa án cũng như chính giới ở nước Đức. Ông Giscard d’Estang là Tổng thống Pháp rất được nể trọng ở nước Đức. Khi xưa, người này cùng Thủ tướng Đức Helmut Schmidt tạo thành cặp bài trùng quyền lực trong EC, tiền thân của Liên minh châu Âu ngày nay.
Hai người này là động lực chính cho tiến trình nhất thể hóa tiền tệ trong EC và chủ xướng hình thành khuôn khổ diễn đàn G7. Về pháp lý mà nói thì tòa án ở Đức không thể không thụ lý vụ kiện và không thể không tiến hành xét xử vụ việc.
Từ mấy năm trở lại đây, chuyện quấy rối và cưỡng bức tình dục phụ nữ trở thành chủ đề thời sự của chính trị và tư pháp thế giới. Phong trào #MeToo phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhưng cả tòa án lẫn chính giới ở nước Đức đều khó xử khi chỉ có những cáo buộc của nữ phóng viên chứ không có bằng chứng xác thực để có thể kết tội vị cựu Tổng thống nước láng giềng.
Tức là khó có thể buộc tội và kết tội được ông Giscard d’Estang nhưng nếu không xử phạt ông già này thì sẽ bị coi là bị lụy chính trị và phán xử không phải vì công lý mà vì mục đích chính trị, do vậy sẽ không thể tránh khỏi bị dư luận xã hội nước Đức phản đối.
Đối với chính giới Đức, nếu tòa kết tội ông Giscard d’Estang thì đâu có khác gì giáng một đòn chí tử vào cả thể diện nước Pháp và nền chính trị ở nước Pháp. Đối với ông Giscard d’Estang, chuyện bị kiện vốn đã chẳng hay ho gì mà lại còn là chuyện sàm sỡ phụ nữ thì càng thêm tai hại, chẳng khác gì hình ảnh về một tượng đài chính trị bị đổ sụp bởi yếu kém về nhân cách mà việc ấy xảy ra ở vài đoạn cuối của cuộc đời.
Bi kịch cá nhân của bị cựu Tổng thống 94 tuổi này cũng đồng thời còn là cả bi kịch đối với nền chính trị nước Pháp. Điều này làm cho Tòa án ở nước Đức càng thêm khó xử.